Tạp chí Sông Hương -
Cuộc chiến” phí tác quyền: Có luật, không áp dụng!
08:44 | 05/05/2011
Không thể đưa ra và chấp nhận một mức giá nhuận bút nằm ngoài quy định của luật pháp như đã làm rồi gọi đó là thỏa thuận hợp pháp
Cuộc chiến” phí tác quyền: Có luật, không áp dụng!
Các ca sĩ đang thu thanh một bài hát tập thể (Ảnh sử dụng từ Vietgiaitri.com)

Kể từ khi Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ra đời, việc giao dịch bản quyền của các tổ chức, cá nhân có sử dụng tác phẩm âm nhạc đều thông qua tổ chức này, vì hầu hết các nhạc sĩ sáng tác ca khúc đã ủy quyền ở đây. Từ đây, xuất hiện mâu thuẫn giữa người sử dụng với tổ chức cho phép sử dụng trong việc chi trả phí tác quyền.
 
Rắc rối từ việc thu tiền trước

Căn cứ vào quy định của luật, khi cấp phép biểu diễn hay sản xuất chương trình băng đĩa nhạc, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TPHCM yêu cầu đơn vị, cá nhân xin phép sản xuất, tổ chức chương trình phải chứng minh đầy đủ bằng văn bản về sự chấp thuận của các tác giả có ca khúc sử dụng trong các chương trình đó mới tiến hành cấp phép.

Nhưng hiện nay, hầu hết các cá nhân giữ quyền tác giả của ca khúc đã ký kết ủy thác cho VCPMC bảo vệ và thu hộ phí tác quyền cho họ nên muốn có văn bản hợp pháp hóa việc tác giả đồng ý cho phép sử dụng tác phẩm của họ thì phải thông qua VCPMC và phải đóng phí trước theo mức giá mà tổ chức này đưa ra.

Các đơn vị sản xuất nói họ gặp tình thế khó khăn trong việc xin phép sử dụng ca khúc để sản xuất chương trình băng đĩa nhạc vì phải đóng tiền bản quyền trước này.

Những nhà sản xuất đĩa nhạc tại TPHCM đã từng có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét lại việc quy định phải đóng tiền tác quyền trước. Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản trả lời là việc thu tiền tác quyền phải thực hiện sau khi tác phẩm đó đã đưa vào sử dụng.

Sở VH-TT-DL TPHCM, nơi cấp phép sản xuất và biểu diễn cho các chương trình thuộc địa bàn quản lý, nói họ không quan tâm đến cách thức thu và trả tiền tác quyền giữa người sử dụng và người cho phép sử dụng như thế nào, họ chỉ làm đúng luật, nghĩa là phải có văn bản chấp thuận cho sử dụng tác phẩm của tác giả thì mới được xem xét cấp phép.

Nhưng oái oăm ở chỗ, muốn có văn bản chấp thuận cho sử dụng bản quyền thì nhà sản xuất lại phải đóng phí sử dụng trước, mà mức phí này đưa ra là theo cảm tính, không dựa trên hiệu quả thực tế của việc sử dụng tác phẩm.

Sử dụng tác phẩm âm nhạc là phải xin phép tác giả và đóng phí tác quyền đó là luật nhưng đòi hỏi đóng trước hay sau cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây phương hại đến lợi ích của các bên.

Tự ý áp giá khoán

Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút, ban hành năm 2002, có quy định cách thức trả nhuận bút đối với các xuất bản phẩm, trong đó có băng đĩa hình và tiếng. Theo đó, nhuận bút được tính trả theo tỉ lệ phần trăm (%) quy định trong khung nhuận bút nhân với giá bán lẻ xuất bản phẩm và nhân với số lượng in xuất bản phẩm. Tỉ lệ phần trăm trong khung nhuận bút cho đĩa tiếng là 4% - 5% và đĩa hình là 6% - 8%.
 
Thực tế, lấy lý do không kiểm soát được số lượng đĩa in ra của từng chương trình, nên từ lâu các tác giả của tác phẩm âm nhạc chấp nhận cho các hãng sản xuất băng đĩa trả tiền tác quyền theo mức khoán từng bài sử dụng trong từng chương trình sản xuất cụ thể. Đáng nói là các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã chấp nhận việc chi trả theo thỏa thuận ngoài quy định này khi thẩm định hồ sơ cấp phép sản xuất, phát hành và thu thuế. Chính điều này đã dẫn đến hành xử trái luật của các bên.

Cả VCPMC và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đều chưa giải thích hợp lý về mức giá phí bản quyền mà họ đã và đang áp dụng đối với nhau. Mức giá thu theo hình thức “khoán” 500.000 đồng, 1 triệu đồng hay (n) triệu đồng/bài cũng đều là mức nhuận bút không thực tế, có thể gây tổn thất cho tác giả có tác phẩm được sử dụng, hoặc gây thiệt hại cho người sử dụng tác phẩm để kinh doanh. Không thể đưa ra và chấp nhận một mức giá nhuận bút nằm ngoài quy định của luật pháp như đã làm rồi gọi đó là thỏa thuận hợp pháp. Ở đây VCPMC và RIAV chỉ có thể thỏa thuận trong khung phần trăm mà Nghị định 61 quy định cho sản phẩm băng đĩa tiếng (4% - 5%), đĩa hình (6% - 8%) trên giá bán nhân với số lượng đĩa bán ra mà thôi.

Còn việc các đơn vị sản xuất có khai gian số lượng bản in hay không để trốn thuế và trốn tiền phí tác quyền đã có cơ quan thanh tra chuyên ngành xem xét xử lý.

Những điều này cần thiết phải được xem xét lại trong giải quyết tranh chấp về mức phí tác quyền không dựa trên căn cứ quy định của pháp luật như hiện nay của các bên.


“Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước”.
 
                           (Điều 7, Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút)



Cơ quan quản lý Nhà nước im lặng

Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ là luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của quyền tác giả và lợi ích xã hội: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Đáng nói, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan gần như im lặng trược sự tranh chấp này. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết sở đang chờ ý kiến chính thức của Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật của bộ. Ngày 29-4, phóng viên Báo Người Lao Động tại Hà Nội cũng đã liên lạc với ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật, nhưng ông Chu từ chối trả lời.



                                                                              Theo Ân Thông- NLĐO












Các bài mới
Các bài đã đăng