Tạp chí Sông Hương -
Con voi và châu Phi
14:11 | 04/05/2011
Ryszard Kapuciski, tác giả Du hành cùng Herodotus, có lẽ là người cuối cùng “cả gan” đem sự ngây thơ của cá nhân mình ướm lên thế giới, gợi cho ta nhớ tới một cuốn du ký kinh điển mang tên The Innocents Abroad (Những người ngây thơ ở nước ngoài), khi Mark Twain thực hiện chuyến đi về cựu lục địa vào thế kỷ 19.
Con voi và châu Phi
Trong Du hành cùng Herodotus, Kapuciski cũng từng khẳng định rằng với ông, cả tin là một phẩm chất trong khi đa nghi lại là một khiếm khuyết của tính cách.

Chính thái độ này, chứ không phải chất lượng viết (bất kỳ ai từng đọc Kapuciski cũng ngưỡng mộ và choáng ngợp trước tài năng văn chương của ông) khiến cho cuốn sách về châu Phi của ông (Heban trong tiếng Ba Lan, nghĩa là Gỗ mun, 1998; bản dịch tiếng Anh mang tên The Shadow of the sun – Bóng của mặt trời) nhận được những lời bình luận hết sức trái ngược. Trong khi tờ Guardian cho rằng “ông mang tới sự miêu tả cuộc sống trên hành tinh chân thực nhất, ít thiên vị nhất, toàn diện nhất và sống động nhất”, thì tờ The Economist sử dụng giọng văn chế giễu, ví ông như là một kỵ binh Ba Lan vung gươm tiến vào châu Phi, nhận định các tường thuật chính trị của ông là sai lầm, không những thế ông lại còn chọn những con đường dài hơn các thông tín viên khác, có khi đi theo hai cạnh của một tam giác chứ không theo cạnh huyền.


Lời chê trách phổ biến nhất đối với Gỗ mun là ông đã tạo dựng một châu Phi của riêng ông, miêu tả những gì ông cảm thấy chứ không phải những gì thực sự diễn ra ở đó. Điều này, tuy nhiên, lại cũng chính là điều Kapuciski nói ngay từ đầu tác phẩm: với ông, châu Phi là một thực thể quá phức tạp và đa dạng, rằng không tồn tại một “châu Phi” như một danh xưng thuần nhất, và không thể võ đoán áp đặt hiểu biết của mình vào nơi đây, như cách các nước châu Âu từng làm trong cuộc chia chác thuộc địa hồi cuối thế kỷ 19, khiến bản đồ châu Phi trở nên khác biệt, gồm toàn những đường biên giới thẳng tắp và vuông góc với nhau.

Ryszard Kapuciski (1932 – 2007) là nhà báo, nhà văn hàng đầu Ba Lan; những thông điệp từ tác phẩm hầu hết là bút ký văn học của ông có sức ảnh hưởng cũng như danh tiếng toàn cầu, được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
Các tác phẩm tiêu biểu: Another day of life (1976), The soccer war và the emperor: Downfall of an autocrat (1978), Imperium (1993), The Shadow of the sun (2001), Travels with Herodotus (2007, đã được dịch giả Nguyễn Thái Linh dịch sang tiếng Việt, sách có tên Du hành cùng Herodotus, Nhã Nam & NXB VHSG, 2009)…
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, gây tiếng vang lớn, nhiều lần tên tuổi Ryszard Kapuciski đã vào bảng đề cử giải Nobel Văn chương.

Trong những gì từng xảy đến và nhất là đang xảy đến với châu Phi, những nhận xét và cảm giác đầy “ngây thơ” của Kapuciski ngày càng tỏ ra có sức sống và chạm đến những gì nằm sâu sắc (với bề ngoài hết sức đơn giản) trên châu lục kỳ lạ này. Là thông tín viên hãng thông tấn Ba Lan PAP, bỏ ra hàng chục năm ở châu Phi và coi đây là cơ hội cả cuộc đời phóng viên của mình, Kapuciski từng viết riêng một cuốn sách về Haile Selassie, hoàng đế cuối cùng của Ethiopia. Trong Gỗ mun, ông đã nhìn từ khoảng cách rất gần những biến động chính trị liên miên ở khắp nơi: Tanganyika, Tanzania, Uganda, Zanzibar, Ethiopia, Kenya, Mali, Nigeria…


Bằng cái nhìn của một nhà văn, Kapuciski cố gắng hiểu những gì diễn ra trước mắt ông, nhất là những cuộc nồi da nấu thịt tại Zanzibar, Rwanda hay Nigeria. TrPhillip Noyce: Từ Đường Làng tới đại lộ Hollywood (*)ong những câu chuyện kể của ông, châu Phi thường trực một không khí “Macbeth” của máu và tội lỗi, của những kẻ giết vài trăm ngàn người nhưng không biết chỉ huy một đội quân nhỏ xíu. Cách Kapuciski miêu tả vũ khí quân trang ngồn ngộn (và vô ích) ở Ethiopia cho ta thấy sự phi lý đến tận cùng ở chốn sa mạc, nơi sự độc lập bày ra nhiều vấn đề hơn cả dưới thời thuộc địa.

Và cái nhìn của Kapuciski không dừng ở chính trị, nó chú mục vào một cái hố giữa đường cái quan hay bầy gián khổng lồ, tập tính của những con muỗi và ý nghĩa thực thụ trong những câu nói của người châu Phi. Châu Phi trong con mắt của ông giống như một con voi (hình ảnh xuất hiện hai lần, ở đầu và cuối tập sách), một linh hồn khó hiểu: trong rất nhiều năm, “nghĩa địa voi” là một bí mật của người châu Phi. Điều quan trọng là phải dấn thân tìm hiểu bí ẩn đó. Sự ngây thơ của Kapuciski, rất có thể, lại chính là cái khiến ông nhìn được tận sâu vào thế giới châu lục này, hơn bất kỳ bộ óc giỏi phân tích tinh vi nào khác.

Theo Cao Việt Dũng - SGTT




Các bài mới
Các bài đã đăng