Tạp chí Sông Hương -
Đông Hồ và dòng tranh dân gian nổi tiếng
08:18 | 13/06/2011
Từ lâu, những bức tranh dân gian như Hứng dừa, Đánh ghen, Đấu vật, Lợn nái, Đám cưới chuột, Chăn trâu, Nàng Kiều… đã tôn vinh vùng quê nghèo, làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Người ta lấy tên làng để gọi những bức tranh được nhiều thế hệ nghệ nhân trong làng sáng tạo nên - tranh Đông Hồ.
Đông Hồ và dòng tranh dân gian nổi tiếng
Những bức tranh Đông Hồ bình dị mà độc đáo đã có mặt ở các bảo tàng nghệ thuật của Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản... Vậy nhưng, từ xưa đến nay, người dân Đông Hồ sống đặng là nhờ vào cấy trồng trên đồng ruộng, đất bãi. Người Đông Hồ sản xuất tranh, tức là tạo mẫu tranh và in, rồi đưa tranh ra kinh kỳ, Kẻ chợ bán cũng chỉ thu được những món tiền còm, đủ ăn là tốt. Mỗi thế hệ người làng Hồ chỉ có một số ít người yêu nghề đến mức sống thật tằn tiện để có chút tiền chi vào việc sáng tác bản khắc mới. May thay, nhờ số ít người như vậy mà kho tàng tranh dân gian nước Việt ta có thêm những bức tranh mới như Hát ả đào, Chén thù chén tạc, Lên đồng; hoặc Xe tay, Đầm mặc váy; rồi lại có Học vần, Thi đua sản xuất...

Theo một số thư tịch cổ, Đông Hồ ngày xưa thuộc ấp Kiêu Mại, trấn Kinh Bắc. Tuy nằm trong vùng đất cổ Luy Lâu, nhưng là làng nghèo và rất ít người, chỉ chừng 15 hộ với khoảng 50 suất đinh, thảy đều nhà tranh vách đất. Các cụ cố lão trong làng nôm na gọi quê mình là làng Mái với ý mong có được sự sinh sôi, hưng vượng. Đến giữa thế kỷ XVIII, dân các xứ Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn Nam tới làng Mái, thấy đất bãi rộng, nên chọn làm nơi cư ngụ. Làng đông người lên, nên các cụ ghép chữ Đông vào tên làng, thành làng Đông Mái. Những bản tranh dân gian đầu tiên của làng Đông Mái chắc do những nghệ nhân vô danh vẽ về mong ước sinh sôi, hưng vượng của quê mình, phải chăng đó là
 Con lợn âm dương, là cảnhHứng dừa... Và, từ những tài hoa đầu tiên cùng mong muốn da diết của một vùng quê mà Đông Mái có người thành nghệ nhân làm tranh, rồi làng có nghề tranh truyền đời. Bởi nghề tranh dùng nhiều hồ - keo màu, đồng thời là chất định màu sắc - nên các cụ cố lão lại một lần nữa sửa định tên làng thành Đông Hồ. Tiếng tăm những bức tranh của người Đông Hồ với tài chế bản ngũ sắc cùng những chủ đề dân dã khiến người nhiều xứ xa xôi mộ tiếng.
                         Hát ả đào

Làng Đông Hồ nhiều dòng họ có nghề tranh, nhưng đông nhất là họ Nguyễn Đăng. Theo gia phả họ Nguyễn Đăng thì nghề khắc ván in tranh đã có ngót 20 đời nay, nghĩa là gần 400 năm. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, cho tới đầu thế kỷ XX, Đông Hồ đã có rất nhiều bản khắc in tranh cổ. Rất tiếc, vào năm 1909, một vụ hỏa hoạn đã thiêu trụi một xóm làm tranh lớn, hủy hoại mất một số lớn ván khắc in tranh cổ quý giá. Việc chế tác tranh Đông Hồ, ngoài những kỹ thuật khắc ván và in thường tình, còn một số bí quyết ở các khâu chế màu, đồ màu, hãm màu. Có thể dòng họ này có bí quyết hãm màu vàng thắm và bền, dòng họ khác có bí quyết hãm màu xanh thật tươi và trong. Màu tranh Đông Hồ không phải là các chế phẩm công nghiệp hóa chất hiện đại. Những màu trong và trầm mát của Đông Hồ được chế từ lá chè tươi, rơm nếp, dành dành, son, vẩy gỉ đồng (oxit đồng), lá tre... Nghệ nhân Đông Hồ phải học hỏi rất nhiều mới có được kỹ năng chế màu, ke bản in, chọn điệp, phủ điệp sao tạo được vân sóng đẹp, và nhất là vẽ đẹp, khắc được các bản gỗ theo từng màu trên một bố cục...

Từ xưa, làng tranh Đông Hồ đã có những liên kết công việc với nhiều làng quê khác, như với các làng vùng cửa sông ở Thái Bình, làng biển Quảng Ninh để mua để mua vỏ trai, vỏ sò về nghiền vụn làm chất óng ánh sắc điệp cho nền tranh; với làng Đống Cao ở Bắc Ninh để mua thứ giấy dó seo với kỹ thuật đặc biệt. Làng Bưởi, làng Yên Thái ở Hà Nội thường seo loại giấy dó khổ dài cấp cho Đông Hồ dùng in những bộ tranh tứ bình. Những rơm nếp, dành dành, lá chè... Đông Hồ chuyên mua của các làng lân cận, làm nguyên liệu chế màu...

Tranh Đông Hồ truyền thống được in bằng 5 màu hòa sắc. Vậy nên in tranh trải qua 5 lần chế bản (khắc 5 bản theo bố cục 5 màu). Khi in, dập bản màu nhạt trước, màu đậm sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. Khâu cuối cùng là chấm sửa bức tranh, gọi là đồ màu.

Làng Đông Hồ từng có những năm làm ra hàng triệu bản tranh mới tạm thỏa mãn nhu cầu của người yêu tranh Tết ở các miền trong cả nước. Đó là những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cứ gần Tết, người tứ xứ về Đông Hồ cất tranh, đông vui như đi trẩy hội. Từ miền Trung, những chiếc thuyền Thanh, Nghệ ra tận bến Hồ sông Đuống “ăn tranh”. Cho đến khi thuyền no đầy vài chục kệ tranh mới nhổ neo đi vào miền trong. Ngày nay, về với Đông Hồ mới thấy làng tranh này còn tiềm ẩn rất nhiều ngón nghề sâu sắc, đang chờ cơ hội để phát huy.


Theo Tân An - ĐBND







































Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ơi! (10/06/2011)
Đảo bão (10/06/2011)