Tạp chí Sông Hương -
Tình mẹ ấm êm
10:00 | 27/05/2011
Những năm cuối đời, danh hoạ Pháp Renoir (1841 – 1919) phải chứng kiến cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất dìm cả châu Âu xuống bùn và máu, cuộc giết chóc quy mô thế giới đầu tiên bằng các vũ khí hiện đại – sản phẩm của nền công nghiệp mới và giai đoạn chủ nghĩa tư bản man rợ. Một nhà văn cùng thời với hoạ sĩ từng viết: “Mỗi sáng thức dậy tôi đều mơ mình còn đang ở thế kỷ 19!”
Tình mẹ ấm êm
Mẹ cho con bú, sơn dầu, 1892.

Hội hoạ của Renoir nói riêng và cả trường phái Ấn tượng nói chung khá tiêu biểu cho cái không khí thanh bình “vô tư lự” lan toả khắp châu Âu.

Cái cảnh mẹ cho con bú trong bức tranh này với người phương Tây hôm nay cũng đã xa vời như các nữ thần Ai Cập và Hy-La. Người mẹ rất trẻ, phốp pháp, giản dị hơn là thông minh đang vạch vú cho con bú. Thằng bé vừa bú vừa lấy tay sờ ngón chân, khoe ra cái “của quý” tí hon mà mẹ nó chắc rất tự hào. Hai mẹ con ngồi trên một cái ghế mây ngoài vườn, dưới bóng cây to râm mát có ánh nắng lung linh. Phía trước, một con mèo ngự trên một tấm khăn đang tự liếm láp. Phía xa là mái nhà tranh, xa nữa là vườn cây vàng đang vào thu cùng mái ngói đỏ trong ngõ xóm thân quen. Dường như đứa bé chỉ biết có mẹ và sữa mẹ. Và với mẹ nó, toàn bộ thế giới này chỉ là đứa con trong lòng, trong tim mình, là cái cây, bãi cỏ, mái nhà, con mèo, ánh nắng cùng hơi ấm của đất, hơi mát của gió. Giản dị, êm đềm và đáng ước mơ biết bao. Nhưng cũng là quá tiểu tư sản, quá thị dân, quá an phận, quá dễ dãi với nghệ thuật, nên các nhà cách mạng và các nghệ sĩ nổi loạn đầu thế kỷ 20 lên án phái Ấn tượng không thương tiếc.

Song với Renoir thì hội hoạ cần giản dị, đời thường, không lên gân, đao to búa lớn ở đề tài. Nhân vật chính của hội hoạ là ánh sáng. Màu sắc là hiệu quả khúc xạ của ánh sáng nên không có đen và trắng, các màu được tách ra độc lập, để cạnh nhau và sẽ tự hoà sắc trong mắt ta. Cái yên ấm thậm chí là nhạt nhẽo của họ chính là cuộc cách mạng hội hoạ lớn nhất ở châu Âu từ Phục hưng tới thế kỷ 20. Đến nay, tranh của Renoir và phái Ấn tượng vẫn thuộc loại đắt giá nhất trên thị trường.

                                                                                 Theo Nguyễn Quân - SGTT.VN













Các bài mới
Các bài đã đăng