Tạp chí Sông Hương -
Văn học trẻ thờ ơ với hiện thực?: Xuất hiện nhỏ giọt
09:23 | 23/05/2011
Văn chương đang thiếu những tác phẩm vượt thoát ra khỏi cái tôi nhỏ bé. Điều đáng lo ngại hơn là những người cầm bút thiếu sức kiên định trong nghề nghiệp để đầu tư cho những tác phẩm mang hơi thở của thời đại mình đang sống
Văn học trẻ thờ ơ với hiện thực?: Xuất hiện nhỏ giọt
Một số tác phẩm mới trình làng của những cây bút trẻ. Ảnh: TIỂU QUYÊN

NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa cho ấn hành một loạt 5 tập truyện ngắn của các cây bút trẻ Yến Linh, Lê Minh Nhựt, Trần Minh Hợp, Bích Khoa và Vũ Thị Huyền Trang, bổ sung vào tủ sách văn học trẻ những tác phẩm hiếm hoi trong thời văn chương ra đời nhỏ giọt. Mỗi tác giả mang đến cho người đọc những câu chuyện riêng, không gian riêng trong hành trình sống của mình. Dẫu vậy, góp nhặt lại vẫn chỉ mới là một mảng màu rất nhỏ của cuộc sống, chưa đủ tạo một sức bật, rung động nào lớn lao hơn.
 
Vụn vặt trong cái tôi nhỏ bé
 
Thế mạnh của cây bút trẻ Lê Minh Nhựt – từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long lần III-2008 trong Những đám mây bốc cháy là không gian sống và ngôn ngữ “rặt Nam Bộ”. Theo nhận định của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đây là “những truyện ngắn cũng là những chuyến đi vào tình người và lòng đời trên cái nền của những dòng sông, lòng bãi và những cánh rừng phương Nam ngỡ như quen mà lạ”.
 


Làng văn thi thoảng vẫn xuất hiện những tác phẩm của những cây bút trẻ nhưng rất khó có thể gọi tên một tác phẩm có đủ tầm, tạo được sức bật gây ảnh hưởng cho văn đàn. Văn học trẻ đang đứng trước những thách thức với những vấn đề của thời đại

Còn với Yến Linh – cây bút sinh năm 1989 nhưng luôn có những câu chuyện ám ảnh người đọc bởi nỗi buồn và sự cô đơn giăng khắp với một thế hệ trẻ đầy mất mát và tổn thương qua Một phẩy sáu nhân hai. Vũ Thị Huyền Trang lặng lẽ với những câu chuyện về đời, người ở miền quê trung du. Bích Khoa và Trần Minh cùng hợp chạm vào những lát cắt của cuộc sống người trẻ nơi đô thị.
 
Các cây bút trẻ cùng góp những gam màu lên cuộc sống nhưng những nét vẽ vẫn còn rất phảng phất, nhạt nhòa chưa đủ sức tạo tâm điểm chú ý trên bức tranh văn học vốn dĩ đang rất thưa thớt những gam màu sáng. Điểm chung của các cây bút là phản ánh một thế hệ trẻ như sống trong mất mát, hoang mang, vừa khao khát vượt thoát ra khỏi những giá trị cũ để tìm kiếm những điều mới mẻ hơn, khẳng định mình lại vừa sợ hãi, đè nén cảm xúc, giấu mình vào trong những uẩn ức sâu xa trước những đổi thay và khốc liệt của cuộc sống.
 
Có thể thấy thêm điều này qua những tác phẩm: Dựa vào vai em mà khóc đi anh của Hà Thanh Phúc, Không khóc ở Kuala Lumpur của Linh Lê, Hãy cho em gần anh chút nữa của Gào…
 
Cây bút trẻ Yến Linh thừa nhận: “Những bi kịch cá nhân quẩn quanh đang làm cho văn chương của họ không thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn”. Chính điều này mà nhiều nhà văn nói rằng người trẻ cứ ngày càng sa đà vào cá nhân, vụn vặt, ngòi bút không còn là sự thao thức những điều lớn lao mà là phương tiện để giãi bày ẩn uất riêng. Văn trẻ vì vậy chỉ còn thấy sự tồn tại của cái tôi nhỏ bé.
 
