Tạp chí Sông Hương -
Những trang viết thắm tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia
13:07 | 03/04/2011
Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7 vừa bế mạc “Trại viết kỷ niệm sâu sắc Việt Nam-Campuchia”, tại Trạm khách T67 (TPHCM). Đây là trại viết có số lượng trại viên khá hùng hậu, quy tụ 44 anh chị em thuộc nhiều lứa tuổi, từ nhiều đơn vị và địa phương trên địa bàn Quân khu 7.
Những trang viết thắm tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia
Ban tổ chức lớp học, đại biểu khách mời và các trại viên trong buổi lễ bế mạc
Trại viên là các cựu chiến binh, cán bộ, chuyên gia và những người lính từng có mặt ở đất nước Chùa Tháp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nhiều cựu chiến binh của mặt trận 479, 779 và Binh đoàn Cửu Long nghe tin mở trại đã tự nguyện tham gia viết bài hoặc nhiệt tình cung cấp tư liệu. Trong số trại viên có đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, về dự trại với lưng vốn 5 đầu sách (1 tiểu thuyết, 3 hồi ký, 1 tập ký) đã xuất bản, có người đã thành danh như nhà thơ Đàm Chu Văn (Hội VHNT Đồng Nai), lại có người đương chức Trưởng phòng Đặc công như Đại tá Trần Đình Hợi…

Ngoài ra, ban tổ chức còn mời thêm một số cây viết trẻ, tạo điều kiện cho anh em đến gặp các cựu chiến binh tìm hiểu để sáng tác, nhằm bồi dưỡng tạo nguồn cho đội ngũ những người cầm bút mặc áo lính.

Ngay từ lúc khai mạc, đại tá - nhà văn Bùi Thanh Minh, người trực tiếp “quản” trại có phần lo lắng, nên ngay từ đầu khâu bồi dưỡng vỡ vạc kiến thức “tay nghề” được ban tổ chức chú trọng, tạo cho anh chị em có được niềm tin và sự hứng khởi. Việc thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện nền nếp kỷ luật, quy định tiến độ và nắm chất lượng bài viết đóng vai trò quyết định.

Sau gần một tháng miệt mài lao động, các trại viên đã hoàn thành 65 bài viết, trong số 52 bài đạt yêu cầu có 15 tác phẩm chất lượng khá.

Có thể kể đến một số truyện tiêu biểu như: Tóc em dài qua biên giớiVuốt mắt của Võ Thúy Phượng (Long An), Chúc anh trẻ mãi của Vũ Xuân Thu (Sư đoàn 5), Chị Ly của Nguyễn Văn Rất (Sư đoàn 317), Có một bà mẹ nữa của Trần Đình Hợi (Bộ Tham mưu QK7), Tà Ruôi của Nguyễn Văn Hồng (Quân đoàn 4), Chiếc kèn acmonica của Nguyễn Hữu Lương, Lăng mộ bên cồn của Nguyễn Công Viễn (Mặt trận 779), Pha Ri của Đàm Chu Văn (Đồng Nai), Người đồng đội thứ 13 của Nguyễn Văn Trung (Sư đoàn 5), Cái chạn bát hai ngăn của Phạm Đăng Khoa (Tây Ninh), Giọt lệ xa em của Nguyễn Bá Khương (Bình Thuận)…

Có một số bài viết đạt đến tầm của truyện ngắn, cấu tứ chặt chẽ, văn phong giản dị, chi tiết chọn lọc và dẫn chuyện khéo léo, hấp dẫn người đọc. Thông qua những kỷ niệm sâu sắc của bản thân và đồng đội, các tác giả tập trung khai thác đề cập đến số phận con người, khắc họa làm nổi bật hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong nhiều cảnh huống khác nhau. Sát cánh cùng những người lính tình nguyện là những người mẹ, người chị Campuchia giàu lòng nhân ái. Họ đã thay các bà mẹ Việt Nam chăm sóc, chở che cho bộ đội Việt Nam.

Thành công của trại viết một lần nữa khẳng định tình đoàn kết thủy chung son sắt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia. Tình đoàn kết đặc biệt đó được vun đắp bằng xương máu của hai dân tộc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.

Sản phẩm của trại, theo nhà văn Bùi Thanh Minh cho biết sẽ chọn ra làm thành một tập truyện có độ dày chừng 500 trang in và sớm cho ra mắt bạn đọc.

Theo NGUYỄN MINH NGỌC - SGGP



Các bài mới
Các bài đã đăng