[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh trải qua bề dầy truyền thống lịch sử đã bồi lắng cho Phú Thọ các di tích lịch sử, văn hóa, di tích tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống... Đây là kho tàng văn hóa quý giá có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Vì thế Hội di sản văn hóa ra đời là sự cần thiết để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ.
Theo ông Mạc, các hội viên cần tích cực, chủ động nghiên cứu, sưu tầm, đề xuất với hội những giá trị mới, những giải pháp tích cực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của di sản văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Nhiều di sản văn hóa đã trở thành biểu tượng đặc sắc của văn hóa truyền thống trên quê hương Đất tổ như Khu Di tích đặc biệt quốc gia Đền Hùng; Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm; Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ còn 1.372 di tích và các địa điểm liên quan đến di tích, đã xếp hạng 271 di tích, trong đó có 72 di tích cấp quốc gia, 198 di tích cấp tỉnh và một di tích đặc biệt Quốc gia Đền Hùng.
Di sản văn hóa Phú Thọ được phân thành hai loại là Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa vật thể bao gồm các di tích thời tiền sử với tổng số 104 địa điểm của nền văn hóa Sơn Vi; các di tích khảo cổ thời Hùng Vương dựng nước với 30 địa điểm văn hóa Phùng Nguyên; bốn địa điểm di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu; 12 địa điểm di tích thuộc văn hóa Gò Mun; 11 địa điểm di tích thuộc văn hóa Đông Sơn; các di tích tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; di tích cách mạng, kháng chiến; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân khác...
Các di sản văn hóa phi vật thể bao gồm Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, các làn điệu dân ca tiêu biểu như hát Xoan, hát Ghẹo, múa chuông, múa rùa, múa nón, múa sinh tiền, hát ví… các phong tục, tập quán, truyện kể, diễn xướng dân gian và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những giá trị văn hóa trên, ngày 12/5, Trung ương Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã quyết định công nhận Hội Di sản Văn hóa Phú Thọ là thành viên của Hội di sản Văn hóa Việt Nam với 85 hội viên tại thời điểm thành lập.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Hội Di sản văn hóa Phú Thọ tiếp tục xây dựng một số đề tài khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội và nhân văn như: nghiên cứu, biên soạn Địa chí văn hóa tỉnh Phú Thọ; nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Đại hội đã bầu được 11 người vào Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Phú Thọ lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011-2016)./.
Theo Tạ Văn Toàn (TTXVN/Vietnam+)