Chưa đi đã chồn chân?
 
Cây bút trẻ Yến Linh bày tỏ: “Mọi thứ cần một quá trình: sống, học hỏi và nuôi dưỡng tư tưởng, cuối cùng là viết. Tôi biết mình đang làm gì và cần làm gì. Tất cả đang là một cuộc tập dượt cho cuộc đua marathon đường dài”. Ngòi bút Cà Mau Lê Minh Nhựt cũng nói rằng văn chương là một con đường dài, đã dấn thân vào thì phải “cố gắng mà đi cho đến kiệt sức”. Nhưng cũng không phải người viết trẻ nào cũng xác định được con đường bền vững để đi với chữ nghĩa.
Không ít người thừa nhận rằng viết như một nhu cầu giải tỏa cảm xúc tự thân chứ không phải là một hoạch định gì lớn lao với văn chương. Hẳn nhiên, đây là một sự thật buộc phải chấp nhận.
 
Ngay cả cây bút trẻ Nguyễn Thiên Ngân - giải khuyến khích Cuộc vận động văn học tuổi 20 lần IV với tác phẩm Những chuyển điệu, đã xuất bản nhiều tập truyện được độc giả yêu thích trước đó, như Cặp vòng mây, Đường còn dài, còn dài… cũng nói rằng có thể sẽ tạm dừng viết cho đến năm 35 tuổi. “Dừng lại để làm một công việc ổn định và cũng là để kiến thức, kinh nghiệm sống vững vàng hơn trước khi tập trung trở lại với văn chương” – Thiên Ngân nói. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người viết trẻ khi đứng trước những lựa chọn, cuộc sống thực tế vốn dĩ “cơm áo không đùa”.
 
Những chia sẻ vẫn thường nghe từ những người viết trẻ là: “Chưa có thời gian để viết”, “chưa có ý định đầu tư tác phẩm mới”, “viết nhưng còn từ từ”… Thiên Di – một ngòi bút khá sắc sảo, giải khuyến khích Cuộc vận động văn học tuổi 20 lần IV với tác phẩm Những giao diện ẩn khá ám ảnh về ước vọng và mất mát của người trẻ - nói rằng cô đang ấp ủ về đề tài văn hóa Chăm. Nhưng hiện tại thì cây bút này cho biết vẫn phải đang dành toàn thời gian cho kịch bản phim, phải tạm gác lại việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu cho văn học.
 
Sự chi phối của cuộc sống không ngoại trừ ai. Một nhà văn trẻ từng có nhiều tác phẩm được yêu thích - hiện đang làm báo - nói thẳng sự thật rằng: Viết văn làm sao mà sống!
 
Thế nhưng, trách nhiệm và kỳ vọng văn chương vẫn đang được đặt vào những ngòi bút trẻ, trong khi họ lại đang luẩn quẩn trong việc “tự lột trần” mình với văn chương mà chưa có được những cuộc vượt thoát, đào sâu vươn tới những đề tài lớn hơn ngoài những câu chuyện bóc tách từ bản thân và những gom nhặt nhỏ nhoi quanh mình.
 

Những mảnh vụn của viên đá cuội
 
Nhà phê bình văn học Văn Giá ví người viết trẻ như “những viên sỏi tự sáng. Và trong cuộc ném mình khốc liệt này, người viết văn như những viên sỏi lia thia, có viên chìm sớm, viên chìm muộn, có viên khuất dạng vô tăm vô tích”.
 
Văn học ghi nhận nỗ lực viết của những ngòi bút bền bỉ nhưng có vẻ như tác phẩm của người trẻ chỉ mới là những mảnh vụn của viên đá cuội chưa được mài sáng đủ tạo nên giá trị riêng, đặc biệt để có thể cuốn độc giả vào cuộc kiếm tìm tác phẩm văn học trẻ vốn dĩ vô cùng ít ỏi.



                                                                                               Theo Tiểu Quyên - NLĐO












Các bài mới
Các bài đã đăng