Tạp chí Sông Hương -
Thạc sĩ - nghệ sĩ Trang Trịnh: Nhạc cổ điển không quá cao xa
08:27 | 02/05/2011
Chạm ngõ âm nhạc từ lúc mới 4 tuổi, những nốt nhạc, giai điệu du dương của cây đàn dương cầm đã thu hút mọi niềm đam mê trẻ thơ của Trang Trịnh. Và theo thời gian, đam mê đó đã khẳng định cái duyên nghề, duyên nghiệp của cô gái Hà Nội đầy bản lĩnh và nhiệt huyết này.
Sau những năm tháng theo đuổi việc học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM), năm 2010 Trang Trịnh đã hoàn thành xuất sắc bằng Thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn tại RAM và cô đã thực hiện ngay chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên với các buổi biểu diễn độc tấu tại Vienna, Dublin, Belfast, Enns, London… - đó là những buổi thể hiện tài nghệ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế đắt giá.

Trang Trịnh chia sẻ: “Có rất nhiều lời mời tôi làm việc tại Anh, Áo… nhưng tôi đã quyết tâm chọn quê nhà làm nơi phát huy niềm đam mê và kiến thức mình đã học. Điều này có ý nghĩa rất lớn, vì trong nhiều năm qua, tôi luôn trăn trở việc các bạn trẻ nước mình thường đứng xa xa nhìn vào nghệ thuật âm nhạc cổ điển, cho thấy khoảng cách khá lớn của khán giả trẻ và nghệ thuật mang tính quốc tế hóa này.

Tôi đã lên kế hoạch thực hiện hai dự án lớn cùng một lúc, đó là giáo dục và biểu diễn, mà chương trình độc tấu Nhật ký dương cầm sẽ là dấu mốc đặc biệt, khởi đầu cho tiến trình thực hiện những ước mơ mà tôi đã và đang ấp ủ”.

Chương trình Nhật ký dương cầm đã được biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 2-2011 và sẽ biểu diễn vào tối 7-5 tại Nhạc viện TPHCM. Đây là chương trình biểu diễn độc tấu đặc biệt, được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu chọn tác phẩm, tập luyện, dàn dựng để các tác phẩm của những nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới như: Mendelssohn, Mozart, Beethoven, Schumann, Elgar, Mozart, Chopin, Debussy… có thể nối kết theo một dòng chảy, như một câu chuyện kể đầy cảm xúc về vòng xoay cuộc đời của con người với những khoảnh khắc, dấu ấn, giây phút thăng hoa với những cuộc đào thoát xúc cảm, với những hỉ - nộ - ái - ố rất đời, để khẳng định sự tồn tại và tuân theo quy luật phát triển của thời gian…

Chương trình mong muốn chuyển tải một thông điệp đến giới trẻ: thưởng thức âm nhạc cổ điển không có gì khó, thật ra âm nhạc cổ điển không quá cao xa mà thật sự gần gũi, bởi nó luôn là những cung bậc âm nhạc, dễ dàng tạo cho con người những cảm xúc đồng cảm, chỉ cần bạn biết lắng nghe và từ từ cảm nhận nó.

Có thể khẳng định, Trang Trịnh là một trong những nghệ sĩ trẻ của âm nhạc hàn lâm Việt Nam đầy tâm huyết với nghề và với việc truyền dạy âm nhạc cho học sinh. Theo đó, cần thêm điều kiện thuận lợi để tiến hành dự án đưa âm nhạc cổ điển vào trong hệ thống giáo dục các trường tiểu học, trung học cơ sở…

Với các nước trong khu vực, việc giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc hàn lâm đã được thực hiện từ lâu và đã tạo nên những kết quả khả quan, tốt đẹp. Riêng với nước ta, vấn đề giáo dục nghệ thuật, âm nhạc đồng bộ trong các trường học vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Theo đó, hướng dẫn học sinh tiếp cận âm nhạc hàn lâm theo phương pháp ngoại khóa (theo các dự án) cũng là một giải pháp hiệu quả. Vì một khi căn bản âm nhạc của giới trẻ vững chắc, thì ắt hẳn sự phát triển của thị trường âm nhạc hiện nay sẽ khả quan hơn.

Theo Thúy Bình - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng