20 cái tên “nội” đáng giá
Nhắc đến sách do các tác giả trong nước viết, mà nổi trội nhất là sách văn chương, không thể không nhắc đến tên các nhà văn thường xuyên xuất hiện trong các năm gần đây. Danh sách các nhà văn này không dài nếu tính tần suất đều đặn tung ra tác phẩm mới của họ, như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Đình Tú, Di Li, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Mạc Can, Bùi Chí Vinh, Dương Bình Nguyên...
Hiện, chưa có con số thống kê đầy đủ từ một cơ quan nghiên cứu cụ thể, nhưng với những người yêu văn chương Việt thì các nhà văn có khả năng viết mỗi năm một cuốn sách chỉ khoảng trên dưới 20 người. Tất nhiên là những nhà văn như thế viết sách để bán, được NXB hoặc phát hành đặt hàng chứ không tính đến những tác giả chỉ viết sách để tự bỏ tiền túi ra in rồi đem tặng.
Nói thế để thấy sách văn chương do tác giả người Việt viết có lượng đọc giả ổn định không nhiều. Trong số ít các nhà văn có đọc giả, không phải tác giả nào cũng trở thành hiện tượng best-seller, được in một tác phẩm đến hàng chục ngàn bản. Đến nay, ngoại trừ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được phong độ của mình, thì các nhà văn khác dường như chỉ best-seller đôi lần. Chẳng hạn Nguyễn Ngọc Tư chỉ có Cánh đồng bất tận, Mạc Can có Tấm ván phóng dao... là tái bản nhiều lần, các tác phẩm còn lại được tái bản đã là vui rồi.
Do sách của tác giả trong nước không nhiều nên thị trường cần bổ sung sách dịch là điều tất yếu. Nhiều người cho rằng cũng vì tâm lý “chuộng ngoại” nên sách dịch mới tung hoành trong các nhà sách. Điều này phản ánh quy luật tự nhiên của thị trường, song cũng xin nói rằng là sách Việt hay văn chương Việt trong thời gian qua khá nhàm chán với người đọc. Nhàm bởi nhiều lý do, trong đó có lý do các tác giả toàn là những gương mặt cũ. Hẳn nhiên, nhà văn “cũ” vẫn có thể viết được nhiều điều mới lạ, nhưng để lạ hơn với chính mình lại được độc giả chấp nhận thật không dễ dàng gì. Nhiều nhà văn còn sợ làm mới mình thì sẽ mất đi người đọc trung thành nên cứ viết hoài một kiểu. Điều này khiến các cây bút cứ lặp đi lặp lại - kiểu như xem ca nhạc chỉ thấy hoài mấy cô ca sĩ này và nghe hoài những bài hát cũ rích này - thành ra nhàm chán buộc người đọc hướng ngoại.
Trọng người viết để nuôi bản thảo
Trong rất nhiều tác phẩm văn chương ngoại nhập, không phải cuốn sách nào cũng hay, sạch với “gu đọc” và văn hóa người Việt, không phải cuốn sách ngoại nào cũng bán đắt như các loại hàng hóa mang mác ngoại khác. Kèm theo hiện nay, chuyện tác quyền không còn “cho không biếu không” nữa, từ giao dịch mua tác quyền đến khi sách ra thành phẩm chi phí khá tốn kém, nên các nhà làm sách quyết định hướng nội chăng?
Mới đây, Công ty sách Đinh Tỵ chuyên làm sách thiếu nhi đã từ Hà Nội vào TP.HCM gặp gỡ một số nhà văn để đặt hàng bản thảo. Đinh Tỵ nói thẳng là sẵn sàng ứng trước 50% nhuận bút cho các nhà văn đăng ký đề tài. Khi sách phát hành sẽ tổ chức một buổi ra mắt miễn phí và trả nốt phần nhuận bút còn lại. Hành động này của Đinh Tỵ nếu được nhiều nhà văn nghe thấy hẳn rất sướng “cái lỗ tai”.
