Tạp chí Sông Hương -
Phim nghệ thuật giữa lòng kinh đô Hollywood
14:22 | 05/05/2011
Vào một buổi tối mùa Xuân ở Los Angeles, thay vì đi xem các siêu phẩm hoành tráng, hơn một trăm khán giả ngồi kín ghế lẫn ghế xếp dọc theo hành lang trong rạp Silent Movie Theater ở trên đường Fairfax để xem buổi ra mắt tại Los Angeles của bộ phim Birdemic: Shock And Terror, một phim độc lập được thực hiện từ năm 2008 của đạo diễn Việt kiều James Nguyễn. Silent Movie Theater, cũng như New Beverly Cinema hay Laemmle, là những rạp chiếu phim được điều hành bởi những người yêu điện ảnh để trình chiếu các phim nghệ thuật ở Los Angeles.
Phim nghệ thuật giữa lòng kinh đô Hollywood

Không giống các hệ thống rạp phim nghệ thuật cao cấp như Landmark hay Arclight - danh sách phim được trình chiếu tại đây thường được chọn lọc rất kỹ lưỡng và thường chỉ trình chiếu những phim “nghệ thuật đình đám” đoạt các giải thưởng quốc tế, hay có các ngôi sao lớn - những rạp chiếu phim nghệ thuật do các gia đình điều hành thường ít khi chọn lọc phim. “Chúng tôi muốn mở rộng cơ hội cho những người làm phim. Chúng tôi trình chiếu mọi thể loại phim để khán giả được tiếp cận với mọi tác phẩm điện ảnh mà hệ thống rạp chính thống từ chối phát hành” - Greg Laemmle nói. “Vì thế, không phải phim nào chúng tôi chiếu cũng là phim có chất lượng”.

Thế nhưng, ngay cả phim dở cũng có khán giả riêng. Chẳng hạn như Birdemic, bộ phim của đạo diễn Việt kiều James Nguyễn, được xem là một trong những bộ phim dở nhất từ trước đến nay, khi trình chiếu tại Silent Movie Theater đã nhận được sự phản hồi rất... sôi động từ phía khán giả. “Đây là bộ phim dở nhất mà tôi từng được xem, bạn phải xem bộ phim này ngay” - một khán giả sau khi xem bộ phim này tại Silent Movie Theater đã chia sẻ trên trang imdb như thế Sự phản ứng tích cực của khán giả - ngay cả khi bộ phim bị xem là “dở không thể tưởng tượng nổi” - đã giúp cho Birdemic… được một số hãng phát hành phim mua bản quyền và phát hành DVD, Blu-ray và James Nguyễn tự tin lên kế hoạch làm phần 2 (Birdemic 2: Resurrection 3-D) cũng như dự kiến về Việt Nam làm một phim khác.

Cũng chính vì “tạo nhiều cơ hội” cho các nhà làm phim, các hệ thống rạp này đôi khi chịu lỗ vốn vì khó bán được vé. Vào cuối năm 2010, những người yêu phim nghệ thuật ở Los Angeles khá hoang mang khi nghe tin rạp Music Hall của hệ thống Laemmle có thể bị đóng cửa vì tình hình kinh doanh ế ẩm. Mỉa mai thay, Music Hall nằm đối diện với tòa nhà của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh cũng như văn phòng của Hội Biên kịch Hoa Kỳ trên đường Wilshire. Một blogger của tờ LA Weekly bình luận: “Nếu đóng cửa Music Hall, Beverly xem như chẳng còn rạp chiếu phim nào”. Năm 1938, gia đình Laemmle đã bắt đầu điều hành rạp Music Hall là điểm chiếu phim nghệ thuật cho khán giả trong vùng. Thế nhưng, khi nền kinh tế lao đao, hệ thống rạp này gặp nhiều khó khăn trong việc bán vé. Greg Laemmle, hiện đang điều hành hệ thống rạp của gia đình mình (nay đã phát triển thành chuỗi rạp chuyên chiếu phim nghệ thuật với tám rạp sau gần 75 năm) cho biết “Không chỉ Music Hall mà cả Laemmle Sunset 5 cũng đang có nguy cơ đóng cửa”.

San Francisco và New York là hai thành phố có thế mạnh về hệ thống rạp art-house, hầu hết các phim nước ngoài đều chiếu mở màn tại hai thành phố này, nổi bật nhất là dây chuyền rạp của Landmark với 57 cụm rạp, 204 màn ảnh chiếu.
 
Để tồn tại, những hệ thống rạp này luôn tìm cách để có được khán giả trung thành. Cinefamily, công ty điều hành Silent Movie Theater, giữ khán giả trung thành bằng cách kết bạn với họ thông qua phần giới thiệu phim đầu buổi chiếu, những cuộc thảo luận trò chuyện sau bộ phim, xây dựng các chương trình khuyến mãi ưu đãi khách quen, kết nối qua mạng xã hội... Không chỉ vậy, họ liên tục nhận được sự ủng hộ hết mình của các nhà làm phim.

Một ví dụ điển hình là bộ phim Scott Pilgrim vs The World của đạo diễn Edgar Wright, một phim “nghệ thuật” của hãng Universal. Ra mắt vào mùa hè, nhanh chóng chìm nghỉm bởi tính chất “độc lập” của phim, Scott Pilgrim tưởng chừng sẽ không có cơ hội tìm được khán giả của mình thì đạo diễn Edgar cùng rạp New Beverly tổ chức buổi chiếu nửa đêm ngay sau khi các rạp chiếu chính thống đá văng phim ra khỏi rạp. Edgar mời dàn diễn viên của phim đến giao lưu với khán giả. Tin tức lan truyền trên Internet nhanh chóng. Khán giả kéo đến New Beverly xem đông nghịt, cho dù đó là xuất chiếu nửa đêm. Sau đó, New Beverly tổ chức buổi chiếu bộ ba đặc biệt (gồm ba phim của Edgar Wright: Shaun Of The Dead, Hot Fuzz và Scott Pilgrim), vé bán sạch chỉ trong vòng bốn phút

Sự tương tác giữa khán giả, rạp chiếu phim và nhà làm phim của cộng đồng những người yêu thích phim nghệ thuật ở Los Angeles, trong chừng mực nào đó, đã tạo nên những “tác phẩm kinh điển”, những “sự kiện điện ảnh”, mà nếu ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, có lẽ sẽ khó có thể xảy ra

                                                                                                       Theo TTVH









Các bài mới
Các bài đã đăng