Tạp chí Sông Hương -
Văn học trẻ thờ ơ với hiện thực? Truyền lửa dấn thân
15:35 | 25/05/2011
Tổ chức những cuộc thi văn chương, trại sáng tác, xây dựng tủ sách, thành lập hội nhóm, diễn đàn… là những hoạt động có ý nghĩa góp phần tạo dòng chảy sôi động cho văn học trẻ
Văn học trẻ thờ ơ với hiện thực? Truyền lửa dấn thân
Cuộc vận động Văn học tuổi 20 đã góp phần tạo dựng thêm nhiều tên tuổi cho văn đàn

Việc chọn lọc tác phẩm của những cây bút thế hệ 8X mở đầu cho tủ sách các thế hệ của NXB Văn hóa - Văn nghệ đã cho người trẻ có cơ hội ra mắt tác phẩm đầu tay. Nói như cây bút Lê Minh Nhựt, đến với nghề viết đã lâu nhưng cho đến nay anh mới được dịp trình làng một tác phẩm hoàn chỉnh, đó là một dấu mốc có ý nghĩa cho đường văn của người trẻ, để bắt đầu lấy đà và tiến xa hơn với văn học.

Bắt đầu từ dòng suối

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần IV vừa qua cũng giúp phát hiện những tên tuổi mới “giấu mình” với văn chương, như Mai Anh Tuấn, Hương Thị, Nguyễn Thị Mạnh Hà. Cuộc thi truyện ngắn Tuổi Thanh Xuân của tập san Áo Trắng - cái nôi của những người viết trẻ - cũng ghi dấu những cái tên còn rất mới. Tủ sách Văn học trẻ của NXB Kim Đồng cũng góp phần xây dựng, tạo tiền đề cho những người trẻ từ những tác phẩm đầu tay. Dẫu rằng từ thành công ban đầu đến thành danh trên văn đàn không phải là điều dễ dàng nhưng đó là một dấu mốc định hình tên tuổi tác giả trong lòng công chúng.

“Cách đây 5 năm, tôi chưa nghĩ nhiều đến chuyện viết lách nhưng khi nhận được giải thưởng văn chương thì lúc ấy tôi mới thấy mình có trách nhiệm và động lực lớn để đi vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là tự thân người viết nhưng thật sự mà nói các cuộc thi, tác phẩm được xuất bản cũng góp phần “hỗ trợ niềm tin” cho người viết trẻ rất nhiều” – một nhà văn cho biết.

Không phải cây bút nào cũng trụ vững sau giải thưởng hoặc sau vài ba tác phẩm đầu tiên nhưng ít nhiều đó cũng là nơi khơi nguồn để những dòng suối từng ngày trên đường hòa mình vào đại dương.

Văn học tuổi 20 sau gần một thập kỷ phát động đã ghi dấu những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Trần Thị Hồng Hạnh, Trang Hạ, Trương Anh Quốc… Cái nôi văn chương Áo Trắng cũng giúp những cây bút Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Văn Thành Lê… trưởng thành. Dẫu vậy, vẫn có thể thấy rằng các hoạt động cho văn trẻ ngày càng thưa thớt. Ngay cả Hội Nhà văn – đơn vị đầu tàu “quản lý” và hỗ trợ phát triển văn học-cũng thưa vắng các hoạt động dành cho văn chương.

Yến Linh nói rằng viết là một hành trình rất cô độc. Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc cũng cho biết anh cứ lặng lẽ viết, hoàn thành tác phẩm thì tự thân đi tìm NXB. Và cũng không ít nhà văn trẻ ra mắt sách khá lặng lẽ, không phải tác phẩm không đủ sức thu hút mà vấn đề là thiếu “bà đỡ” để có thể quảng bá tác phẩm tập trung và sâu rộng hơn. Nhà văn Bích Ngân nói: “Người trẻ vẫn cần mẫn viết. Họ có nhiều trăn trở, nhiều đam mê, hoài bão và luôn mong muốn được khẳng định mình. Nhưng người trẻ cũng cần thời gian để có được bước chuyển lớn lao từ cái tôi của chính mình”.

Đừng xoa đầu người viết trẻ!

Chính độc giả trẻ cũng đang “khát” những tác phẩm viết cho tuổi mình, chạm vào đúng những trăn trở, thao thức và có thể khắc họa diện mạo của thế hệ trẻ trong cuộc sống hiện đại bằng nhiều lát cắt, cung bậc khác nhau. Lực lượng người viết trẻ rất nhiều nhưng lại rất thiếu những tác phẩm thể hiện sâu sắc hơn, khai phá bản lĩnh hơn về nội tâm, khát vọng của con người cũng như nâng tầm khai phá hiện thực cuộc sống, vượt ra khỏi nỗi buồn tự thân.

Cây bút ĐBSCL Lê Minh Nhựt nhận định: “Văn chương ngày nay không thiếu những người viết trẻ bền bỉ và tận tụy với nghề nhưng như thế không có nghĩa là họ sẽ có một mùa vàng bội thu ở trước mặt mà 99% trong số đó vẫn thất thu như thường. Nếu muốn tạo được sự bứt phá cho văn học, xa hơn nữa là khẳng định vai trò của mình trên văn đàn thì những cây bút trẻ quả là như đi chân trần qua sa mạc”.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng cùng suy nghĩ: “Hãy cho người trẻ thời gian để khẳng định mình”. Yến Linh bày tỏ tâm tư: “Hy vọng độ lùi thời gian, độ chín, sự nhuần nhuyễn sẽ giúp chúng tôi trong việc truyền tải tư tưởng của mình vào trang viết để có thể tạo được dấu ấn, sự bứt phá trong lòng người đọc. Chỉ mong người đi trước đừng xoa đầu người viết trẻ, đừng đưa họ vào những ảo tưởng, “giết” họ bằng vòng hào quang giả tạo, cũng đừng dìm chết họ khi họ vừa mới là mầm sống vươn lên”.


Chưa sát đời sống

Văn chương nếu chỉ đi trên con đường bằng phẳng, nhàn hạ với câu chữ thì vẫn sẽ chỉ là những tác phẩm nhạt nhòa. Những người viết trẻ cũng phải tự tìm đường đi, nâng tầm cho chính mình.
“Trải nghiệm không cứ phải là đi nhiều mà là nâng tầm tư duy, nhận thức. Cũng như không cứ nhất thiết phải đưa chính trị, chiến tranh, nông thôn đổi mới hay tham nhũng vào văn chương thì mới là “lớn lao”. Đôi khi sự lớn lao chỉ là những điều giản dị nhất trong cuộc sống.
Tác phẩm Nỗi cô đơn của các số nguyên tố của nhà văn Paolo Giordano giành giải văn học Ý Premio Strega là một ví dụ. Quan trọng là tác giả viết bằng khối lượng chữ khổng lồ hay tí hon” – tác giả của Đảo thiên đường Di Li nói.

Với tư cách là một độc giả và cũng là đại diện cho thế hệ mình, cây bút trẻ Hà Thanh Phúc chia sẻ: “Một tác phẩm có thể định hướng, dẫn dắt, cao hơn là giúp người đọc nhận diện được cuộc sống, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, lạc quan hơn là những điều tôi mong được tìm thấy ở tác phẩm dành cho tuổi của mình. Nhưng thực sự, đó cũng là điều mà văn học trẻ hiện nay chưa làm được”.




                                                                                                   Theo Tiểu Quyên - NLĐO












Các bài mới
Các bài đã đăng