Tạp chí Sông Hương -
Nâng cao chất lượng phim truyền hình: Nhà sản xuất cần hiểu khán giả
08:34 | 05/05/2011
Sau ý kiến từ phía nhà đài (Tuổi Trẻ ngày 3-5), Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến về giải pháp nâng chất lượng phim truyền hình từ góc nhìn của các biên kịch, đạo diễn cũng như nhà sản xuất.
Nâng cao chất lượng phim truyền hình: Nhà sản xuất cần hiểu khán giả

Vì thiếu kịch bản nên các nhà sản xuất đi vay mượn kịch bản nước ngoài. Trong ảnh: phim Cô nàng bất đắc dĩ mua kịch bản từ bộ phim Lalola của Argentina, khi phát sóng ở VN bị chê vì không phù hợp văn hóa Việt - Ảnh tư liệu


Nhà biên kịch Châu Thổ - kiêm giám đốc sản xuất Hãng phim Sena:

Hãy bắt đầu từ nhà đài
Trong tình hình phim truyền hình đang xuống dốc như thời gian qua, làm thế nào nâng cao  chất lượng, theo tôi, bắt đầu từ khâu đầu ra, tức các nhà đài. Tôi rất tâm đắc ý kiến của nhà biên kịch Thùy Linh: “Cách tốt nhất vẫn là các nhà sản xuất chủ động làm phim, còn nhà đài sẽ xem và mua thành phẩm mà họ ưng ý”. Nếu nhà đài làm được điều này thì đây sẽ là chìa khóa khống chế các nhà sản xuất yếu kém lao vào làm phim và chắc chắn phim Việt sẽ tiến bộ.

Ví dụ như HTV phân bổ số phim cho các hãng trong năm. Họ duyệt đề cương kịch bản và thông báo thời gian phát sóng trước sáu tháng. Duyệt đề cương là đường đi mạo hiểm vì chưa chắc từ đề cương hay sẽ có phim hay. Rồi với khoảng thời gian ngắn như vậy, đạo diễn khó lòng nghiên cứu, chăm chút công việc của mình. Hiện nay HTV duyệt khoảng 180 triệu đồng/tập cho nhà sản xuất phim, nhưng thật sự số tiền chúng tôi làm việc gia công phim nhận được từ các nhà sản xuất chỉ khoảng 130 triệu đồng/tập.
Nhiều đạo diễn nhận thầu sản xuất phim với giá còn thấp hơn... Cách làm này không khuyến khích người làm phim bởi với một số nhà sản xuất, họ làm phim với bất cứ giá tiền nào. Mặt khác, nhà sản xuất hiện nay có nhiều “chiêu” để đổ quảng cáo vào thời gian phát sóng phim của họ. Vì thế, phim nhiều quảng cáo nhưng chưa chắc hay, thu hút khán giả.
Nhà đài mỗi năm nên đưa ra định hướng với các hãng phim là họ cần bao nhiêu tập, tập trung thể loại phim nào. Từ đó, các hãng phim sản xuất phim rồi đem sản phẩm đến bán cho nhà đài. Nhà đài mua theo tiêu chuẩn: phim hay giá cao, phim thường thường giá thấp... Nếu làm được điều này, chắc chắn nhà đài sẽ điều tiết được nhà sản xuất, và nhà sản xuất sẽ điều tiết được diễn viên.
* Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn:
Xây dựng cơ chế hợp tác bình đẳng

Phim dở như hiện nay trước hết là do đạo diễn bất tài hay cẩu thả. Nhưng sâu xa là do guồng máy sản xuất và phát hành phim truyền hình có rất nhiều phi lý và bất cập, chưa đủ điều kiện khai thác được tài năng nghệ sĩ, nên nhiều nghệ sĩ chỉ gia công phim chứ chưa sáng tác phim. Nhà sản xuất bỏ tiền ra làm phim nhưng lại không có quyền sở hữu bộ phim, cơ chế mua phim của đài theo lối “mỡ nó rán nó”.

