Tạp chí Sông Hương -
Iraq lập dàn nhạc vì hòa bình từ đống đổ nát
14:30 | 14/04/2011
Năm 2003, ngôi trường âm nhạc duy nhất của Iraq bị phá hủy. Việc này khiến sinh viên của trường mất cơ hội được đến trường học và họ phải tìm cách học qua Internet. Tuy gặp nhiều khó khăn khi đất nước đã tan tành vì chiến tranh, nhưng một nhóm người trẻ Iraq đã thành lập dàn nhạc và coi đây là một biểu tượng của hòa bình.
Iraq lập dàn nhạc vì hòa bình từ đống đổ nát
Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia Iraq hiện có 53 thành viên
Năm 2008, nghệ sĩ dương cầm 17 tuổi Zuhal Sultan đã nảy ra ý tưởng thiết lập một dàn nhạc giao hưởng tụ hội các nghệ sĩ trẻ khắp Iraq. Tiếp sau đó, công việc tuyển chọn được tiến hành trên online và Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia Iraq đã được hình thành với 53 thành viên.

Ý tưởng của Zuhal Sultan đã được thực hiện thành công


22 người Kurd chơi nhạc cùng 23 người A Rập

Sau khi nghe tin dàn nhạc được thành lập, nhạc trưởng Paul MacAlindin, từ Hội đồng Anh, lập tức đề nghị được làm việc với các nhạc sĩ trẻ Iraq và hiện ông đang giữ vai trò là chỉ huy dàn nhạc này.

“Các nghệ sĩ tự hiểu rằng dàn nhạc của họ tượng trưng cho hòa bình” - ông Karl- Walter Keppler, Chủ tịch Tổ chức Những người bạn của Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia Iraq (có trụ sở tại Cologne, Đức), cho biết - “Bất cứ ai chơi trong dàn nhạc đều nói rằng họ muốn có hòa bình và thống nhất ở Iraq. 22 người Kurd chơi cùng 23 nghệ sĩ A Rập. Nhóm này phát triển cùng nhau với sự hỗ trợ của âm nhạc”.

Bằng cách làm việc với nhau, các nhạc sĩ trong dàn nhạc hy vọng sẽ truyền đi được một thông điệp hòa bình ở đất nước đang bị chia cắt. Dàn nhạc có 3 phiên dịch có thể nói tiếng Kurd, tiếng A Rập và tiếng Anh, vì vậy các thành viên vẫn có thể hiểu được nhau mặc dù họ đến từ nhiều vùng khác nhau.

Nhạc trưởng Scotland MacAlindin


Các nghệ sĩ trẻ vẫn đang hết sức nỗ lực để vượt qua thiếu thốn. Trường nhạc duy nhất đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công ở Baghdad và công trình tái xây dựng thì diễn ra chậm chạp. Trong hoàn cảnh đó, khó ai có thể có được những giờ học nhạc đúng nghĩa và việc học qua Internet là lựa chọn duy nhất của nhiều người, rồi sau đó họ tự thực hành trên nhạc cụ.

Trong các buổi tập trên sân khấu, các thành viên trong dàn nhạc có cơ hội được làm việc với nhiều giáo viên đến từ Anh, Đức và Mỹ. Mỗi ngày họ học 2-3 tiếng và tiếp đó là 6 tiếng luyện tập chung. Nhưng sau đó, các nghệ sĩ trẻ không nghỉ. “Khi về khách sạn họ lại tập luyện suốt đêm. Các nghệ sĩ cực kỳ nhiệt tình” - Keppler cho hay.

Ảnh hưởng ra nước ngoài

Năm 2009, dàn nhạc có buổi học “chính quy” đầu tiên ở thành phố Sulaymaniyah. MacAlindin cùng với 12 giáo viên Mỹ và châu Âu đã tới Iraq nhằm hỗ trợ dàn nhạc tạo được chỗ đứng riêng. Trong các buổi hòa nhạc đầu tiên trình diễn ở Iraq, vốn tiết mục của dàn nhạc gồm cả các nhạc phẩm phương Tây và của thế giới A Rập. Các màn trình diễn của họ đã được hoan nghênh nhiệt liệt và được phát sóng trên các đài truyền hình Iraq.

Năm 2010, Tổ chức Những người bạn của Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia Iraq được thiết lập ở Cologne (Đức) nơi nhạc trưởng MacAlindin sống. Ông giới thiệu dự án cho những người bạn và các mối quan hệ của mình và họ là những người đang tổ chức luyện tập và màn trình diễn cho dàn nhạc ở Iraq và cả ở nước ngoài.

Theo nhạc trưởng MacAlindin, các nhạc sĩ trẻ rất tự hào về văn hóa của họ. Họ muốn chơi nhạc Iraq và cả nhạc phương Tây, cũng như muốn cho thế giới thấy rằng người Iraq đang chuẩn bị tập hợp lại một cách hòa bình.

Theo Việt Lâm - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng