Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Trần Hoài Dương qua đời trong cô độc
14:31 | 10/05/2011
Chiều 8/5, giới văn chương Sài Gòn bàng hoàng khi nghe tin tác giả 'Miền xanh thẳm' đã qua đời tại nhà riêng ở TP HCM. Ông mất từ ngày 6/5 nhưng đến gần 2 ngày sau mới được phát hiện.
Nhà văn Trần Hoài Dương qua đời trong cô độc
Trần Hoài Dương (phải) bên nhà thơ Lê Thị Kim. Ảnh: Thoại Hà.

Nhà văn Trần Hoài Dương là cha của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh - người sáng tác ca khúc Chân tình nổi tiếng, đang sống và làm việc tại Anh. Từ nhiều năm nay, ông Trần Hoài Dương sống một mình tại nhà riêng ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TP HCM. Tuổi cao, sống một mình nên tình hình sức khỏe của ông ít được mọi người nắm được.

Trên một trang web, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh trước khi về nước để lo tang lễ đã viết vài dòng nói về sự ra đi đột ngột của cha anh. Nhạc sĩ Chân tình nói, ngày 7/5, nhiều lần anh liên lạc với bố nhưng không được nên gọi nhờ người quen đến nhà. Khi phá cửa vào trong nhà mọi người phát hiện ông đã ra đi nhiều giờ trước đó.

Thi thể nhà văn được đưa đi giám định để tìm hiểu nguyên nhân qua đời. Sau đó, hội đồng pháp y kết luận: Nhà văn Trần Hoài Dương đột tử do nhồi máu cơ tim.

Sự ra đi của nhà văn Trần Hoài Dương để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè văn nghệ. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bùi ngùi chia sẻ: "Tết rồi, nhà văn Trần Hoài Dương rất hạnh phúc vì con trai duy nhất của ông - nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh đưa vợ và đứa con thơ về Việt Nam thăm ông. Cũng thật tình cờ, dịp này Đài truyền hình Bà Rịa Vũng Tàu đã làm một bộ phim chân chung về Trần Hoài Dương khá công phu. Nhưng không ngờ cái Tết Tân Mão 2011 ấm áp nhất cũng là cái Tết cuối cùng của nhà văn Trần Hoài Dương, cái Tết đánh dấu ông bước sang tuổi 69!... Ai ngờ sự đời trớ trêu...".

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng không khỏi bàng hoàng, anh cho biết, dù cách biệt tuổi tác, anh rất thích đọc các tác phẩm của Trần Hoài Dương cũng như thích trò chuyện với ông. "Ngày tôi còn bé, một lần được bố dẫn đi nhà sách và mua cho tuyển tập truyện thiếu nhi Quà tặng tuổi thơ, tôi nhớ nhất là những truyện của Trần Hoài Dương. Văn phong của ông hiện đại, lãng mạn, trong sáng và mang tính giáo dục rất cao. Sau này, khi lớn lên, mỗi lần đọc lại truyện của ông tôi lại cảm nhận được nét tinh khôi, phảng phất sự nhẹ nhàng, sâu lắng của Alphonse Daudet (nhà văn Pháp). Không chỉ vậy, văn ông còn thể hiện được tình yêu với cái đẹp với tri thức của nhân loại. Ông đi rồi, thật ít ai có thể thay thế được ông trong làng văn chương cho thiếu nhi", Hồng Minh bùi ngùi nói.

Khi hay tin nhà văn Trần Hoài Dương mất, anh buồn đến không nói nên lời. "Tôi nhớ ông như một con người trọng chữ nghĩa, đọc rất nhiều và có kiến thức sâu sắc. Ông đọc văn học đương đại, văn học trẻ cũng rất nhiều. Một nhà văn với những trang sách trong trẻo và đẹp như thế nhưng lại ra đi quá đột ngột và buồn như thế thì chỉ còn biết đổ thừa âu đó là số phận của một đời người", Hồng Minh tiếc nuối.

Chia sẻ với VnExpress.net, nhà văn Trần Thanh Giao cho biết, khi hay tin Trần Hoài Dương mất, cả ông và vợ đều không khỏi bàng hoàng. Trần Thanh Giao và vợ có mối quan hệ thân tình như người trong gia đình với Trần Hoài Dương vì từng học chung ở lớp báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương khóa 1, năm 1960, tại Hà Nội.

Thủ bút của nhà văn Phùng Quán đề tặng nhà văn Trần Hoài Dương trong cuốn sách "Như cò vàng trong cổ tích". Ảnh: Thoại Hà.


"Từ rất nhiều năm nay, Trần Hoài Dương sống một mình trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn, gọn gàng ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Nhà chứa toàn sách là sách vì Dương đọc nhiều. Mỗi khi ra sách mới Dương đều tặng cho tôi. Tôi cũng đến nhà Dương chơi hoặc anh em ra quán để chuyện trò. Không ngờ Dương lại đi đột ngột như thế...", Trần Thanh Giao nói.

Nhà văn Trần Thanh Giao nhận xét, tác giả Miền xanh thẳm là một con người tử tế, hiền lành và rất có trách nhiệm với ngòi bút của mình. "Có một cuốn tiểu thuyết của anh Dương rất hay mà tôi thấy hiện nay ít được nhắc đến là cuốn Bên ngoài mái trường (1983), viết về những đứa trẻ hư ở một ngôi trường lao động ở vùng Trung du miền Bắc. Tôi nghĩ đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay khi viết về con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc ngày ấy", ông nói.

Sinh thời, nhà văn Trần Hoài Dương cũng vài lần tâm sự với Van.VnExpress.net về những kỷ niệm thời ông làm biên tập viên của báo Văn Nghệ. "Người làm biên tập văn học của tờ báo hay NXB vô cùng quan trọng. Công việc thầm lặng của họ có thể nắm giữ và quyết định "vận mệnh" của một cây bút", ông nói.

Với quan niệm như thế, Trần Hoài Dương đã có công rất nhiều trong việc nâng đỡ các cây bút trẻ, mới. Nhiều người đến nay vẫn kể lại những câu chuyện nhờ ông mà có được biết đến trong làng văn.

"Trần Hoài Dương có cá tính rất thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi, thậm chí đôi khi cực đoan. Nếu không thích điều gì anh có thể phản đối đến cùng, ngay cả khi việc đó có thể ảnh đến quyền lợi của mình. Anh em văn chương từ Nam ra Bắc đều hết sức thương tiếc khi hay Dương ra đi...", nhà văn Trần Thanh Giao nói.


Nhà văn Trần Hoài Dương (tên khai sinh là Trần Bắc Quỳ), sinh ngày 8/11/1943 tại Hải Dương, mất hồi 20h ngày 6/5 tại TP HCM.

Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 10/5 tại Nhà tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM. Lễ truy điệu và đưa tang tổ chức vào 7h30 ngày 12/5.

Ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Bình Hưng Hòa.



                                                                             Theo Thoại Hà - VnExpress









Các bài mới
Các bài đã đăng