Tạp chí Sông Hương -
Bảo tàng, bao giờ hấp dẫn?
09:12 | 23/03/2011
Trên 2,3 triệu lượt người đến tham quan, tìm hiểu các bảo tàng tại TPHCM trong năm 2010 (tăng 11% so với cùng kỳ - chưa kể trên 90.000 lượt khách đến tham quan tại 4 bảo tàng do các ngành và tư nhân quản lý) là con số đáng khích lệ.
Bảo tàng, bao giờ hấp dẫn?

Sinh viên và đoàn viên TNCS Trường Đại học Bách khoa TPHCM học tập, tìm hiểu tại Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh

Sở VH-TT-DL TPHCM nhận định các bảo tàng tại TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động khá phong phú, tuy nhiên để ngành bảo tàng thật sự hấp dẫn và phát triển bền vững, phải có sự đầu tư đúng mức.


Phát triển chưa xứng tầm

Trong số 11 bảo tàng trên địa bàn TPHCM, chỉ có vài đơn vị như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TPHCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM… là thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Các bảo tàng còn lại có lượng du khách đến chưa nhiều, không ít bảo tàng rơi vào cảnh đìu hiu, thỉnh thoảng mới đón vài đoàn khách và học sinh từ các tỉnh.

Một trong những nguyên nhân khiến các bảo tàng thiếu sức hút do số lượng hiện vật chưa phong phú, hệ thống trưng bày đơn điệu, khô cứng, mặt bằng hạn chế, công tác giới thiệu chưa hấp dẫn, trong đó khó khăn lớn nhất phải kể đến là thiếu cơ sở vật chất.

Nói về cơ sở vật chất cho ngành bảo tàng, tại nhiều cuộc họp, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Huỳnh Văn Mười từng nhận định: “Có một thực tế cần phải nhìn nhận là phần lớn cơ sở vật chất các bảo tàng ở TPHCM chưa đúng quy chuẩn. Ở hầu hết các nước, người ta quy hoạch xây dựng bảo tàng với những tiêu chuẩn chuyên ngành hẳn hòi (từ kiến trúc xây dựng, vật liệu, mỹ thuật, kỹ thuật đến không gian, ánh sáng, màu sắc…), trong khi ở ta thường là tận dụng những mặt bằng sẵn có để làm bảo tàng”.

Nhiều cán bộ lão thành lâu nay từng gắn bó với bảo tàng cũng bày tỏ ý kiến như thế. Là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng, cũng là địa phương có số lượng bảo tàng nhiều nhất nước, lẽ ra các bảo tàng tại TPHCM phải được đầu tư tương xứng, tuy nhiên thực tế lại có nguy cơ rơi vào tình trạng phát triển manh mún.

Hiện đại hóa bảo tàng

Mới đây, tín hiệu khả quan đã đến với ngành bảo tàng TPHCM, đó là việc UBND TPHCM phê duyệt phương án trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và trang thiết bị bảo vệ an toàn cho bảo tàng và hiện vật đối với 7 bảo tàng của TP, kinh phí đầu tư 7 tỷ đồng; đồng thời phê duyệt chế độ trợ cấp thường xuyên cho cán bộ viên chức bảo tàng, thư viện.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng đã có thông tư quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của bảo tàng (dựa trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa), trong đó có các quy định cụ thể về hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động bảo quản và hoạt động dịch vụ. Có thể nói, đây là những cú hích đầu tiên “tiếp sức” cho hoạt động ngành bảo tàng vốn khá trầm lắng.

Ngoài ra, nằm trong dự án nâng cấp và hiện đại hóa các bảo tàng, trong năm nay, nhiều bảo tàng đã và đang hoàn tất hồ sơ dự án nâng cấp mở rộng như: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Riêng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, việc tiếp nhận tòa nhà Trung tâm thông tin triển lãm và sửa chữa nâng cấp đã hoàn tất, công trình sẽ được đưa vào hoạt động vào ngày 27-4 tới đây.

Với những sự quan tâm và đầu tư của TPHCM, hy vọng về các bảo tàng tại TP hiện đại, thân thiện và thật sự hấp dẫn sẽ không còn xa. 

Theo Minh An - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng