Tạp chí Sông Hương -
Nhà hát Kịch TPHCM: Đâu là đích đến?
09:16 | 18/04/2011
10 diễn viên ở Nhà hát Kịch TPHCM cùng lúc ra đi khiến dư luận xôn xao. Có diễn viên còn tiết lộ, sở dĩ họ ra đi là vì cung cách làm việc của nhà hát không còn phù hợp. PV Báo SGGP đã trao đổi với nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM về vấn đề này.
Nhà hát Kịch TPHCM: Đâu là đích đến?
- PV: Thưa ông, gần đây Nhà hát Kịch TPHCM không còn thường xuyên biểu diễn vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, nguyên nhân do đâu?

Nghệ sĩ KHÁNH HOÀNG: Tôi nhận thấy vấn đề chất lượng vở diễn cần được củng cố. Nguyên do là lực lượng diễn viên bị khủng hoảng trầm trọng. Điều này tôi đã nhận ra từ lâu, nhưng vẫn chưa thể chấn chỉnh được. Cách nay 6 năm, lãnh đạo cấp trên có đặt ra vấn đề là phải củng cố diễn viên và nhà hát cũng bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì đụng phải cơ chế, không tuyển dụng được. Khi nhận thấy có nhiều bất cập, chúng tôi tuyên bố không cần tuyển diễn viên nữa và sau đó, bước vào thực hiện Nghị định 43, theo phương thức xã hội hóa… Khi dàn dựng vở diễn, nếu cần thiết thì mời diễn viên hợp tác.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các vở diễn, chất lượng diễn viên ngày càng yếu kém. Chưa kể, lực lượng diễn viên chạy theo phim ảnh, truyền hình, làm cho đơn vị bị hụt hẫng. Khi tập luyện vở mới, gọi diễn viên thì họ bảo là bận, không tập được. Từ đó chúng tôi quyết định không mời gọi những người bận rộn như thế làm việc nữa. Thay vào đó, tôi mời gọi những người mới và những người không bị ảnh hưởng lịch làm việc nhiều quá. Cũng chính vì điều này mà nhà hát đã mạnh dạn mở lớp đào tạo diễn viên để tìm những gương mặt mới.

- Nhưng thực tế, khi nhà hát dựa vào lực lượng mới để dàn dựng vở diễn thì khó lòng hấp dẫn khán giả. Điều này càng gây khó khăn cho nhà hát trong việc tổ chức biểu diễn doanh thu vào thứ bảy, chủ nhật?

Tết Nguyên đán vừa rồi, trong live show Kiều Oanh, chúng tôi đã mạnh dạn đưa những gương mặt mới vào, thậm chí có diễn viên mới tốt nghiệp ở Trường Văn hóa nghệ thuật ra. Đến khi diễn 5 suất thì tất cả đều hết vé, mặc dù giá vé được bán với giá cao nhất là 1,5 triệu đồng/vé. Với doanh thu của 5 suất hát này, nhà hát đã hoàn thành được 2/3 chỉ tiêu mà nhà nước đã giao trong năm 2011. Cho nên, nhà hát không còn bị áp lực nữa và chúng tôi cũng không nhất thiết phải diễn liên tục nữa. Quan điểm của tôi hiện giờ là làm ít mà chất lượng doanh thu cao còn hơn là làm nhiều mà doanh thu thấp.

- Nếu như nhà hát chỉ dựa vào diễn viên Kiều Oanh để thực hiện một vài show diễn, liệu có bị động?

Hoàn toàn không bị động. Nghệ sĩ Kiều Oanh làm việc với nhà hát là một cái duyên. Khi làm việc với Kiều Oanh, nhà hát giảm bớt những cái phải lo: thứ nhất là nguồn thu, thứ hai là lực lượng diễn viên, kế đến là chất lượng chương trình. Bên cạnh những chương trình tạo nguồn thu, sắp tới nhà hát sẽ dàn dựng những vở cổ điển có chất lượng nghệ thuật cao. Muốn làm được điều này, bắt buộc nhà hát phải tạo nguồn diễn viên kế tục. Bởi yếu tố con người rất quan trọng để phát triển một nhà hát trong tương lai.

- Còn thông tin, gần 10 diễn viên từng gắn bó nhiều năm với nhà hát đã chính thức nói lời chia tay, thực hư thế nào?

Điều này là có thật. Chúng tôi đang chấn chỉnh để nhà hát có thể tập trung vào công tác chuyên môn nhiều hơn. Có nghệ sĩ bảo với tôi rằng: “Hôm nào tôi sẽ gặp riêng anh để nói chuyện”. Nhưng sau đó, chẳng thấy ai gặp tôi nói bất cứ một điều gì hết. Thế nhưng, chẳng lâu sau, khi không còn hợp tác với nhà hát nữa thì họ lại đi ra ngoài nói rằng nhà hát thế này, nhà hát thế nọ. Tôi cho rằng đó là cách hành xử không đúng.

Theo Đỗ Hạnh - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng