Tạp chí Sông Hương -
Người trẻ viết về lịch sử
14:53 | 04/07/2011
Hiện nay có bao nhiêu nhà văn trẻ viết về đề tài lịch sử, chắc chắn con số không nhiều so với các mảng đề tài khác, có thể kể những cái tên sau đây: Nguyễn Thị Diệp Mai, Lưu Sơn Minh, Trần Thu Hằng, Nguyễn Anh Vũ, Uông Triều, Vũ Trường Giang… những cây bút kể trên đã và đang viết lịch sử nhưng họ cũng chưa có những thành tựu lớn. Và vì sao có ít tác giả trẻ chọn đề tài lịch sử làm chủ đề sáng tác, theo tôi có mấy vấn đề mấu chốt như sau.
Người trẻ viết về lịch sử
Trần Thu Hằng với tiểu thuyết "Đàn đáy" - Ảnh: Internet
1.Thứ nhất mảng đề tài lịch sử không còn hấp dẫn so với mảng đề tài xã hội và các đề tài ăn khách khác, nhà văn viết về đề tài lịch sử khó nổi tiếng trong khi đó người trẻ thường mang niềm nôn nóng đáng yêu, ai cũng muốn nhanh chóng muốn nhiều người biết đến tên mình.

2. Đề tài lịch sử là đề tài khó, muốn viết được cần nhiều công tìm hiểu tư liệu, nghiên cứu. Viết cho đúng giọng điệu, bối cảnh lịch sử và truyền đạt những thông điệp lịch sử cũng là một việc làm khó.

3. Nguyên nhân thứ ba đáng buồn nhất, có vẻ như các nhà văn trẻ và cả người đọc hiện nay không còn mấy thiết tha với lịch sử, họ quan tâm nhiều tới những đề tài đương đại bỏng giẫy hơn, lịch sử giống như một món ăn cũ kĩ với không ít người.

Liệt kê những nguyên nhân kẻ trên để thấy rằng những cây bút trẻ viết về lịch sử còn ít và các nhà văn mặc áo lính viết về lịch sử thì càng hiếm hoi

Cách đây không lâu trên báo Văn nghệ Trẻ có đăng bài viết của tác giả Thu An có tiêu đề Tiểu thuyết lịch sử: không phải cuộc chơi của người trẻ. Tác giả Thu An cho rằng viết tiểu thuyết lịch sử cần một sự nghiêm cẩn, công phu mà các tác giả trẻ chưa thể với tới được. Một sân chơi có vẻ còn quá xa vời với lớp trẻ. Điều này có phần nào đúng vì sự công phu, từng trải của người trẻ chưa nhiều, nhưng không có nghĩa là họ không với tới được.

Ngay khi báo ra, tác giả Thành Nam đã có bài phản bác quan điểm này, anh cho rằng đó là thứ phê bình “xoa đầu hay đánh đồng với đám đông” và vì ít đọc nên cứ phán bừa. Tác giả trẻ viết về lịch sử không nhiều nhưng không phải không có. Xin được dẫn ra những cái tên đã được nhắc tới: Lưu Sơn Minh có tiểu thuyết Trần Quốc Toản viết về người anh hùng thiếu niên cùng tên, Nguyễn Thị Diệp Mai có Hoa Trân của dòng họ, Đường về Hà Tiên viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những nhân vật lịch sử như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Trần Thu Hằng với Đàn đáy viết về thời kì lịch sử Lê - Trịnh và ở thể loại truyện ngắn có thể kể các tác phẩm của Nguyễn Anh Vũ, Uông Triều, Vũ Trường Giang, Hoàng Tùng...

       Tiểu thuyết Hoa Trân của dòng họ của Nguyễn Thị Diệp Mai

Vấn đề ở đây là cần có cái nhìn khách quan với người trẻ, người trẻ không có nghĩa là kiến thức còn trẻ, còn mỏng, là không thể với tới những ranh giới, địa hạt ngầm hiểu là chỉ dành cho những… người già. Điều quan trọng là say mê và viết cho thật hay. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng trong một tương lai gần, lịch sử vẫn không phải đề tài được giới trẻ quan tâm nhiều và một điều cần trao đổi thêm đó là: quan điểm của người trẻ khi viết về lịch sử.

