Tạp chí Sông Hương -
Cuộc đời của Vivaldi lên màn bạc
14:31 | 14/06/2011
Người hâm mộ đã phải chờ đợi nhiều năm để được thấy nhà soạn nhạc thiên tài Antonio Vivaldi, tác giả của Bốn mùa trên màn bạc. Và họ sắp được thỏa lòng khi chỉ trong năm nay thôi, 2 bộ phim về nhà soạn nhạc vĩ đại này sẽ ra mắt công chúng.
Cuộc đời của Vivaldi lên màn bạc

1. Sau gần 5 năm chuẩn bị, hai bộ phim về cuộc đời bí ẩn của nhà soạn nhạc thế kỷ 17 này mới được xúc tiến và dự kiến bấm máy vào tháng 9 tới. Bộ phim thứ nhất kể về Vivaldi với những đứa trẻ mồ côi trong Ospedale della Pieta, một trường âm nhạc dành cho trẻ em nghèo vô thừa nhận. Bộ phim thứ 2 kể về những cuộc chiến tinh thần của ông nhằm giữ được lời thề “độc thân” mỗi khi “đối diện” với tình yêu.

Đây được coi là sự kiện đánh dấu sự trở lại của dòng phim tiểu sử về các nhà soạn nhạc cổ điển, mà điển hình nhất là Amadeus, từng đoạt giải Oscar.

Theo một số nguồn tin, các diễn viên Anh Max Irons, con trai của Jeremy Irons và ngôi sao phim Little Dorrit - Claire Foy đã ký hợp đồng tham gia bộ phim đầu tiên. Bên cạnh đó, phim còn có sự thủ diễn của nam diễn viên gạo cội Gerard Depardieu, Joseph Fiennes và Jacqueline Bisset. Phim sẽ được quay tại Venice (Italia), Đức, Hungary và Bruges. Trong khi đó, ngôi sao phim The Illusionist - Jessica Biel, diễn viên Anh Ben Kingsley và bậc thầy violon Đức David Garrett đã cam kết tham gia bộ phim thứ 2 về Vivaldi.

2. Vivaldi nổi tiếng là người suốt đời phụng sự âm nhạc. Nhưng vài năm trở lại đây, người ta lại bắt đầu quan tâm tới cuộc sống cá nhân “không bình thường” của ông. Vivaldi thích sống yên tĩnh. Ông sống cùng cha mẹ trong suốt 40 năm, dạy violon và chỉ huy dàn đồng ca, dàn nhạc của Ospedale della Pieta. Ông mải mê truyền thụ kiến thức âm nhạc cho những đứa trẻ ở đây mà không nề hà đến thân phận, ngoại hình của chúng. Bởi có đứa trẻ thì hỏng 1 mắt, có đứa mặt mũi bị biến dạng sau khi bị bệnh đậu mùa. Nhưng nhờ có sự chỉ bảo tận tình của ông mà sau này một số em đã trở thành những ca sĩ nổi tiếng. Và cũng nhờ có Vivaldi mà triết gia Jean-Jacques Rousseau đã thay đổi hẳn cách nhìn của mình và trở nên yêu quý những bé gái xấu xí của trường sau khi ông xem các em trình diễn.

Muốn sống cuộc đời yên tĩnh và không ưa “ràng buộc”, nhưng Vivaldi đã có quan hệ lãng mạn với ít nhất 2 phụ nữ. Họ là Paulina Tessiere, trợ lý riêng của ông tại nhà hát Opera Venice và em gái bà là Anna Giro, một trong những học trò của ông. Tuy nhiên, các học giả khẳng định mặc dù các mối quan hệ đó “nức tiếng” ở Venice, song nó không vượt qua được khuôn khổ quan hệ giữa một người thầy tận tình và cô học trò nhiệt thành.

3. Vivaldi vẫn được giới quý tộc đánh giá cao về tài năng, thậm chí ông còn được Hoàng đế Charles 6 và Louis 15 ca ngợi, song trong những năm cuối đời nhà soạn nhạc phải sống trong cảnh gần như không xu dính túi. Vài thập kỷ sau khi ông qua đời vào năm 1741, danh tiếng về tính liêm khiết của Vivaldi không hề giảm nhưng ngược lại di sản âm nhạc của ông lại nhanh chóng bị quên đi.

Mãi đến thế kỷ trước, việc tái phát hiện các nhạc phẩm của ông mới lại rộ lên. Trong những năm 1980, nhạc phẩm của ông mới được phát rộng rãi trên các đài phát thanh và truyền hình. Chưa kể, người ta còn tìm thấy 14 trang nhạc bị thất lạc của ông trong một tu viện ở Piedmont. Thêm nữa, một nhạc phẩm dài bị thất lạc của Vivaldi đã được tìm thấy tại Trung tâm Tư liệu Quốc gia Scotland và năm ngoái nó được Huân tước Robert Kerr đưa về quê hương của Vivaldi. Sự kiện nhạc phẩm này được trình diễn lần đầu tiên trong 250 năm đã trở thành tin “hot” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

                                                                                                  Theo Việt Lâm - TT&VH
















Các bài mới
Các bài đã đăng