Chịu “chơi” nhưng chưa chịu “lo”!
Việc đầu tư một lúc gần 50 tỷ đồng nhạc cụ cho dàn nhạc giao hưởng chứng tỏ sự nghiêm túc và nỗ lực của Thành ủy và UBND TP.HCM đối với nhạc hàn lâm. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư ấy vẫn chưa đồng bộ vì phần lớn giá trị của các nhạc cụ này vẫn phải “ngủ” trong phòng “chăm sóc đặc biệt”!
Theo NSƯT Trần Vương Thạch- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO) cho biết: Hiện tại, ngoài các nhạc cụ nhỏ được mang ra sử dụng, một cây đàn piano Steinway được đặt ở Nhà hát TP thì còn 2 cây trị giá trên 200 ngàn USD/cây vẫn đang phải bảo quản tại Rạp Thanh Vân. Lí do muôn thuở vẫn là không có một nhà hát chuyên biệt để sử dụng các loại nhạc cụ này.
Theo ông Thạch thì để toàn bộ số nhạc cụ này phát huy tác dụng phải có một sân khấu thiết kế riêng biệt, có thang máy di chuyển số nhạc cụ này chứ không thể đơn thuần bưng bê được. Những loại nhạc cụ lớn như cây piano hiệu Bosrndorfer và Steinway nếu không cẩn thận trong lúc di chuyển sẽ dễ bị hư hại.
Đây là nguyên nhân chính mà sau hơn 2 năm nhập về, số nhạc cụ này vẫn không thể trình làng. Một năm trước, chúng tôi đã đến phòng bảo quản toàn bộ số nhạc cụ tiền tỷ tại Rạp Thanh Vân. Cho đến nay thì số nhạc cụ ấy vẫn đang ở chế độ bảo quản đặc biệt. Thậm chí, phải “nhập” luôn cả kĩ thuật viên nước ngoài về để “chăm sóc”.
Đây là một trong những bất cập chung trong vấn đề “nhà ở” cho các loại hình nghệ thuật của TP nói chung và Nhà hát Giao hưởng nói riêng. Trong lúc những ngôi nhà còn “nằm” trên giấy thì những nhạc cụ trị giá hàng tỷ đồng vẫn phải chịu nằm “kho”, ít có cơ hội tiếp xúc với khán giả.
Dự án… vẫn là dự án!
Chủ trương thực hiện xây dựng HSBO đã có từ năm 1999. Đến nay đã hơn 10 năm, địa điểm thì liên tục thay đổi, những người làm nghề chỉ biết chờ đợi. Mỗi năm đều có những “hứa hẹn” sẽ nhanh chóng triển khai nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn ở đâu đâu.
Đại diện Sở VHTTDL TP.HCM cho biết: trong 3 vị trí lựa chọn (Công viên 23.9, số 23 Lê Duẩn, khu đô thị mới Thủ Thiêm), Hội đồng thống nhất lựa chọn xây dựng HSBO tại công viên 23.9 thay vì khu đô thị Thủ Thiêm vì việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Thủ Thiêm cần thời gian dài mới hoàn thành.
Tuy nhiên, tại vị trí trên có ảnh hưởng đến dự án xây dựng ga trung tâm Metro tại khu vực Chợ Bến Thành và khu vực trên có nhược điểm là cảnh quan xung quanh công trình chưa phù hợp (!?). Và theo Thông báo 870/ TB-VP của UBND TP.HCM đã chỉ đạo bố trí HSBO trong tổ hợp văn hóa 10 ha tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
Hơn 10 năm qua, dự án bị kéo dài do thay đổi nhiều lần vị trí xây dựng. Dự kiến trong năm 2011 sau khi đề án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại khu Thủ Thiêm được phê duyệt và xác định vị trí, diện tích chính xác của Nhà hát thì sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc… Cũng giống như các dự án Nhà hát cải lương, nhà xiếc… phần lớn vẫn còn đang chờ, chưa biết đến bao giờ (?)
Nhân lực đã có, nhạc cụ hiện đại vào loại bậc nhất cũng đã nhập về nhưng một “ngôi nhà”, không gian xứng tầm với số tiền hàng mấy chục tỷ đồng thì lại chưa thể có được. Cho nên số nhạc cụ đắt tiền ấy không có cơ hội phát huy hết “sức mạnh” và khán giả chưa thể “thỏa nhãn, mãn nhĩ” với số tiền tỷ mà TP.HCM đã chịu đầu tư.
Đây là điều mong mỏi của không chỉ HSBO mà rất nhiều các loại hình nghệ thuật khác của TP cũng đang trong tình trạng “mỏi mòn” chờ đợi. Các dự án thì vẫn cứ là dự án, nhạc cụ sắm về phải mướn chuyên gia nước ngoài chăm sóc hằng ngày.
Trong khi đó, một nhạc sĩ cho biết, các nhạc cụ đã sử dụng nếu không được dùng thường xuyên sẽ rất dễ bị “tịt”, âm thanh sẽ không tốt nữa…
Dàn nhạc HSBO mỗi tháng cũng chỉ biểu diễn định kì 2 lần, chương trình Giai điệu mùa thu thì tổ chức 1 lần/ năm. Tháng 11 tới, dàn nhạc HSBO sẽ kết hợp với các nghệ sĩ Na Uy lần đầu tiên biểu diễn một đêm nhạc kịch quy mô. Có lẽ đây sẽ là lần đầu tiên, sau 2 năm nhập về, số nhạc cụ tiền tỷ này mới được dịp “xuất đầu, lộ diện”.
Bỏ ra gần 50 tỷ đồng đầu tư cho dàn nhạc giao hưởng của TP sẽ rất xứng tầm nếu số nhạc cụ ấy được đặt trong một ngôi nhà đủ “sang” để cất tiếng vang, không còn phải “trùm mền” trong phòng lạnh như hiện nay.
Theo Hà Trần - VH
|