Quan điểm của tôi (Uông Triều) là lịch sử cần được viết trên một hồn cốt mới, tươi trẻ hơn, nhìn nhận soi chiếu theo quan điểm hiện đại, khoa học. Ngôn ngữ cũng mới mẻ, không quá lệ cổ, nhìn lịch sử theo quan điểm khách quan, tôn trọng những điều cốt yếu của lịch sử chứ không quá lệ thuộc vào những đường mòn sẵn có. Tôi đề cao sự sáng tạo, hư cấu của nhà văn dựa trên nền tảng lịch sử. Sắp tới tôi sẽ xuất bản tiểu thuyết đầu tay Hoang Tàn, trong cuốn tiểu thuyết có chứa đựng những yếu tố lịch sử được soi chiếu qua lăng kính khác nhau. Tôi cũng dự định sẽ viết một tiểu thuyết khác, trong đó các biến cố lịch sử được vận dụng vào các vấn đề hiện tại với góc nhìn hiện đại là nòng cốt chính của tiểu thuyết.

Tác giả trẻ Vũ Trường Giang thì cho rằng viết về lịch sử là một nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách. Nhà văn trước hết phải là một người đam mê lịch sử, coi lịch sử là đối tượng khổng lồ, đầy mạo hiểm và huyền bí để khai thác. Lịch sử là quá khứ của dân tộc, viết thế nào cho hay, ấn tượng, đặc biệt là việc tái hiện và giải mã những vấn đề lịch sử. Ở đây đồng thời cũng là một hình thức làm tốt nhiệm vụ giáo dục về kiến thức lịch sử dưới một dạng văn bản "dễ tiêu hóa" thay vì bắt độc giả phải ôm những công trình sử học khô khan.

Một khó khăn với người trẻ là viết về cổ sử đã khó, viết về chiến tranh cách mạng càng khó hơn. Cái khó thứ nhất là những người trẻ chưa được trải nghiệm qua chiến tranh, họ không có kinh nghiệm và “cảm giác chiến tranh” - một thứ rất quan trọng để “phiêu” đến cùng trong những sáng tác của mình. Thứ nữa, các nhà văn thành danh trong hai cuộc chiến vừa qua vẫn đang rất sung sức và tác phẩm của họ là những tượng đài sừng sững khó vượt qua được. Tôi nghĩ rằng cần có độ lùi mười, hai mươi năm nữa thì mới có những tác phẩm tương đối lớn của các thế hệ nhà văn kể từ 7X trở đi viết về chiến tranh cách mạng. Nhưng chúng ta cũng không quá thất vọng để chờ đợi, chỉ tính riêng trong Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008 - 2009 đã có tác trẻ viết về chiến tranh cách mạng, người lính thời bình, được đánh giá là tương đối thành công như Nguyễn Phú với Đồi lau sau hoa tím, Nguyễn Anh Vũ với Ngủ giữa hoa sen, Thụy Anh với Nắng chiều, Phong Hân với Lá che phận người, Uông Triều với Đôi mắt Đông Hoàng, Thiên Di với Những đứa con của mẹ…Tất nhiên những tác giả trẻ kể trên viết về chiến tranh với một cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp, liên tưởng hoặc hồi ức…

Viết về lịch sử và chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là biển lớn và thử thách với những cây bút trẻ, đặc biệt là với những nhà văn mặc áo lính. Trong ý thức mỗi nhà văn trẻ viết về lịch sử, có lẽ cần một đam mê quyết liệt và táo bạo hơn nữa. Một đề tài lớn, xứng đáng được sự quan tâm hơn nữa của những người viết trẻ. Viết về lịch sử là viết về hồn cốt dân tộc, để soi rọi cho hiện tại và tương lai, những người trẻ đang xây dựng nền tảng cho bệ đỡ của mình. Tôi kêu gọi sự đam mê hơn nữa, dấn thân hơn nữa của các tác giả trẻ viết về lịch sử, về chiến tranh cách mạng, đặc biệt là những nhà văn mặc áo lính hôm nay. Cũng mong rằng qua diễn đàn này sẽ xới xáo được đôi điều và hi vọng trong những năm tới, đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng vẫn là một trong những đề tài chủ lực của văn học Việt Nam và sự đóng góp của người trẻ sẽ được ghi nhận với những thành quả tương xứng. Cho dù chỉ một thiểu số đi trên con đường gập ghềnh, thì con đường ấy vẫn đầy những miền đam mê sáng tạo, điều ấy có đúng với những người trẻ viết về lịch sử chăng?

Theo Uông Triều (Tham luận tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ 1)









































Các bài mới
Các bài đã đăng