Tạp chí Sông Hương -
Đối thoại qua phim tài liệu
14:11 | 02/06/2011
Vẫn mỗi tối một phim tài liệu châu Âu và một phim tài liệu của Việt Nam, cùng đề tài, sẽ được giới thiệu đến khán giả, nhưng Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 đã mở rộng phạm vi hoạt động cũng như thành phần tham gia. Với sự phong phú về đề tài, đây được ví như cuộc đối thoại thú vị giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam.
Đối thoại qua phim tài liệu
Ảnh: ĐBND
Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 do 7 quốc gia châu Âu (Italy, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Phái đoàn Wallonie - Bruxelles của Bỉ) phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam tổ chức. Tiêu đề của LHP năm nay là: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh” (trích câu nói của nhà làm phim tài liệu Chile Patricio Guzman). Theo Ban tổ chức, nét mới của LHP lần này là phạm vi hoạt động và thành phần tham gia được mở rộng. Nếu như lần thứ nhất (năm 2009) với 5 nước tham gia, lần thứ 2 (2010) 6 nước tham gia và chỉ tổ chức ở Hà Nội thì nay, khán giả TP Hồ Chí Minh cũng có cơ hội được thưởng thức phim tài liệu châu Âu, và có tới 8 quốc gia tham dự LHP. Các buổi chiếu phim miễn phí sẽ diễn ra lúc 19h từ ngày 6 - 13.6, tại IDECAF, 31 Thái Văn Lung, Q1, TP Hồ Chí Minh và từ ngày 8 - 14.6, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
                                                                 Ảnh:       ĐBND

Có thể thấy rõ dụng ý của các nhà tổ chức khi sắp xếp những bộ phim cùng đề tài chiếu trong mỗi tối của LHP, không chỉ nhằm giới thiệu cho công chúng yêu điện ảnh tài liệu Việt Nam và quốc tế sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu mà còn là cơ hội đặc biệt để người trong nghề được đối thoại, học hỏi kinh nghiệm. Đây là điều khó gặp ở các liên hoan phim tài liệu khác.

Theo đó, Việt Nam - Pháp sẽ đối thoại về sự đa dạng và những cú sốc văn hóa. Điện ảnh tài liệu Pháp giới thiệu phim Múa với Pietragalla: trên đầu mũi chân. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai loại hình múa đương đại và hip-hop, được kết hợp trong vở diễn của biên đạo múa Marie -Claude Pietragalla, trình diễn nhân dịp Thế vận hội Bắc Kinh. Ống kính của đạo diễn Stéphane Gillot đã theo sát các vũ công trẻ được đào tạo ở trường đời - đường phố, đối mặt với những khắt khe của nghệ thuật múa đương đại, trong suốt 6 tháng, từ Paris cho tới buổi biểu diễn đầu tiên tại Bắc Kinh. Trong khi đó,Hãy nói của hai đạo diễn Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư lại theo bước chân của Kim - cô ca sỹ nhạc rap, cùng nhóm nhảy Bigtoe trên hành trình xuyên Việt để trình diễn niềm đam mê của mình. Qua chuyến đi họ cũng cảm nhận, trải nghiệm về tín ngưỡng phồn thực của người Việt...

                                                             Ảnh:         ĐBND


Buổi tối chiếu phim tài liệu Việt Nam - Bỉ sẽ xoay quanh các vấn đề của mỹ thuật và mối quan hệ tác giả - tác phẩm. Trong Nghệ thuật bị đánh cắp, đạo diễn Simon Backès đưa ra những câu hỏi về nghệ thuật: Liệu tác phẩm nghệ thuật có thể tồn tại mà không cần tới nghệ sỹ? Liệu vẻ đẹp có thể tồn tại mà không cần tới quyền tác giả? Cùng đề tài đó, Điệu múa cổ của Nguyễn Văn Hướng nói về các tác phẩm của một trong những cây đại thụ hội họa Việt Nam Nguyễn Tư Nghiêm - người đi đầu trong cách tân ngôn ngữ tạo hình Việt Nam.

Đất nước của âm nhạc cổ điển Ba Lan giới thiệu bộ phim chủ đề âm nhạc Hiệu ứng Chopin (đạo diễn Krzysrtof Dzieciolowski). Phim nói về một nhà nghiên cứu đã đi qua nhiều nước để tìm hiểu xem các tác phẩm của Chopin có còn là cảm hứng sáng tác cho các nghệ sỹ thời nay. Đối thoại với Hiệu ứng Chopin là Kèn đồng. Đạo diễn Nguyễn Văn Hướng khắc họa hình ảnh những nông dân ở Hải Hậu, Nam Định, tự làm ra những chiếc kèn đồng để chơi trong những dịp lễ. Có thể họ không biết nốt nhạc nào nhưng họ chơi theo bản năng và theo niềm cảm hứng.

Cùng về đề tài tốc độ đô thị hóa Mumbai - Đứt kết nối, đạo diễn Đan Mạch Camilla Nielsson và Frederik Jacobi phản ánh bất cập trong quy hoạch hạ tầng ở Mumbai, Ấn Độ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong khi đó Đất lạnh của Nguyễn Thước lại là bức tranh hiện thực về nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước và họ phải đối mặt với thách thức từ chính nếp nghĩ và lối sống của mình...

Những cuộc đối thoại khác trong LHP là: Khoảng cách của đạo diễn Trần Phi vàCleveland chống lại Phố Wall của đạo diễn người Thụy Sỹ Jean Stéphane Bron gặp nhau ở đề tài khá nghiêm túc là tòa án với những vụ xử kiện; Chuyện của mọi nhàcủa đạo diễn Vương Khánh Luông với Thu vàng của đạo diễn Đức Jan Tenhaven cùng nói về người cao tuổi; Những câu chuyện mưa của đạo diễn Italy Isabel Achaval và Lời ru thì buồn (đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh - Mạc Văn Chung) phản ánh niềm vui, nỗi buồn và cả những khó khăn trong cuộc sống của người di cư.

Các bộ phim tuy cùng đề tài nhưng cách tiếp cận hiện thực và phong cách sáng tạo khác nhau, mang đặc trưng văn hóa của mỗi nước. Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư Phạm Thị Tuyết nhận định: Liên hoan phim tài liệu quốc tế là cơ hội quý để những người làm phim tài liệu Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh tài liệu danh tiếng, qua đó từng bước góp phần nâng tầm điện ảnh tài liệu Việt Nam. LHP cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư với các nước, đặc biệt là các khóa đào tạo về đạo diễn, biên kịch, quay phim, âm thanh.

Theo Nhữ Sơn (ĐBND)




 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng