Tạp chí Sông Hương -
Đã có gì mà…liên hoan?
15:03 | 23/06/2011
Thông tin về Liên hoan Phim (LHP) Cổ trang lần đầu tiên dự kiến tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2012 khiến giới điện ảnh… giật mình. Mọi người ngơ ngác: “Chỉ với vài bộ phim cổ trang đã làm, chất lượng bị khán giả chê tơi bời. Vì vậy, tổ chức LHP cho thể loại này là tôn vinh thể loại kém nhất của điện ảnh Việt”.

Từng đeo đuổi dự án làm phim lịch sử cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long và đã về đích với bộ phim hoạt hình Chuyện về người con của rồng được tôn vinh tại giải Cánh diều vàng 2010 dịp đầu năm, vậy mà khi nói đến LHP Cổ trang, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, giãy nảy: “LHP Cổ trang là liên hoan cái gì? Gom các phim lịch sử - cổ trang làm thành một liên hoan ư? Từ trước đến nay Việt Nam làm được mấy phim loại này thì mọi người đều đã xem và đã biết cả rồi. Chưa cái nào thuyết phục được khán giả. Cái nào cũng có điều này, điều kia cần góp ý…”.

Để nói về sở trường, sở đoản của điện ảnh Việt, chính giới làm nghề đã thừa nhận phim lịch sử - cổ trang là thể loại yếu nhất của điện ảnh Việt. Trải qua gần 60 năm trưởng thành, phát triển, cho đến giờ điện ảnh Việt vẫn chưa có được nền tảng cơ bản nhất cho việc làm phim lịch sử - cổ trang. Dễ dàng nhận ra chúng ta chưa có hệ thống tư liệu lịch sử của từng thời kỳ; các nghiên cứu về trang phục, đạo cụ, kiến trúc của các giai đoạn lịch sử; không có trường quay; kỹ xảo yếu, công nghệ làm phim chưa đồng bộ; đội ngũ diễn viên phần lớn được đào tạo diễn sân khấu lại bị cơn lốc làm phim truyền hình kéo sang, nhiều người diễn xuất bị mài mòn khi chưa định hình được phong cách…
 
 Bên cạnh đó, kinh phí hạn chế cũng là một lý do quan trọng khiến thể loại phim này bị liệt vào hàng “xa xỉ” mà không chỉ giới làm phim mà cả các cấp thẩm định, duyệt kịch bản, duyệt phim cũng… né cho tới dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Vì chưa có thành tựu, chưa có những chuẩn bị về tiền đề nên hầu hết các dự án phim được sản xuất cập rập trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả phim làm bằng tiền của Nhà nước lẫn phim do tư nhân huy động kinh phí đều chưa làm hài lòng khán giả. Không tính bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bị coi là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” và phim Thái sư Trần Thủ Độ chưa công chiếu nhưng chắc chắn khó thuần Việt vì nhiều bối cảnh được quay tại Trung Quốc, còn lại các phim quay tại Việt Nam như: Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long và Huyền sử thiên đô cũng có quá nhiều điều gây tranh cãi và chất lượng cũng chỉ ở mức trung bình kém.

Từ sự yếu kém của thể loại phim này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã- một thời tham gia biên tập kịch bản phim truyện lịch sử Thái tổ Lý Công Uẩn - quả quyết: “LHP Cổ trang lúc này là quá vội vã và chưa đủ căn cứ để xem xét độ thành công của các tác phẩm. Ngay các tình huống trong các phim còn gây tranh cãi về tính lịch sử lẫn nghệ thuật. Nghiêm túc mà nói thì chưa có tiêu chí, chưa có ngôn ngữ chung, lấy gì mà chấm giải?”.

                                                                                                Theo Hải Phương - NLĐO













Các bài mới
Các bài đã đăng