Tạp chí Sông Hương -
Vìa sao sản phẩm nhạc thiếu nhi Việt chưa hấp dẫn? (*): Tư duy lỗi thời
14:40 | 10/05/2011
Sản phẩm âm nhạc thiếu nhi Việt Nam vẫn còn quen với hình thức phối khí theo làn điệu dân ca hay những phong cách âm nhạc cũ kỹ nên khán giả thiếu nhi Việt Nam chóng chán
Vìa sao sản phẩm nhạc thiếu nhi Việt chưa hấp dẫn? (*): Tư duy lỗi thời
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Đồ Rê Mí. Ảnh: Hải Sơn

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện:
Không đáp ứng được đòi hỏi của công chúng


Những sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi của Việt Nam đang được cung ứng trên thị trường hiện nay không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của đối tượng khán giả nhí. Thực tế, nhiều nhạc sĩ hiện nay vẫn rất tâm huyết và cần cù với thể loại ca khúc thiếu nhi. Thế nhưng, điều không thể phủ nhận sức lan tỏa của dòng nhạc thiếu nhi hiện nay dường như không có. Sự lặng lẽ đó là tất yếu khi chính những người trong cuộc (nhà sản xuất, nhạc sĩ) không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của đối tượng khán giả thiếu nhi hiện nay.

Nói thẳng ra các nhạc sĩ hiện nay khi viết nhạc thiếu nhi vẫn quen với cách làm cũ, tức sử dụng những giai điệu đã phổ biến từ những năm của thập niên 1990 thì chắc chắn thiếu nhi sẽ không thích; còn những ca khúc thiếu nhi đủ sức trở thành ca khúc ăn khách trên thị trường hay chí ít là đáp ứng được yêu cầu của khán giả nhí chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nền công nghiệp kỹ thuật số đã chiếm phần lớn trong nhu cầu thưởng thức của khán giả nhí. Những kênh truyền hình dành cho thiếu nhi nổi tiếng như Walt Disney, CN, Bambi,… đã trở thành những kênh truyền hình yêu thích của thiếu nhi. Ở đó, các bé có thể được xem những chương trình có mức đầu tư lớn, những kỹ xảo hình ảnh hiện đại, những loạt phim truyền hình ca nhạc dành cho thiếu nhi và hơn hết là những ca khúc thiếu nhi rất bắt tai (về phần âm nhạc, hòa âm phối khí, hình ảnh), rất đặc sắc, đủ sức chinh phục cả khán giả lớn tuổi.

Đã quen tiếp xúc với những gì tiên tiến nhất nên khi quay trở lại với những ca khúc Việt Nam, vẫn còn quen với hình thức phối khí theo làn điệu dân ca hay những phong cách âm nhạc cũ kỹ, khán giả thiếu nhi Việt Nam sẽ chóng chán, kể cả những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng một thời. Và hệ quả là khán giả quay lưng, thị trường không phát triển.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên:
Không có động lực


Cuối thế kỷ XX, những DVD nhạc cho thiếu nhi được dàn dựng khá bắt mắt, tạo sự ham thích cho khán giả nhí. Nhưng thời gian gần đây, lĩnh vực nhạc thiếu nhi gần như bị bỏ ngỏ, các nhà sản xuất không còn tập trung cho thị phần này như trước nữa. Khi không có chương trình, nhà sản xuất không đặt hàng, nhạc sĩ cũng không còn động lực sáng tác.
 
Đó chính là lý do thị trường âm nhạc Việt Nam không có những nhạc sĩ chuyên sáng tác ca khúc thiếu nhi như nhiều nơi khác. Còn trong các hội diễn, thiếu nhi đa phần được người lớn chọn hát lại những ca khúc cũ trong khi ca khúc mới vẫn được giới thiệu nhưng không có người chọn hát. Từ đó, thị trường ca khúc thiếu nhi càng trở nên tẻ nhạt và lặng lẽ.

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng:
Cần dàn dựng công phu, hấp dẫn


Thực tế, với khán giả thiếu nhi, đối tượng chưa biết thần tượng hay say mê vô điều kiện một bài hát hay giọng ca nào đó nên yêu cầu đầu tiên của các bé là sự đa sắc.

Kinh nghiệm qua việc gắn bó với đối tượng khán giả thiếu nhi trong mấy chục năm qua cho tôi thấy để có thể thu hút sự chú ý của khán giả nhí, mọi sản phẩm âm nhạc cần sự đa sắc trong dàn dựng, bè phối và cả nhạc điệu. Nói một cách đơn giản, nếu sản phẩm âm nhạc có 10 ca khúc thì sắc màu của 10 ca khúc phải hoàn toàn khác nhau.
 
Thậm chí làm nhạc cho thiếu nhi hiện tại, không chỉ áp dụng những phong cách âm nhạc mới nhất mà còn phải đầu tư về mặt vũ đạo. Đó là chưa kể sân khấu biểu diễn cũng phải đầu tư về mặt dàn dựng, ánh sáng, đạo cụ… Không còn chuyện một giọng ca nhí đứng trên sân khấu hát mà có thể thu hút các bé thiếu nhi như chục năm trước nữa.

Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều người có tâm huyết cũng cố gắng duy trì những chương trình ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, Liên hoan thiếu nhi TP, Búp sen hồng, Liên hoan sân khấu hóa thiếu nhi của Nhà Thiếu nhi TP,… nhưng xem ra không hiệu quả. Những người trong giới cũng đã nghĩ đến giải pháp “cơi nới” phong trào sáng tác nhạc thiếu nhi nhưng vẫn chưa gặt hái được kết quả gì đáng kể. Những gì làm được như cuộc vận động sáng tác, ban tổ chức chọn được 100 ca khúc để phát hành sách và chọn 10 ca khúc xuất sắc nhất phát hành CD nhưng chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu thật.

                                                                      Theo Thùy Trang - NLĐO









Các bài mới
Các bài đã đăng