Tạp chí Sông Hương -
Phim câm trong kỷ nguyên 3D
08:36 | 19/05/2011
Bộ phim câm đen trắng The Artist (Nghệ sỹ) phút chót được bổ sung vào danh sách 20 phim tranh giải chính thức tại LHP Cannes 2011 nhưng đã trở thành đối thủ nặng ký của Cành cọ Vàng năm nay. Hơn thế, phim còn làm sống lại thể loại tưởng chừng đã biến mất trong kỷ nguyên của công nghệ 3D: phim câm.
Phim câm trong kỷ nguyên 3D


The Artist của đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius đã giành được sự tán thưởng nồng nhiệt từ khán giả trong buổi chiếu tại Palais Chủ nhật vừa qua. Quay ở Hollywood, có sự tham gia của ngôi sao Jean Dujardin trong vai George Valentin, từ một anh hùng của phim câm năm 1927 trở thành con số 0 hai năm sau đó vì sự xuất hiện của phim có lời thoại và các kỹ năng “không lời” của ông không còn đất dụng võ. Đối lập với sự số phận xuống dốc của George Valentin là Peppy Miller (Berenice Bejo đóng), một nữ diễn viên phim nói, cũng chính là người Valentin dẫn dắt đến với thế giới showbiz và trở thành một ngôi sao hạng A.

                             The Artist của đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius


Lọt vào danh sách các phim tranh giải Cành cọ Vàng đã được coi là thành công lớn của The Artist, nhưng điều Hazanavicius hạnh phúc nhất là sự thừa nhận của người hâm mộ và giới chuyên môn với một đề tài tưởng chừng không bao giờ được nhắc đến nữa, đó là phim câm. Hazanavicius từng được khán giả biết đến với bộ phim gián điệp OSS. The Artist do hãng Weinstein sản xuất, đây cũng chính là hãng sản xuất của The King’s Speech - giải Oscar 2011 Phim hay nhất. Michel Hazanavicius chia sẻ: “The Artist đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, đề tài nó đề cập đến cũng là về điện ảnh. Khi bắt tay làm phim, tôi không nghĩ tôi và đồng nghiệp có thể làm được một tác phẩm ưng ý như vậy”. Hazanavicius đã mời nhà soạn nhạc Ludovic Bource sáng tác phần nhạc nền phong phú cho phim.

Cũng như tất cả diễn viên tham gia
 The Artist, Michel Hazanavicius dành rất nhiều thời gian để xem lại các bộ phim câm, điển hình là Charlie Chaplin, để nắm được bí quyết kể chuyện không cần diễn đạt bằng lời. “Xem và cảm nhận được tất cả ý nghĩa của một bộ phim câm không dễ, khán giả cũng cần kinh nghiệm và kỹ năng. Phim câm phù hợp nhất với thể loại phim về tình yêu hay kịch melo”.

Nữ diễn viên Pháp gốc Argentina Bejo lại tìm cảm hứng từ những nữ diễn viên phim câm nổi tiếng, những người “không cần làm nhiều mà vẫn truyền tải được nhiều cảm xúc”. Trong số phim Bejo tham khảo, có
 City Girl của F.W. Murnau, tác phẩm phim câm kinh điển những năm 1930. Kể về những ngày đầu làm phim, Bejo cho biết: “Tôi thực sự hoang mang, không biết mình có thể vượt qua được thử thách này không. Nhưng điều thú vị là, không dùng lời cho chúng tôi sự tự do lớn, như chúng tôi có thể cường điệu trong diễn xuất”. Dujardin đồng tình: “Đôi khi trong các phim dùng quá nhiều lời thoại. Sự im lặng là một trải nghiệm thú vị”.

Được bổ sung vào danh sách tranh giải Cành cọ Vàng đúng 1 tuần trước lễ khai mạc LHP Cannes 2011,
 The Artist được đánh giá có lợi thế hơn các phim khác ở chỗ không quá buồn, cũng không quá nghiêm túc. Phim cũng có sự tham gia của các ngôi sao Hollywood John Goodman và Penelope Ann Miller (mặc dù họ chỉ đóng vai phụ). Hơn thế, bộ phim có sự cộng hưởng của đương đại khi nói về bản chất của sự nổi tiếng, bổ sung các công nghệ làm phim mới.

Trước lo lắng của nhiều người về tương lai của phim câm trong thời đại bùng nổ phim 3D và các rạp chiếu đa năng, Hazanavicius khẳng định: “
The Artist có những giá trị điện ảnh riêng và chúng tôi muốn nó được giới chuyên môn công nhận. The Artistdễ hiểu, dành cho số đông, chứ không quá phức tạp, đánh đố khán giả”.

Theo Phúc Minh (daibieunhandan.vn)

 

   


 

Các bài mới
Các bài đã đăng