Tuy nhiên nhiều năm nay, NXB Kim Đồng đã làm công việc này rồi. NXB này đã nuôi nguồn bản thảo từ khi tác giả còn là một cây bút ít tên tuổi, thậm chí vô danh. Tủ sách Tuổi mới lớn của Kim Đồng đến nay đã in được khoảng 300 tập truyện ngắn của chừng ấy tác giả. Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh Kim Đồng tại TP.HCM cho biết: “Có đến hàng trăm cuốn trong Tủ sách Tuổi mới lớn là tác phẩm đầu tay của những cây bút học trò. Một số tên tuổi trong số đó đang dần trở nên quen thuộc với độc giả văn chương: Hoàng Anh Tú, Minh Nhật, Phương Trinh, Nguyễn Thiên Ngân, Chu Thanh Hương...”. Nếu trong các tác giả được NXB Kim Đồng “nâng đỡ” từ thuở “tuổi mới lớn” trở thành nhà văn có độc giả riêng, xét theo tâm lý người Việt sống “có trước có sau”, thì họ có quên Kim Đồng khi có bản thảo tâm đắc không?
NXB Văn hóa Văn nghệ cũng vừa ấn hành Tủ sách 8X với 5 tác giả trẻ: Trần Minh Hợp (Cô gái bán ô màu đỏ), Vũ Thị Huyền Trang (Giặc bên Ngô), Bích Khoa (Hãy hit restar!), Yến Linh (Một phẩy sáu nhân hai), Lê Minh Nhựt(Những đám mây bốc cháy). Trong 5 tác giả này, ngoại trừ Yến Linh đã từng xuất bản tác phẩm riêng thì 4 người còn lại đều được in tác phẩm đầu tay. Nói thế không phải tất cả đều là “lính mới”, hầu hết họ đều được biết đến qua các cuộc thi văn chương. Từ Tủ sách 8X, NXB Văn hóa Văn nghệ đang tiếp tục “săn tìm” và đón mời các sáng tác mới của nhà văn trẻ.
Nuôi bản thảo qua các cuộc thi
Ngoại trừ các cuộc thi văn chương trên các phương tiện truyền thông, hầu như các đơn vị làm sách nào tổ chức cuộc thi cũng nhắm đến việc nuôi bản thảo cho mình. Điều này thấy rõ ở Cuộc thi Văn học tuổi hai mươi hay Văn học thiếu nhi - Vì tương lai đất nước của NXB Trẻ. Trong Văn học tuổi hai mươi đã phát hiện ra nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và dường như từ sau ngày đoạt giải Nhất cuộc thi này, những bản thảo tốt nhất của Nguyễn Ngọc Tư đều in NXB Trẻ. Với Văn học thiếu nhi - Vì tương lai đất nước vinh danh Nguyễn Ngọc Thuần, thì các tác phẩm sau này của Thuần “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đều đến với NXB Trẻ.Việc một nhà văn suốt đời gắn bó với một đơn vị làm sách không phải là chuyện lạ. Nhưng tại sao họ chỉ trung thành với “một nhà”, đây là câu hỏi đang có lời giải từ nhiều đơn vị xuất bản: Đơn giản vì nhà văn được trân trọng, tìm thấy ở đơn vị làm sách nhiều tình cảm.
Tuy vậy, không phải cuộc thi nào cũng “sống lâu” để xây dựng được mối quan hệ bền vững giữa nhà văn và đơn vị làm sách. Chẳng hạn như cuộc thi tiểu thuyết Bách Việt do Công ty sách Bách Việt cũng tổ chức với một giải duy nhất trị giá 40 triệu đồng ra đời vào ngày 1/1/2009. Nhưng thời hạn phát giải như lộ trình do công ty này đưa ra (dự kiến ngày 1/3/2010) đã qua nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Hỏi nhà văn Tiến Đạt - có tiểu thuyết Thể xác lưu lạc đầu tiên lọt vào vòng chung khảo cuộc thi này, anh nói đã mất hứng với giải thưởng Bách Việt nên không biết khi nào trao giải.
Theo Thanh Kiều - TT&VH
|