Tạp chí Sông Hương -
Picasso: "Có một họa sĩ Nguyễn Ái Quốc"
10:20 | 19/05/2011
Thiên tài hội họa lớn nhất thế kỉ 20 đã nói về những bức tranh do Nguyễn Ái Quốc vẽ trên tờ báo Người cùng khổ với một niềm ngưỡng mộ chân thành trước tâm hồn và tư tưởng của Người.
Picasso:

Cuốn sách "Bác Hồ - một tình yêu bao la" do NXB Kim Đồng phát hành tháng 5/2010 chứa đựng vô số câu chuyện chân thực và xúc động từ những họa sĩ, nghệ nhân lớn trong và ngoài nước kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong đó có nhiều sự kiện mà không phải ai cũng biết. Đi kèm với đó là hình ảnh về những tác phẩm nghệ thuật mà họ đã sáng tạo nên, điển hình như tượng chân dung bằng đồng của Vũ Cao Đàm, tranh khắc gỗ Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc của Nguyên Văn Ty - Phan Kế An, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân, tranh bút sắt Bác Hồ của Vân Đa, tranh in đá của Lê Huy Tiếp, bột màu và bút kim "Ngục trung nhật kí" của Lê Huy Trấp, Kí họa Nguyễn Ái Quốc của Eric Johanson (Đức).

Đặc biệt, có một câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của Bác Hồ và danh họa Picasso tại Paris vào năm 1946 - một cuộc gặp đáng nhớ sau 35 năm của hai người bạn, hai người đồng chí từng hoạt động tại ĐCS Pháp. Câu chuyện của ông Vũ Đình Huỳnh - thư kí của Bác thời bấy giờ - được ghi lại bởi tác giả Cần Thư Công trong cuốn sách "Bác Hồ - một tình yêu bao la", tư liệu này đồng thời đã được xuất bản trên báo Ấp Bắc ra ngày 5/3/1992.

Picasso thời trẻ tại Paris và Nguyễn Ái Quốc thời trẻ trên con tàu sang Pháp

Năm Bác Hồ 21 tuổi đặt chân lên đất Pháp thì gặp họa sĩ Picasso lúc đó 30 tuổi đã nổi danh ở Paris. Hai người kết bạn với nhau rồi lại xa nhau. Năm 1946, Bác qua Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau, gặp lại Picasso sau nhiều chục năm xa cách. Ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký của Bác khi đó kể lại cuộc tái ngộ của hai người như sau:

Một hôm, Bác gọi tôi đến bảo:

- Chú thay bộ quân phục, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ.

Lúc lên xe, đi một quãng Bác mới cho hay:

- Hôm nay, chúng ta đến thăm danh họa Picasso.

Tôi ngạc nhiên:

- Bác cũng quen họa sĩ Picasso à?

Bác nói:

- Giả sử không quen biết từ trước thì đến thủ đô Paris này, chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu mà nghệ thuật của tranh ông lại làm nhiều người mê.          

Bác đến không báo trước. Lúc người giúp việc của Picasso đưa Bác đến gần cửa, họa sĩ đã nhận ra Bác. Ông vội chạy tới:

- Chào anh Nguyễn!

Hai người ôm chầm lấy nhau. Rồi Picasso lùi lại một bước ngắm Bác:

- Anh chóng già quá, nhưng đôi mắt vẫn trẻ và như sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở Trụ sở nhóm Clarté (Ánh sáng)”.

Tranh của Bác Hồ đăng trên báo Người cùng khổ (Ảnh chụp từ sách)

Picasso đưa Bác đi xem phòng tranh của ông. Bác cầm từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picasso hỏi Bác.

- Anh cho tôi một lời khuyên.

Bác nói:

- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về tranh Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi -  một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.

Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria (Người cùng khổ), anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu. Ngày ấy tôi nói với Henri Basbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ tịch, người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác.

Bút ký của Bác Hồ "Việt - Nam - độc - lập" (1941) (Ảnh chụp từ sách)

Ông mời Bác uống nước, rồi phác mấy nét chân dung Bác. Xong, ông cất vào cặp giấy vẽ. Đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao cho Bác. Sau đó, Bác trao lại cho tôi cất giữ…

Trích "Bác Hồ-một tình yêu bao la" (NXB Kim Đồng 5/2010)

                                         Theo Hồ Hương Giang - Vietnamnet

Các bài mới
Các bài đã đăng