Tạp chí Sông Hương -
Chuyện anh hàng xóm to xác xấu tính
15:00 | 10/06/2011
Câu chuyện ba tàu hải giám Trung Quốc "ngang nhiên" cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 vào lúc 5h58' sáng 26/5, khi tàu của chúng ta đang khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam chắc chắn là sự kiện nóng nhất của tháng qua.
Chuyện anh hàng xóm to xác xấu tính

Nóng bởi việc cắt cáp diễn ra trong vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú yên) khoảng 120 hải lý, nghĩa là còn tới 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển Quốc tế 1982 (UNCLOS), Trung Quốc chỉ có quyền qua lại trên vùng biển này, nhưng không có quyền khai thác tài nguyên và không có quyền can thiệp vào việc khai thác tài nguyên của Việt Nam.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần có những hành động "gây hấn" với Việt Nam, như những lần bắt giữ các tàu cá Việt Nam hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng biển đang có tranh chấp. Nhưng đây là lần đầu tiên, Trung Quốc chuyển từ các vùng nước xa bờ đến hành động khiêu khích trong chính vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Hành vi sai trái của Trung Quốc, chỉ có thể dùng từ mà ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN đã mô tả là "ngang ngược"!

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Những mong "sự cố" sẽ được phía Trung Quốc đón nhận và xử lý theo đúng tinh thần hợp tác quốc tế. Vậy mà dư luận lại được một phen ngã ngửa khi bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này ngang nhiên tuyên bố: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc".

Thậm chí, ngày hôm sau, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, bà này lại lớn giọng "Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi và tránh tạo ra những sự cố mới".

Bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc"   -   Ảnh: NHK


Bình luận về tuyên bố của bà Khương Du, các học giả chỉ còn nước lắc đầu: ngang ngược, ngụy biện đến thế là cùng!

Không phải vô cớ mà nhà báo David Piling của tờ Financial Times khi bình về sự kiện này đã gọi Trung Quốc là "anh chàng to xác xấu tính"!

Là một nước lớn, lẽ ra phải làm gương trong việc tuân thủ các quy ước quốc tế, từ Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đến Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002, nhưng Trung Quốc dường như đang cố tình có những hành động đi ngược lại chính những quy ước quốc tế, và "cậy lớn bắt nạt bé" khi nhất định đổ lỗi cho Việt Nam. Sang nhà hàng xóm, phá vườn nhà hàng xóm, khẳng định đó là vườn nhà mình, đổ lỗi cho hàng xóm "xâm phạm chủ quyền", "tạo sự cố". Đặt câu chuyện ở tầm 2 nhà cạnh nhau đã thấy không thể chấp nhận, nữa là ở tầm 2 quốc gia.

Chẳng thế mà thuyền trưởng Alexander Belov (người Nga) của tàu Bình Minh 02 đã phải thốt lên "Tôi chứng kiến điều không tin nổi". Theo ông Belov, người từng làm việc trên vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Iceland, Greenland, Mỹ, Anh, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga, thông thường "những tàu hải giám như tàu Trung Quốc vừa qua phải tìm cách liên lạc với chúng tôi thay vì phá hoại các thiết bị của tàu".

Dư luận quốc tế thì chẳng còn lạ gì cách hành xử tiền hậu bất nhất, nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc.

Bởi chỉ cách đó mấy ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn vừa trấn an các nước châu Á rằng nước này không đe dọa ai, rằng cường quốc đang lên này sẽ kiên trì chiến lược phát triển hòa bình, rằng chính sách an ninh của họ là quả quyết không đối đầu.

Nhưng ngay lúc ông Lương Quang Liệt còn đang ở Manila bắt tay hữu hảo với các nhà lãnh đạo Philippines thì Trung Quốc lại lén cho tàu chiến xâm nhập vùng biển của Philippines.

Hay cái kiểu "lập lờ đánh lận con đen", cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp" cũng không còn gì lạ lẫm. Bởi nói như luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, dù có che đậy dưới những mỹ từ "hợp tác", "hòa bình", "gác tranh chấp, cùng khai thác" thì Trung Quốc cũng không thể giấu diếm tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà" của họ. Nhiều học giả trong nước và quốc tế từng ví von cái đường chữ U mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền giống như cái "lưỡi bò" tham lam đang chực chờ thè lè ra nuốt trọn ¾ diện tích vùng biển trung tâm của các giao thương hàng hải quốc tế này.

Trong khi từ chối đưa ra những giải thích rõ ràng hoặc trưng ra những bằng chứng thuyết phục về mặt pháp lý, lịch sử, lô gic của đường lưỡi bò, vốn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội, Trung Quốc lại âm thầm tiến hành những hoạt động lấn chiếm, khẳng định chủ quyền để tạo "sự đã rồi"

Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc là có chủ ý, có tính toán, mang tính tạo cớ của chính phủ Trung Quốc, nằm trong chuỗi hoạt động thời gian qua nhằm mục đích hiện thức hóa đường "lưỡi bò". Như bài viết của nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhận định "Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26/5 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974".

Chúng ta không phải là nước đầu tiên Trung Quốc áp dụng phép thử liều lĩnh này. Họ đã từng làm như vậy với Philippines và Malaysia. Lúc đó, hai nước này đã cho máy bay ra đuổi tàu Trung Quốc. Về ngoại giao, họ cũng phản ứng quyết liệt trước hành động được xem là đòn "nắn gân" của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.    -     Ảnh: Long Anh


Với Việt Nam lần này, nếu theo dõi phát ngôn từ Bộ Ngoại giao và một loạt bài viết trên nhiều tờ báo của Việt Nam, có thể thấy những phản ứng đã ở cấp độ mạnh mẽ hơn nhiều lần so với trước. Có vẻ như Việt Nam hiểu được rằng: Ta vững thì họ lùi. Ta lùi thì họ tiến thôi. Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc luôn như vậy. Đó là quy luật của quan hệ rồi". (thiếu tướng Lê Văn Cương).

Nghĩa là ta phải tiến, phải dựa vào chính mình, và phải là việc của toàn dân, chứ không thể chỉ là việc của chính phủ, của... Bộ Ngoại giao.

Và như Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh trên Bee:
 "Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân. Nước nào dù có ý đồ không tốt đi nữa cũng phải tôn trọng lẽ phải. Không giấu được. Giấu thì người ta lại tưởng mình sợ. Không sợ thì sẽ  hiểu và hóa giải được mọi vấn đề. Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí"


Theo Khánh Linh - TuanVietNam.net



































 

   












Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ơi! (10/06/2011)
Đảo bão (10/06/2011)