Tạp chí Sông Hương -
Hoà nhạc kỷ niệm 220 năm ngày mất W.A.Mozart: Hồn nhiên và quyến rũ
14:32 | 16/05/2011
Trong hai đêm 14 và 15.5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra chương trình hoà nhạc nói trên. Như sự sống, âm nhạc nào của W.A.Mozart luôn hồn nhiên và quyến rũ.
Hoà nhạc kỷ niệm 220 năm ngày mất W.A.Mozart: Hồn nhiên và quyến rũ
Nếu như cách đây 220 năm, tại Vienna, đám tang của thiên tài âm nhạc nhưng nghèo khổ W.A.Mozart thật sơ sài và vắng vẻ trong mưa tuyết lạnh lẽo, thì chính sự vắng vẻ ấy là khởi đầu cho sự bất tử của ông. Ở VN, từ lâu, âm nhạc Mozart đã đến với người thưởng thức từ đầu thế kỷ XX.

Cách đây 20 năm, Dàn nhạc Giao hưởng VN đã có chương trình kỷ niệm dài nhân 200 năm ngày mất của ông. Đấy là những đêm Mozart tuyệt vời. Điểm đặc biệt trong hai đêm hoà nhạc lần này là sự trình tấu lần đầu tiên một tác phẩm đặc biệt của Mozart. Đó là “Sinfonica Concertante cho violin, viola và dàn nhạc giọng mi giáng trưởng”. Tác phẩm là sự sáng tạo của Mozart trong việc kết hợp giữa hai thể loại giao hưởng và concerto. Nó được viết ra như để khép lại năm buồn vui lẫn lộn của Mozart khi đi với Paris và Mannheim.

Trong hai đêm diễn này, sự đặc biệt còn được nhân lên bởi sự kết hợp giữa hai cây độc tấu là nghệ sĩ Lê Hoàng Lan (violin) và nghệ sĩ Nhật Nobuko Imai (viola) cùng dàn nhạc (ảnh). Bên cạnh nhiều giải thưởng và những cuộc trình diễn lớn, Nobuko Imai thực sự là một nghệ sĩ độc đáo với dự án “Không gian viola”. Năm 2009, bà là người sáng lập ra tại Tokyo cuộc thi quốc tế đầu tiên ở Nhật dành cho viola. Bởi vậy, sự xuất hiện của bà cùng nghệ sĩ Lê Hoàng Lan trong tác phẩm của Mozart đã thực sự gây hưng phấn cho người thưởng thức. Rất nhiều giai điệu đẹp trong tác phẩm sau khi được violin tấu lên cao vút thì lại được viola nhắc lại bằng giọng riêng trầm ấm. Có vẻ điều đó đã mô tả được sự buồn vui lẫn lộn của Mozart mà ông đã gửi vào những dòng nhạc. Cường độ âm phức hợp của tác phẩm này đã phản ánh trình độ kỹ thuật ngày càng phát triển của các dàn nhạc Châu Âu thời ấy.

Mozart đã thực sự là nhà soạn nhạc đầu tiên mở rộng dải tần cao độ để tăng nhiều cung bậc cảm xúc của tâm hồn. Ta vừa có cảm giác reo vui chất ngất đến tột cùng thì lại chợt hẫng hụt trong cảm giác sầu buồn mênh mang loang dần. Bởi thế, cảm xúc được tôn trào thật sự, không bị ép bức trong một giới hạn nào. Nobuko Imai không chỉ tự thể hiện bản lĩnh của mình mà còn giao hoà, nâng đỡ bạn cùng độc tấu một cách tinh tế và thân thiện. Trình tấu khép lại trong tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt của người thưởng thức.

Chương trình hoà nhạc W.A.Mozart khép lại bằng “Giao hưởng số 39” – là một trong bộ ba tác phẩm giao hưởng cuối cùng do Mozart soạn trong suốt mùa hè 1788 rồi kéo dài cho tới khi ông qua đời. Dàn nhạc Giao hưởng VN đã trình tấu thành công tác phẩm đỉnh cao này dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honda Fetsuji.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ







Các bài mới
Các bài đã đăng