Tạp chí Sông Hương -
‘Giải Nobel không thiên vị châu Âu’
14:42 | 15/04/2011
Nhà thơ Kjell Espmark, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, khẳng định giải không thiên vị châu Âu hay bài trừ châu Mỹ như một số ý kiến của chính các thành viên trong Viện.
‘Giải Nobel không thiên vị châu Âu’
Nhà thơ Kjell Espmark. Ảnh: AP
Quốc tịch không phải là nhân tố quan trọng trong việc lựa chọn người chiến thắng giải Nobel Văn học hàng năm, nhà thơ Kjell Espmark nói với AP hôm 13/4.

Vài thành viên khác trong Viện Hàn lâm lại cho rằng sự thiên vị này có tồn tại. Năm 2009, thư ký thường trực của Viện là Peter Englund cũng bày tỏ lo lắng giải Nobel Văn học ngày càng trở nên quá “thiên vị châu Âu”.

Năm 2008, Horace Engdahl, cựu thư ký thường trực của Viện Hàn lâm từng nói trong một cuộc phỏng vấn với AP rằng các nhà văn châu Âu thắng giải nhiều hơn bởi họ xứng đáng với điều đó. Đặt trong tương quan so sánh, các nhà văn châu Mỹ “quá nhạy cảm với các xu hướng trong nền văn hóa hỗn tạp của họ”.

Nhưng Kjell Espmark phản đối cách nói của Engdahl. Ông nói hôm 13/4: “Bài phỏng vấn có thể làm người ta hiểu rằng văn học châu Mỹ không có nhiều cơ hội vì quá chuyên biệt. Điều đó là vô lý”.

Espmark cũng không đồng ý với Horace Engdahl khi vào năm 2009, cựu thư ký nhận xét rằng các thành viên Viện Hàn lâm “cảm nhận các tác phẩm văn học châu Âu viết về nền văn hóa châu Âu dễ dàng hơn so với văn học châu Mỹ”.

Herta Mueller, một nhà văn châu Âu (người Đức) gây thất vọng khi giành giải Novel Văn học 2009 vì ngay cả giới phê bình cũng ít người biết đến bà. Ảnh: chinadigitaltimes.


“Quốc gia không đóng vai trò quan trọng ở đây, tầm vóc của quốc gia đó càng không phải vấn đề”, Espmark nói. Ông này nhấn mạnh, Viện Hàn lâm luôn cố gắng chấm giải công bằng và lựa chọn người chiến thắng dựa trên giá trị văn học thuần túy.

Danh sách 20 nhà văn giành giải Nobel gần đây nhất (từ năm 1991), chỉ có 3 người đến từ châu Mỹ, bao gồm Toni Morrison (Mỹ) và Derek Walcott (Saint Lucia), Mario Vargas Llosa (Peru) và có đến 13 người châu Âu, trong đó có nhà văn Đức Gunter Grass và nhà văn Anh Harold Pinter. Trong số còn lại, có vài người không phải gốc gác châu Âu nhưng cũng dành phần lớn thời gian sống và sáng tác ở châu Âu.

Giải Nobel Văn học do 18 thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển bầu chọn. Kjell Espmark là một trong số đó, ông gia nhập Viện Hàn lâm từ năm 1981.

Theo Hòa Ca - evan





Các bài mới
Các bài đã đăng