Tạp chí Sông Hương -
120 mẫu áo dài Việt Nam sắp trình diễn tại Pháp
15:16 | 19/04/2011
Tháng văn hóa Việt Nam tại Lorient (Pháp), diễn ra từ ngày 5-27/5, ba thế hệ nhà thiết kế Việt Nam là Trọng Nguyên, Việt Liên, Minh Hạnh sẽ giới thiệu những bộ sưu tập áo dài đặc biệt, tượng trưng cho vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.
120 mẫu áo dài Việt Nam sắp trình diễn tại Pháp
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đó là những thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo về Tuần lễ thời trang Thu Đông 2011 diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội.

"Cuộc biểu dương lực lượng" tại Pháp sẽ có 120 mẫu áo dài Việt Nam được trình diễn tại quảng khách sạn Gabriel và quảng trường nhà hát Grand ở thành phố Lorient, vùng Bretagne.

Các mẫu áo dài giới thiệu trong Tháng văn hóa Việt Nam tại Lorient đều là những thiết kế chắt lọc từ tinh hoa truyền thống Việt Nam pha trộn với nét đẹp đương đại.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Trọng Nguyên lấy ý tưởng từ hình ảnh chim phượng, tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý, tinh khôi của người phụ nữ Việt Nam.

Nhà thiết kế Việt Liên lại giới thiệu các mẫu áo dài gam màu mạnh, tương phản với kỹ thuật thêu truyền thống, thể hiện sức sáng tạo trẻ thời hội nhập.

Nhà thiết kế gạo cội Minh Hạnh sẽ mang tới những tà áo dài gam màu trầm nhưng thanh thoát với chất liệu truyền thống, quý hiếm được trau chuốt bởi tài năng của các nghệ nhân thêu, dệt, rua...

Trở lại với Tuần lễ thời thời trang Thu Đông 2011, sự kiện này được bắt đầu từ tối 18/4 tại khách sạn Daewoo Hà Nội với các bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế trẻ, trong đó có nhóm các nhà thiết kế tự do đang khá nổi là nhóm F8.

Thông qua sự kiên này, ban tổ chức giới thiệu tới công chúng hơn 900 mẫu trang phục thu đông của 27 nhà thiết kế Việt Nam thực hiện trên nhiều chất liệu, hứa hẹn tạo không gian sống động, khẳng định bước tiến của thời trang Việt đến gần hơn với thế giới.

Đặc biệt, Tuần lễ thời trang Thu Đông 2011 sẽ giới thiệu tới công chúng một bộ sưu tập Xanh sử dụng chất liệu mới thân thiện với môi trường. Đó là chất liệu Ramie có nguồn gốc từ cây gai dầu với độ thẩm thấu tốt, dễ phân hủy, không bị hôi trong điều kiện ẩm như ở Việt Nam.

Trong thời gian không xa, chất liệu này có thể được sử dụng thay thế cho chất liệu bông truyền thống trong sản xuất hàng may mặc Việt Nam.../.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)




Các bài mới
Các bài đã đăng