Tạp chí Sông Hương -
Bài học làm phim từ Discovery
08:58 | 24/05/2011
Bắt đầu từ ngày 5/5, trên kênh truyền hình danh tiếng Discovery, 4 bộ phim tài liệu đặc sắc của Việt Nam sẽ lần lượt ra mắt khán giả toàn cầu. Đây là kết quả dự án Lần đầu làm phim với Discovery tại Việt Nam do Discovery, hãng Uproar châu Á và Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức.
Bài học làm phim từ Discovery

Dự án đã mang lại cho các nhà làm phim Việt Nam cơ hội thể hiện tài năng và giới thiệu hình ảnh đất nước mình ra thế giới cùng rất nhiều bài học bổ ích từ một phong cách làm phim chuyên nghiệp, hiện đại.

Những câu chuyện về Việt Nam được kể trước toàn cầu…

Đó là 4 chuyện phim tiêu biểu được kể trong chương trình Travel & living (Đi và sống) – chương trình ăn khách nhất của Discovery, bao gồm: Những chiến binh chống tắc đường (đạo diễn Phan Duy Linh); Rạp chiếu phim di động của bác Long (Nguyễn Mạnh Cường), Thành phố 1.000 tuổi (Nguyễn Mạnh Hà) và Lễ cải táng (Đào Thanh Tùng). Các phim được phát sóng lúc 20h (giờ Việt Nam) tối thứ năm hàng tuần lần lượt vào các ngày 5/5, 12/5, 19/5, 26/5 (phát lại lúc 23h cùng ngày và 7h, 13h hôm sau); mỗi phim có thời lượng 30 phút. Với chủ đề Đô thị hóa ở Việt Nam, 4 bộ phim sẽ làm thành series phim tài liệu mang tên Nhìn về Việt Nam để giới thiệu trước khán giả toàn cầu.

Theo ông Vikram Channa - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các phim được chọn đều là những phim có nhân vật cá tính mạnh, kể được những câu chuyện thú vị, hấp dẫn, độc đáo về những chuyển biến trong đời sống hàng ngày, trong tín ngưỡng, bản sắc… của đất nước Việt Nam (VN) sau hơn 20 năm đổi mới. Lâu nay, VN chủ yếu được thế giới biết qua các chiến thắng trong chiến tranh. Từ một nước nghèo, VN đã chuyển mình thành nổi bật trong khu vực. Sự chuyển mình ấy đã tạo điều kiện để thể hiện dưới góc nhìn điện ảnh, bằng ngôn ngữ điện ảnh của chính những đạo diễn trẻ người VN thông qua những hoàn cảnh, tình huống và nhân vật có thật: Nguyễn Mạnh Hà vẽ bức tranh đô thị Hà Nội với những đổi thay khi thành phố kỷ niệm Đại lễ 1000 năm. Đào Thanh Tùng đề cập tới lễ cải táng - một nghi lễ truyền thống của VN đang có nguy cơ biến mất. Phan Duy Linh thể hiện nỗ lực của những con người đang làm công việc chống tắc đường ở Hà Nội. Còn Nguyễn Mạnh Cường thì kể về một người chiếu phim dạo với những công cụ rất thô sơ nhưng đã chiếu được gần 300 bộ phim phục vụ khán giả… “Bản thân những câu chuyện này chứa đựng kịch tính và lại rất VN, nên có thể vừa tạo được sự quan tâm nhất định đối với khán giả VN vừa thu hút khán giả quốc tế. Discovery rất vui mừng giúp VN giới thiệu những bộ phim sâu sắc ấy đến bạn bè khắp năm châu” - ông Vikram Channa tâm sự.

Và những bài học làm phim bổ ích

Theo ông Kevin Dickie - Phó giám đốc Discovery khu vực Đông Nam Á, mục đích chính của dự án Lần đầu làm phim với Discovery là đào tạo, cung cấp cơ hội thực hành, củng cố và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho các nhà làm phim đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Các dự án tương tự từng được triển khai ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Malaysia... và đã mang đến cho các nhà làm phim bản địa nhiều lợi ích thiết thực. Tổng kinh phí tài trợ cho toàn bộ dự án này tại VN vào khoảng 250.000 USD. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà các nhà làm phim VN nhận được khi tham gia dự án không phải là một khoản tiền đủ để biến ý tưởng của mình thành tác phẩm điện ảnh hay ước mơ đưa tác phẩm điện ảnh của mình ra thế giới thành hiện thực mà còn là rất nhiều bài học bổ ích và kinh nghiệm thực tế từ một chương trình truyền hình tầm cỡ toàn cầu. Đó là những bài học về công nghệ làm phim hiện đại, về phong cách ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, về những chuẩn mực kỹ thuật hiện đại, về các kỹ năng nghề nghiệp dưới những hình thức mới…

Các nhà làm phim tham gia dự án cho biết: khi làm phim với Discovery, họ phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu khắt khe của một phong cách làm phim chuyên nghiệp, hiện đại. Mọi kỹ thuật đều phải theo tiêu chuẩn quốc tế với yêu cầu quay phim chuẩn HD, âm thanh stereo. Đạo diễn Nguyễn Mạnh Cường kể: “Chúng tôi quay tới hơn 1.500MB, sau đó ngồi chọn để chỉ có hơn 20 phút phim. Phỏng vấn cũng được yêu cầu phải ghi ra từng lời, thậm chí cả dấu chấm, dấu phẩy. Điều đó có nghĩa họ rất kỹ lưỡng trong quá trình làm phim”. Còn Nguyễn Quang Tuấn phụ trách quay phim Câu chuyện cải táng thì cho biết: “Các chuyên gia của Discovery luôn yêu cầu cảnh quay phải có tiết tấu nhanh, hình ảnh trung thực, không được quay tele nhiều mà phải thường xuyên vác máy trên vai. Trong quá trình quay, ngoài hình ảnh còn phải để ý đến âm thanh để có thể nắm bắt được những khoảnh khắc đặc biệt. Chính bởi yêu cầu khắt khe này mà hai bộ phim Rạp chiếu phim di động của bác Long và Những chiến binh chống tắc đường đã phải thay người quay phim giữa chừng”.

Qua dự án Lần đầu làm phim với Discovery có thể thấy khá nhiều nhà làm phim của chúng ta đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, con người và cách làm phim theo tiêu chuẩn, công nghệ truyền thông truyền hình hiện đại quốc tế. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án như vậy được triển khai để các nhà làm phim trẻ VN có thêm cơ hội học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, để trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp, tài năng trong tương lai của điện ảnh nước nhà.

                                                                                                   Theo SKĐS
















Các bài mới
Các bài đã đăng