Đài chỉ bán sóng thu tiền khiến các nhà sản xuất và nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, không mấy hào hứng nữa, dẫn đến tình trạng làm thuê, làm ẩu, đứng tên cho đệ tử làm, rồi làm cho xong hợp đồng với đài chỉ cốt sao để không lỗ.
Muốn cải thiện cần xây dựng cơ chế hợp tác bình đẳng, sòng phẳng giữa đài truyền hình với xã hội để các nhà sản xuất và nghệ sĩ có thể đầu tư nhiều hơn tiền của, thời gian và tâm huyết cho việc sản xuất phim phát sóng.
* Đạo diễn Quốc Trọng:
Rút ngắn giai đoạn “gạn đục khơi trong”

Xã hội hóa ngành điện ảnh đưa đến một hệ quả là “nhà nhà làm phim, người người làm đạo diễn”. Những người làm phim thật sự có thái độ nghiêm túc về nghề không cạnh tranh nổi với phương thức làm phim một, hai ngày quay xong một tập của các nhà làm phim tư nhân.
Và cũng thật buồn là nhiều bộ phim quay theo kiểu “mì ăn liền” vẫn được duyệt, được phát hành vì “không phạm lỗi về mặt chính trị”. Vì vậy việc chúng ta vẫn sẽ phải xem những phim nhạt và nhàm là chuyện hiển nhiên.
Việc xã hội hóa điện ảnh là một quy luật tất yếu. Trong quy luật đó, sự “gạn đục khơi trong” cũng sẽ tự nhiên hình thành. Có điều nếu chúng ta cứ tiếp tục làm phim dễ dãi, tiếp tục “gạn đục khơi trong” hoài thì rất tốn kém thời gian và tiền bạc. Một trong những điều kiện để rút ngắn giai đoạn “gạn đục khơi trong” là cần có thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp trong nghề nghiệp, từ việc làm phim đến việc phát hành, từ khâu kiểm duyệt đến quy định cho những chuẩn mực về nghề nghiệp của một bộ phim.
* Đạo diễn, nhà sản xuất Đặng Tất Bình:
Nhà sản xuất tỉnh táo, nhà đài nghiệm thu nghiêm túc

Hãy nghĩ xem hiện chúng ta có bao nhiêu tác giả, đạo diễn, quay phim... thật sự đủ sức đảm đương một dự án phim truyền hình dài tập đúng nghĩa? Quá ít! Vì thế một số kịch bản chỉ mới ở mức bản thảo lần một, lần hai cũng buộc phải đưa vào sản xuất.

Lại gặp phải một số đạo diễn còn ít kinh nghiệm, không quan tâm việc phối hợp cùng tác giả để xử lý kịch bản trước khi bấm máy, gần như chỉ thực hiện công việc “sang ngang” kịch bản văn học (mà tiếc thay kịch bản văn học đó chưa thể được coi là hoàn chỉnh).
Bằng vào sự nghiệm thu nghiêm túc của các nhà đài cùng sự tỉnh táo, khách quan của nhà sản xuất trước phản hồi của công chúng, tôi tin tình trạng này sẽ sớm chấm dứt. Bởi nếu nhà sản xuất không sớm nhìn ra vấn đề, cứ đầu tư tràn lan để rồi cho ra đời những sản phẩm không đạt yêu cầu tối thiểu về nghệ thuật cũng như kỹ thuật, họ sẽ “sập tiệm”!
Vì thế, công việc quan trọng hàng đầu của nhà sản xuất cũng như tự cổ chí kim ở khắp nơi trên thế gian này vẫn chỉ là chọn được đề tài khán giả đang quan tâm để từ đó có một kịch bản tốt, tìm được một êkip làm phim có tay nghề và tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì công việc. Những công việc xem ra rất thông thường nhưng thật sự lại là những việc để làm tốt thì rất khó.

                                                                Theo NGA LINH - HOÀNG LÊ - TT





 

Các bài mới
Các bài đã đăng