Tạp chí Sông Hương -
“Giới thiệu các nhà văn trẻ Việt Nam là việc tôi phải làm”
10:45 | 23/03/2011
Ngày mai 24.3, giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh sẽ được trao tại khách sạn Rex, TP.HCM. Giải thưởng Việt Nam học dành cho những người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam có những đóng góp quan trọng và việc giới thiệu văn hoá Việt Nam với bạn đọc nước ngoài năm nay được trao cho nhà dân tộc học người Czech, Ivo Vasiljev và nhà thơ – dịch giả Mỹ Kevin Bowen.
“Giới thiệu các nhà văn trẻ Việt Nam là việc tôi phải làm”
Nhân dịp này, phóng viên SGTT đã có cuộc trao đổi ngắn với Kevin Bowen ngay trước buổi ra mắt tập thơ về Việt Nam của ông mang tựa đề Khúc hát thành Cổ Loa

Ông nhận được thông tin về giải thưởng dành cho mình như thế nào?

Trước khi sang Việt Nam, tôi nhận được email từ quỹ Phan Châu Trinh cho biết mình được nhận giải thưởng Việt Nam học. Tôi đã nói với vợ mình rằng người Việt Nam có câu “một công đôi việc” nhưng chuyến sang Việt Nam lần này chúng ta thực hiện một công mà tới… ba việc. Một là lần đầu tiên cả gia đình tôi, hai vợ chồng và con gái cùng tới Việt Nam. Hai là tôi sang để giới thiệu tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa của mình. Và thêm một việc nữa là tới TP.HCM nhận giải thưởng.

Cảm xúc của ông với giải thưởng?

Tôi thực sự cảm động. Tôi đã biết về giải thưởng Phan Châu Trinh trước đó và hiểu rằng đó là một giải thưởng văn hóa rất uy tín. Vì thế, nhận giải thưởng này với tôi là một vinh dự.

Ông có biết giải thưởng Phan Châu Trinh có cả giải dịch thuật, công việc mà ông làm suốt 20 năm qua?

(Cười) Một câu hỏi bẫy phải không? Anh sẽ hỏi tôi là muốn được nhận giải thưởng nào hơn? Yên tâm. Tôi đã tìm hiểu và biết là mình không hề có cơ sở nào để có thể nhận được giải dịch thuật cả. Nói vui vậy thôi. Đối với tôi giải thưởng nào cũng đáng giá bởi nó là sự ghi nhận cho những hoạt động của mình vì một điều gì đó mang lại giá trị cho xã hội. Giải thưởng dịch thuật dành cho những bản dịch xuất sắc tác phẩm tinh hoa nhân loại. Còn tôi, tôi chỉ dịch những tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Anh để giúp các nhà văn Việt Nam đến được với bạn đọc Mỹ.

Giải thưởng Việt Nam học lần này trao cho ông là sự ghi nhận những hoạt động không mệt mỏi của ông và trung tâm William Joiner – Nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả xã hội (nơi ông là giám đốc). Nhưng chính ông cũng đã kể lại trong một cuộc hội thảo văn học quốc tế tại Việt Nam cách đây một năm rằng có lúc dư luận đã nhìn các ông như những người “kinh doanh thi ca”, kinh doanh dịch thuật. Tình trạng này hiện nay ra sao?

Anh chưa trích dẫn hết câu nói của tôi. Và tôi nói thêm rằng chúng tôi, tất cả những dịch giả tại trung tâm này chưa bao giờ muốn làm và làm giỏi về việc kinh doanh. Ấy vậy nhưng tôi lại muốn nói rằng những công việc chúng tôi làm trong suốt 20 năm qua lại rất “có lãi”. Lãi là gì? Đó là những tác phẩm văn học Việt Nam đến được với người đọc Hoa Kỳ. Đó là những chuyến đi của nhà văn Việt Nam tới Hoa Kỳ và các nhà văn Hoa Kỳ tới Việt Nam. Để tạo nên những tình bạn tuyệt vời… Tóm lại chúng tôi không làm kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn rất “lãi”. Vì thế từ lâu chúng tôi cũng chẳng quan tâm tới những chỉ trích kiểu như vậy và tập trung vào công việc của mình mà thôi.

Văn học Việt Nam sau 1975 không chỉ có Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều… mà còn có Phan Thị Vàng Anh, Tạ Duy Anh hay Nguyễn Bình Phương… ông có biết nhiều về các cây viết trẻ của Việt Nam? Và sau những tác phẩm của những cây bút thế hệ trước, ông có định giới thiệu thế hệ nhà văn trẻ với thế giới theo cách ông đã làm?

Tất nhiên là tôi biết chứ. Tôi rất thích thơ của Vàng Anh và Lý Lan. Chúng tôi cũng đã bắt đầu chuyển ngữ một số tác phẩm thơ và truyện ngắn của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Anh và giới thiệu tại Mỹ. Trong tương lai gần, công việc này sẽ được đẩy mạnh hơn. Vì nếu cứ chỉ nói câu chuyện của chiến tranh thì theo tôi đó không phải là một hình ảnh đầy đủ về Việt Nam. Những cây bút trẻ có tài, có tiếng nói riêng và nói câu chuyện của thời đại chính là một Việt Nam của hôm nay và tương lai. Đưa họ tới với bạn đọc nước ngoài là một phần công việc mà chúng tôi phải làm.

Xin cảm ơn và chúc mừng ông về giải thưởng được trao.

Theo SGTT.VN




Các bài mới
Các bài đã đăng