Đồng chí Trương Tấn Sang trao giải A cho nhóm tác giả Báo Lao Động: Ngô Mai Phong, Tống Văn Thanh, Lê Quỳnh Trang, Trần Ngọc Duy (từ trái qua). Ảnh: GIANG HUY
|
Với 1.321 tác phẩm tham dự 8 loạt giải (tăng 30% so với năm trước), giải báo chí quốc gia năm nay có số lượng đơn vị báo chí tham dự giải nhiều nhất, số tác phẩm của cộng tác viên nhiều nhất, số lượng tác phẩm ảnh báo chí cũng cao nhất.
Quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Nếu như những năm trước, số lượng tác phẩm dự giải chưa bao giờ vượt quá con số 1.000 thì năm nay, đã có 1.321 tác phẩm tham gia đến từ 125 đơn vị báo chí trong cả nước, lớn nhất qua 5 lần tổ chức.
Từ những tác phẩm trên, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 161 tác phẩm vào chung khảo thuộc 8 loại giải, để từ đó trao giải cho 128 tác phẩm đoạt giải với 2 giải A là loạt bài “Vụ tổ chức cướp than động trời tại Quảng Ninh” (nhóm tác giả Báo Lao Động) và loạt bài “Lý Sơn - bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” (của tác giả Nguyễn Đăng Lâm, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ngãi), 24 giải B, 43 giải C và 59 giải khuyến khích – đây là những bài báo xuất sắc nhất, có chất lượng tốt, hình thức thể hiện phong phú, có tính phát hiện và phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, được độc giả quan tâm, xã hội đánh giá cao.
Đặc biệt, theo Ban tổ chức cuộc thi, đây là lần đầu tiên giải báo chí quốc gia mở rộng thể lệ nhận tác phẩm dự thi các tác phẩm về ảnh, các tác giả có thể tự tuyển chọn các tác phẩm ảnh, phóng sự ảnh để lấy xác nhận tại cơ sở và gửi đến ban tổ chức, chính vì vậy mà năm nay đã có 27 cá nhân gửi tác phẩm ảnh báo chí dự giải.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh: Các tác phẩm dự giải năm nay đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của các ngành, của địa phương, đơn vị; nhiều tác phẩm đã phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá đất nước ta.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng chỉ ra: “Tuy năm nay chưa có tác phẩm thật sự nổi trội, tạo tiếng vang lớn trong xã hội, làm lay động lòng người, chưa phản ánh đầy đủ diện mạo của nền báo chí nước nhà trong năm 2010, nhưng các tác phẩm đoạt giải, nhất là giải A thật là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện trong nội dung và sự tìm tòi về phương cách thể hiện”.
Đề cao tính chiến đấu trong tác phẩm báo chí
Là đề tài “nóng” tại thời điểm hiện nay nên vấn đề biển đảo tổ quốc luôn là đề tài hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà báo bởi đây là vấn đề tự tôn dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước nhiệt thành được thể hiện bằng những bài viết sinh động, đầy sức thuyết phục, nhưng không kém đi tính chiến đấu – loạt bài “Lý Sơn - bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” (của tác giả Nguyễn Đăng Lâm, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ngãi) là minh chứng hùng hồn cho chân lý ấy.
Còn đối với nhà báo Ngô Mai Phong và nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải A với loạt bài gây chấn động “Vụ tổ chức cướp than động trời tại Quảng Ninh”, làm báo “giống như người đi săn, có thể gặp thỏ hoặc cũng có thể gặp sói. Nhưng điều quan trọng là vào thời khắc quyết định, anh hành xử như thế nào”. Tuy nhiên, dù gặp “sói” hay “thỏ” thì những người làm báo không bao giờ bỏ cuộc, phải biết tiến lên để chiến đấu tới cùng vì lẽ phải, để đem đến bạn đọc những thông tin chân thực nhất, mang đậm tính thời sự.
Để viết được loạt bài trên, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã không quản nguy hiểm, khó khăn để đem tới cho người đọc toàn cảnh về những vụ cướp than kinh hoàng ngay giữa Quảng Ninh...
Ngoài giải A, Báo Lao Động còn giành được 1 giải C cho loạt bài “Trùng tu và tôn tạo thành nhà Mạc” (Đỗ Doãn Hoàng); 3 giải khuyến khích cho loạt bài “Vượt muôn ngàn sóng dữ” (Xuân Quang), loạt bài “Về sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận người trẻ hôm nay” (Lâm Chí Công) và oạt bài “Toàn cảnh Vinashin” (Nguyễn Văn Sinh).
Đồng chí Trương Tấn Sang: Báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh
Phát biểu tại lễ tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải Báo chí quốc gia năm 2010, đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, được Đảng, nhân dân nuôi dưỡng đã không ngừng phát triển; xứng đáng là vũ khí tuyên truyền sắc bén của Đảng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước Việt Nam đi lên CNXH. Chưa bao giờ đội ngũ báo chí phát triển và lớn mạnh hùng hậu như lúc này.
Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến...; phê phán những sai trái, những việc làm không có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam...
Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải tích cực học tập nghiệp vụ, trau dồi đạo đức cách mạng, gần gũi với nhân dân để có ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. X.H
|
Theo Phi Long - LĐO
|