Tạp chí Sông Hương -
Nhớ một cây cọ, một nụ cười
09:35 | 22/06/2011
Trong số những họa sĩ biếm của báo chí Việt Nam, nhất là thời kỳ sau đổi mới, gương mặt gây ấn tượng cho tôi hơn cả là họa sĩ Chóe của Báo Lao Động.
Nhớ một cây cọ, một nụ cười
Họa sĩ Chóe.

Chóe là bút danh của ông, tên thật ông là Nguyễn Hải Chí. Ông sinh năm 1944 tại An Giang. Họa sĩ Chóe là một tài năng lớn không chỉ ở VN mà cả vùng Đông Nam Á. Trong thời kỳ chiến tranh, Tạp chí TIME nổi tiếng của Mỹ đã từng đăng tranh của ông.

Tài năng và bản tính bộc trực của ông cũng gây cho ông không ít khó khăn. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã bắt bỏ tù ông vì những bức tranh phản chiến. Rồi sau ngày giải phóng ông cũng ít được thông cảm, ông bỏ vẽ một giai đoạn.

Cuối những năm 80 thế kỷ trước ông lại xuất hiện rồi thành họa sĩ biếm chính thức của Báo Lao Động. Ông đã tạo thêm sức nặng cho tờ báo ngay những ngày đầu cải tiến từ khuôn khổ cho đến nội dung. Và ông ở với Lao Động cho đến ngày cuối của đời mình.

Vốn là người mê vẽ, tự học, thời trai trẻ, từ năm 1965 ông đã vẽ cho các báo ở Sài Gòn, và lạ thay, từ ngày đó ông đã có một bút pháp riêng, khác hẳn các đồng nghiệp. Lối vẽ của ông phần nào ảnh hưởng khuynh hướng khôi hài phương tây, luôn tìm ra những chi tiết nổi bật để diễn tả nhân vật. Đặc biệt nhất là những bức chân dung. Các Tổng thống Mỹ bị ông diễu cợt trên mặt báo là những bức xuất sắc thời đó.

Tôi may mắn được quen biết ông trong một chiều mưa cuối năm 1994 tại trụ sở Báo Lao Động, văn phòng phía Nam TP.HCM. Ngày đó, tôi mới là cộng tác viên của Lao Động. Lần đầu gặp tôi mà như thể đã quen biết từ lâu lắm. Ông cười sảng khoái rồi khen những minh họa chuyện ngắn của tôi. Ông lại bảo: “Nếu rảnh thì nên vẽ biếm đi, sẽ vui đời lắm đấy. Tiếng cười sẽ xóa đi mọi nhọc nhằn!”.

Tranh biếm của họa sĩ Chóe.


Một lời giản dị thế thôi mà sao lại bao hàm một ý nghĩa thật lớn cho cuộc đời này. Trong câu chuyện của ông luôn xen lẫn tiếng cười. Buổi đó tôi được xem một số lượng tranh biếm “khổng lồ” của ông mà ông còn lưu giữ được, kể cả những bức ông đang vẽ, mới thấy sức làm việc của ông thật đáng kinh ngạc.

Nhưng ngạc nhiên lớn là cách nhìn tinh tế sâu sắc, kể cả sự cay đắng trước những sự việc, sự kiện để ông đưa vào tranh, để làm đề tài cho ông. Tùy từng nội dung, có những bức ông vẽ rất kỹ, lại có bức thật đơn giản tưởng chừng như ý tưởng sáng tạo của ông là vô tận, hầu như trong hàng trăm bức không có bức nào giống bức nào.

Cho đến tận hôm nay, dù là ông đã về trời ngót dăm năm, nhưng tiếng cười của ông vẫn đó, những bức biếm họa của ông vẫn đó. Đối với tôi, ông vẫn là họa sĩ biếm số một của Việt Nam.

                                                                                           Theo Trịnh Tú - Dân Việt











Các bài mới
Các bài đã đăng