Tạp chí Sông Hương -
Tranh chân dung, có gì mới?
10:12 | 20/04/2011
Ngẫu nhiên, cùng thời điểm phòng tranh có chủ đề Chân dung đang trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM, 218A Pasteur, quận 3, Công ty Mekong Artists phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã giới thiệu và phát động cuộc thi Giải thưởng Dogma dành cho tranh Chân dung tự họa của các họa sĩ Việt Nam.
Tranh chân dung, có gì mới?
Nhóm họa sĩ triển lãm tranh “Chân dung”
“Đặc tả” góc nhìn riêng

Chọn thể loại và chủ đề tranh Chân dung cho cuộc triển lãm chung lần thứ ba tại phòng tranh Hội Mỹ thuật TPHCM, nhóm họa sĩ 8X Nguyễn Văn Hoạch, Phạm Huy Hoàng, Nguyễn Duy Nhựt, Văn Kim Toản cho rằng đây là cách “đặc tả” từng góc nhìn riêng và bộc lộ tâm trạng khác nhau của họ qua nhiều thời điểm trong cuộc sống. Khi quan sát người dân miền cao từ màu sắc trang phục đến những hoa văn độc đáo, nhất là những nét mộc mạc trên gương mặt, một loạt tranh chân dung các cô gái H’Mông được họa sĩ Nguyễn Văn Hoạch tái hiện giàu cảm xúc qua những gam màu đẹp, tươi tắn.

Trái lại, họa sĩ Phạm Huy Hoàng chỉ chọn “độc” gam màu xanh huyền ảo để mô tả những ấn tượng mạnh khi tình cờ anh bắt gặp nét thảng thốt thật đẹp của một cô gái người Chăm trên vùng đất miền Trung đầy cát và nắng nóng. Tìm nhân vật trong cuộc sống hàng ngày ở thành phố, có khi bộc lộ sự cảm thông, có khi là lời phê phán mạnh mẽ, tranh Nguyễn Duy Nhựt mô tả cuộc sống khá bề bộn trong thời điểm đô thị hóa, với những gương mặt “những người hiện đại thời @”; những gương mặt lo toan của người lao động, những người nhập cư nghèo và cả gương mặt lấm lét, ranh ma qua chân dung anh chàng “kiếm sống” bằng “cái nghề” in dòng chữ “khoan cắt bê tông”…

Tranh Văn Kim Toản sử dụng rõ nét hai cách thể hiện chân dung khác nhau qua hai thể loại sơn mài và sơn dầu. Thế nhưng, ở mảng chân dung tự họa bằng chất liệu sơn dầu, hình ảnh một Văn Kim Toản tung tẩy và tự phân thân đôi khi thật “quái chiêu” qua những bức vẽ những gương mặt dị dạng, nghịch ngợm, phá cách!

Tranh chân dung của nhóm họa sĩ trẻ tuy chưa rộng mở nhưng cũng đã tạo được sự mới mẻ qua tác phẩm và  gợi nhiều đồng cảm đối với người xem.

Đối thoại chính mình

Chuẩn bị trưng bày bộ sưu tập Chân dung tự họa của các họa sĩ Việt Nam vào giữa tháng 7-2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nhà sưu tập người Anh, Dominic Scriven tiếp tục thực hiện ý tưởng tổ chức cuộc thi vẽ tranh chân dung tự họa dành cho tất cả các họa sĩ đã khẳng định tên tuổi hoặc là những họa sĩ trẻ mới bước vào con đường nghệ thuật, qua Giải thưởng Dogma. Công ty Mekong Artists đã giới thiệu sự kiện này và chỉ dẫn đầy đủ những thông tin cuộc thi được công bố trên trang web www.dogmacollection.com. Trong bộ sưu tập cá nhân, trước khi tổ chức Giải thưởng Dogma, ông Dominic Scriven đã sở hữu được khoảng 70 bức chân dung tự họa của các họa sĩ Việt Nam nhiều thế hệ.

Thực tế, các họa sĩ Việt Nam vẽ chân dung người khác khá nhiều qua những chặng đường sáng tác. Người ta đã nhắc đến những bức tranh chân dung nổi tiếng của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Huỳnh Phương Đông, Lưu Công Nhân, Bùi Quang Ngọc… Nhưng, về những bức chân dung tự họa của các họa sĩ, công chúng chưa được chiêm ngưỡng, thưởng thức bao nhiêu. Chân dung tự họa là những tác phẩm khá đặc biệt, bởi đó là lúc nghệ sĩ đang đối thoại với chính mình và bộc lộ tỏ tường nhất nội tâm, quan niệm của mình đối với cuộc đời.

Như vậy, qua cuộc thi sắp tới, với ý nghĩa làm phong phú thêm diện mạo tranh chân dung tự họa của các họa sĩ Việt Nam sẽ hứa hẹn nét mới, thú vị cho cuộc trưng bày chuyên đề về thể loại tranh chân dung tự họa được đón đợi vào tháng 7 năm nay ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Theo Kim Ửng - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng