Tạp chí Sông Hương -
Cả nước vào hội sách
13:52 | 23/04/2011
Ngày hội đọc sách Việt Nam lần 1 là sự kiện lần đầu được tổ chức trong cả nước đúng Ngày đọc sách thế giới 23/4, từ 8h30 đến 17h. Chương trình đầu tiên tại sân Thái Học Văn Miếu, Hà Nội mang quy mô quốc gia là mẫu chuẩn khởi điểm để hàng năm, sự kiện này được tổ chức.
Cả nước vào hội sách
Người đọc trong Hội chợ sách TP.HCM diễn ra hai năm một lần
Hoạt động “đinh” đáng chú ý, hấp dẫn nhất là phần tham gia của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc trình diễn của các nhà văn trẻ

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng ban Nhà văn trẻ) với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức Sân thơ Trẻ đã kiến kế cho Ngày hội đọc sách nhiều ý tưởng cùng slogan: “Đọc sách cho ngày mai”. Công ty Truyền thông Hà Thế của vợ chồng nhà văn ra đời tháng 10/2005 cùng tham gia sự kiện này. Hà Thế có website: http:// tonvinhvanhoadoc.vn từ 2007 và dịp này Công ty tặng 200 đầu sách trị giá 5 triệu đồng cho một số thư viện trường học còn khó khăn trên địa bàn Hà Nội mở rộng. Nhà văn Xuân Hà cũng sẽ làm giám khảo cho các cuộc thi trong ngày hội: Thi tìm hiểu kiến thức qua sách, thi đọc sách viết thu hoạch, thi thuyết trình cuốn sách bạn tâm huyết.

Hoạt động của Ban Nhà văn trẻ mở đầu ngay sau khai mạc, từ 9h đến 10h30 được coi là điểm nhấn của ngày hội. Ban Nhà văn trẻ không nhấn mạnh yếu tố trình diễn mà tôn vinh tác giả, nối gần tác giả - tác phẩm qua việc chia sẻ, giao lưu, trưng bày sách, bán giá ưu đãi và tặng chữ ký. Đạo diễn kiêm MC Hữu Việt sẽ cầm trịch cuộc đối thoại giữa nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh. Cuộc đối thoại tập trung vào việc xây dựng văn hóa đọc cho trẻ từ 1,5 đến 15 tuổi.

Phần hấp dẫn nhất của Ngày hội đọc sách VN năm nay chính là khán giả được nghe các tác giả trình bày tác phẩm của mình bằng cách thức mới. Ba bài thơ khác nhau của 3 tác giả sẽ đan xen trong cuộc “mix” của phong cách, giọng điệu trên nền phần đệm vĩ cầm của nghệ sĩ Lê Tuấn Anh (Trưởng dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN). Hữu Việt, Nguyễn Bảo Chân, Vi Thùy Linh đưa đến một không gian mới đa chiều trên sân khấu thơ. Riêng nhà thơ Vi Thùy Linh luôn chú trọng dành tác phẩm mới mỗi lần xuất hiện. Chị vừa viết xong Mùa hồng bạch nở để công bố dịp này. Một phần hấp dẫn nữa là món lạ với người đọc Việt: xem kịch từ tác phẩm trong lúc tác giả đọc nó. Nhà văn Nguyễn Đình Tú (1974) sẽ đọc chương hay nhất của tiểu thuyết Kín (2010) với phần diễn xuất của Kim Oanh - một nghệ sĩ đầy cá tính, yêu văn học, lần đầu tham gia hình thức văn học kịch. Truyện ngắn Phố núi được nhà văn Phong Điệp đọc đồng thời với diễn xuất của 2 diễn viên Huyền Trang - Cao Sơn. Cả 2 trích đoạn đều có nhạc nền.

Các nhà văn tặng sách, tri ân bạn đọc

Tại TP.HCM, không khí trước “giờ G” của ngày hội đọc sách khá rộn ràng.

Từ ngày 21 - 23/4, Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức chương trình để các nhà văn tri ân bạn đọc của mình. Độc giả sẽ được các nhà văn ký tặng sách tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Hải Phòng... Người đọc được gặp gỡ 24 nhà văn nổi tiếng và được chính họ tặng tác phẩm của mình.Việc tặng sách này khiến các nhà văn rất hồ hởi, vì có nhà văn như Phan Hồn Nhiên ngày hôm trước ký tặng sách tại TP.HCM thì ngày hôm sau đã có mặt tại phố núi Đà Lạt để tiếp tục tặng sách. Nhà văn Dạ Ngân đang sống ở TP.HCM cùng chồng là nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng bay về Cần Thơ quê của bà để tặng sách. Nhà văn Bửu Ý tặng cùng lúc 3 tác phẩm của mình, gồm: Tâm tình với Trịnh Công Sơn, Nước chảy qua cầu, Ngày tháng thênh thang... cho độc giả ở Huế. Nhà văn Quách Giao - con trai cố nhà văn Quách Tấn cũng “thay mặt” cha mình ký tặng Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê những bức thư đầm ấm. Có thể xem chương trình này như ngày hội không chỉ của người đọc sách mà còn của các nhà văn.

Lâu nay, việc các nhà văn ký tặng sách cho độc giả không hề xa lạ. Nhưng dường như chỉ diễn ra nhỏ lẻ mang tính cá nhân của từng nhà văn chứ không diễn ra đồng loạt. Chương trình tặng sách lần này được xem là hoành tráng nhất từ trước đến nay trong việc các nhà văn “tri ân” bạn đọc của mình. Bởi nếu không có bạn đọc thì các nhà văn không thể “sáng tác” để rồi đọc... một mình.

Lúc 9h30 ngày 23/4, trang web nhasachphuongnam.com tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Văn học mạng - Xu thế tất yếu và cái nhìn từ người trong cuộc”. Các “nhà văn mạng” Gào, Keng, Trần Thu Trang, Hà Thanh Phúc sẽ tham gia buổi giao lưu này. 20 độc giả có câu hỏi hay nhất sẽ được tặng 1 trong 4 tựa sách Nhật ký son môi, Đôi mắt không còn ướt nước, Cocktail cho tình yêu, Dựa vào vai em và khóc đi anh của bốn tác giả tham gia giao lưu.

Ngày hội sách không quên người đọc nào

Một cuộc triển lãm sách hay, sách quý, sách đẹp sẽ được trưng bày vào ngày 23/3 tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1). Bạn đọc có thể tham quan và đọc sách miễn phí ở triển lãm này. Tất cả số sách sau khi triển lãm sẽ được gửi làm quà tặng cho các chiến sĩ bộ đội Trường Sa. Nhân dịp này, NXB Kim Đồng gửi tặng thêm 500 tựa sách, NXB Trẻ tặng thêm 10 tủ sách, Nhà sách Quang Minh hưởng ứng 2 tủ sách cho bộ đội Trường Sa.

Từ 7h30 - 11h ngày 23/4, Thư viện KHTH có triển lãm các loại sách dành riêng cho người khiếm thị. Như vậy, ngày hội đọc sách Việt Nam tại TP.HCM đã không quên người khiếm thị trong không khí đang diễn ra khá náo nhiệt.

Ngày hội đọc sách cũng không quên vùng sâu vùng xa, nơi sách có mặt trong mỗi gia đình còn rất ít. Ban tổ chức đã phát động chương trình quyên góp sách cũ cho các vùng hẻo lánh.

Trong khuôn khổ ngày hội đọc sách tại Thư viện KHTH TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM tiếp tục phát động Cuộc bình chọn mang tên Sách Việt tôi yêu dành cho tất cả người yêu sách. Sách bình chọn là sách của các tác giả Việt Nam xuất bản trong giai đoạn sau 30/4/1975 đến 31/12/2010, có ảnh hưởng tích cực đến thời tuổi trẻ của bạn đọc hoặc góp phần định hướng lối sống của thanh thiếu nhi.


Theo Gia Huy - Trần Hoàng Nhân- TT&VH





Các bài mới
Các bài đã đăng