Tạp chí Sông Hương -
Cuộc đời Anh hùng N'trang Lơng được dựng thành phim
09:11 | 05/07/2011
Sau khi di tích anh hùng N'trang Lơng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đồng ý cho trùng tu và UBND tỉnh Đắk Nông thành lập Ban vận động xây dựng tượng đài người Anh hùng dân tộc M'Nông N'trang Lơng, Đài phát thanh truyền hình Đắk Nông đã hợp tác với NSƯT, đạo diễn Lê Cung Bắc và nhà biên kịch Nguyễn Thị Bích Thủy (Hãng phim Giải phóng) để thực hiện bộ phim về người anh hùng N'trang Lơng.
Cuộc đời Anh hùng N'trang Lơng được dựng thành phim
Một mô hình tượng đài Anh hùng N'trang Lơng

Từ những năm đầu thế kỷ 20, N'trang Lơng đã được nhân dân Tây Nguyên suy tôn là Anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những công việc như trùng tu lại di tích, xây dựng tượng đài và làm phim về người Anh hùng của dân tộc M'nông này là sự tri ân, uống nước nhớ nguồn theo đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Bộ phim về anh hùng N'trang Lơng do Nguyễn Thị Bích Thủy viết kịch bản dự kiến có thời lượng 90 phút, (2 tập) xoay quanh cuộc nổi dậy chống lại sự thâm nhập của người Pháp lên cao nguyên của các bộ lạc M'nông, S'tiêng, Mạ... do N'Trang Lơng lãnh đạo kéo dài 23 năm (1912-1935) - một bản anh hùng ca bất khuất của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên. Phim đang được bấm máy tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) - quê hương N'trang Lơng.

N'trang Lơng sinh năm 1870, tại bon Bu Par (Pu Pơ) thuộc khu vực suối Đắk Dưr, là vị Anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào đấu tranh chống Pháp trên cao nguyên M'nông. Người đã làm nên nhiều kỳ tích lịch sử trong công cuộc đấu tranh chống Pháp, bảo vệ quê hương vào những năm đầu thế kỷ XX. Hầu hết các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào M'Nông từ nam nữ, trẻ già ai cũng tôn kính, biết ơn vị anh hùng dân tộc N'trang Lơng hay Ama N'trang Lơng...(theo đồng bào Tây Nguyên, chữ Bơ, M'bâ hay Ama đều có nghĩa là cha; N'trang nghĩa là trong sáng, tài giỏi, anh hùng... Lơng là tên của ông). Căn cứ sử liệu địa phương cho biết: N'trang Lơng là người tài cao, đức rộng. Ông có nhiều nương rẫy lại biết tính toán làm ăn nên đến mùa thu được nhiều lúa, ngô; nuôi được nhiều trâu, bò, heo, gà...Vì vậy, N'trang Lơng trở thành người giàu có nhất trong vùng, khắp cao nguyên M'nông ai ai cũng biết. Ông được đánh giá là người bậc nhất trong bon bởi ngoài tài giỏi, giàu có, ông còn giàu lòng thương người, hướng dẫn đồng bào trong làng ngoài bon những kinh nghiệm săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt, sẵn sàng giúp đỡ nhiều người, nhiều bon nghèo khó khi hoạn nạn, mất mùa...

Giữa lúc đang bình yên thì mùa khô năm 1910-1911, từ đồn Pu Xara, thực dân Pháp đưa quân xâm lấn, uy hiếp, đốt phá bon Pu Par. Vợ (bà Bal) và con gái đầu lòng của ông đều chết thảm dưới bàn tay tàn ác của giặc Pháp. Trước cảnh nợ nước thù nhà, giữa mùa khô sau đó – năm 1912, N'trang Lơng kêu gọi đồng bào nổi dậy quyết đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ buôn làng. Sau nhiều lần tiến quân từ đồng bằng lên Cao nguyên M'nông không thành vì gặp sự kháng cự quyết liệt của đồng bào bản địa, tháng 2-1914, Pháp tìm cách tiến vào trung tâm Cao nguyên M'nông bằng con đường từ Campuchia qua và đã nhanh chóng xây dựng một cơ quan đầu não cai trị tại địa bàn bon Mu Méra do chính Henri Maitre - Trưởng phái bộ khảo sát Đông Cao Miên làm đồn trưởng. Henri Maitre chọn Bu Méra làm địa điểm đặt cơ quan hành chính để áp đặt lên Cao nguyên M'nông – Cao nguyên trung tâm (Plateau Central) hay cao nguyên đồng cỏ (Vok Pnom – M'nông) với một thiết chế luật mới, vì từ lâu chính Henri Maitre coi đây là "vùng đất bất phục tùng”, chưa kiểm soát được cả về chính trị lẫn kinh tế. Vùng đất đỏ bazan trù phú này có nhiều lâm sản quý, mỏ quặng, sông, suối, cung cấp nguồn tài nguyên vô tận. Hơn nữa, Cao nguyên M'nông là địa bàn nằm vắt trên đường ranh giới của ba xứ Trung kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên, được xem là nóc nhà Nam Đông Dương, thuận lợi cho việc bóc lột, khai thác kinh tế và đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào bản địa.

Với khoảng thời gian khởi nghĩa kéo dài 24 năm, nghĩa quân N'trang Lơng đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, quét sạch các đồn bốt, phản công bất ngờ hệ thống đồn địch ở ven Krachê (Kracheh, Cămpuchia), giải phóng một vùng M'nông rộng hàng nghìn km2. Chiến công mang tính thành công cao là trận nghi binh tiêu diệt chỉ huy Henri Maitre (hiện nay di tích về mộ Henri Maitre còn dấu tích tại khu vực huyện Kiến Đức ngày nay).

Vào những năm 1933 - 1935, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc hành quân nhằm truy diệt nghĩa quân. Trong một trận chiến đấu quyết liệt tháng 6-1935 Tù trưởng N'trang Lơng bị bắt do sự phản bội của một quân sĩ tên là Bă Phnông Phê và bị giết ngày 25-6-1935. Dù vậy, cuộc kháng chiến của người M' Nông dưới sự lãnh đạo của N'trang Lơng là một trang sử chói lọi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Theo Hải Nam - Đại Đoàn Kết




























Các bài mới
Các bài đã đăng