Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Márquez rũ bỏ lời nguyền
08:52 | 03/06/2011
Chỉ cần 1 triệu USD và vài dòng dỗ ngọt chân thành từ NXB Thinkingdom House, nhà văn Nobel 1982 Gabriel García Márquez cùng ngôi làng hiện thực huyền ảo Macondo của ông đã đến với bạn đọc Trung Quốc một cách hợp thức, đường hoàng.  
Nhà văn Márquez rũ bỏ lời nguyền
Nhà văn Gabriel García Márquez
Trong bài báo có tựa Márquez relinquishes China “100 years” “ban” (Márquez gỡ bỏ “trăm năm” cấm Trung Quốc), nhà báo Zhang Lei của tờ Global Times đã thuật lại mối “trục trặc” xảy ra giữa nhà văn danh tiếng người Colombia với đất nước đông dân nhất thế giới như sau: “Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn được Márquez viết năm 1967; năm 1982 được trao giải Nobel Văn chương, nhưng trước năm 1980, ở Trung Quốc đã tràn lan những bản dịch Trăm năm cô đơn “cọp” – không tác quyền. Điều này khiến nhà văn nổi giận và tuyên bố “cấm vận” cuốn sách này với Trung Quốc. Trong một lần đến thăm Trung Quốc vào năm 1990, ông nói đại ý, 150 năm sau khi ông chết, không ai ở Trung Quốc được khai thác tác quyền tiểu thuyết này!

Thế nhưng gần đây, chỉ 21 năm sau tuyên bố có tính “cầm buộc” đó, nhà văn đã cởi bỏ “lời nguyền” trên, dù hơn hai mươi năm qua, nhiều nhà xuất bản ở Trung Quốc đã liên hệ tác quyền nhưng Márquez đều cương quyết từ chối. Người ta hỏi nhau: điều gì khiến ông già 83 tuổi ấy mềm lòng?

NXB Thinkingdom House có trụ sở tại Bắc Kinh, nơi gần đây đã mua tác quyền cuốn 1Q84 của Haruki Murakami và phát hành thắng lợi ở Trung Quốc đã sẵn sàng chi trả cho tác quyền cuốn Trăm năm cô đơn 1 triệu USD. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, theo Global Times thì năm 2008, Chen Mingjun – tổng biên tập Thinkingdom House đã đích thân gởi một email cho nhà văn với lời lẽ thật hoa mỹ: “Với tất cả nỗ lực, chúng tôi gởi niềm trân trọng đến ngài vượt qua Thái Bình Dương và la lên “chào bậc thầy vĩ đại!” như ngài đã bày tỏ thái độ trước thần tượng của mình – nhà văn Ernest Hemingway trên đường phố Paris. Mong rằng ngài đáp lại bằng cái vẫy tay chào và cất tiếng “hello bạn!” như cách mà Hemingway đã làm!”

Lá thư khá sến đó đã làm xiêu lòng tác giả Trăm năm cô đơn. Sau đó, đại diện tác quyền của Márquez đã đến Trung Quốc thăm dò thị trường và đồng ý tác quyền. Trăm năm cô đơn bản chính thức sẽ ra mắt độc giả Trung Quốc trong mùa hè này.

Vậy Márquez mềm lòng vì giá tác quyền hay vì lá thư ngọt ngào kia? Không ai biết. Nhưng điều mà ai cũng biết, là trong hơn mười năm qua, Trung Quốc nỗ lực chứng minh cho thế giới biết sĩ diện thị trường xuất bản của họ, sau khi gia nhập công ước tác quyền Berne, đã trở nên “đáng tin” hơn. Với Márquez, bỏ qua giả thiết tuổi cao làm cho nhà văn hay quên, thì sự bao dung là một trong những cách hoá giải tốt nhất để giải thích cho việc nhà văn tự gỡ bỏ “lời nguyền” của mình. Với giới làm sách Trung Quốc thì đây là một cơ hội ghi thêm điểm trong chiến lược PR văn hoá xuất bản của quốc gia mình trước thế giới, thay đổi hình ảnh trong mắt giới tác quyền quốc tế.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng, nếu Márquez không đồng ý tác quyền chính thức thì sách của ông cũng đã bị xào nấu gần 30 năm nay trên lãnh thổ rộng lớn có đời sống sách lậu phong phú bậc nhất thế giới này! Vậy thì việc Márquez chấp nhận bán tác quyền cho nhà phát hành Trung Quốc là một hành động cao thượng nên làm, khi sự cương quyết cấm vận cũng không giải quyết được gì!

Tất nhiên, như đã nói, với một người ý thức về uy tín phát ngôn như Márquez, giả thiết về căn bệnh kém trí nhớ do tuổi già cũng có khả năng được đưa ra trong tình huống này.

 Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT







Các bài mới
Các bài đã đăng