Tạp chí Sông Hương -
Gian nan làm phim sử Việt: Dân ta đói sử ta
09:38 | 05/07/2011
Trong 10 năm qua, số lượng phim lịch sử trong nước được sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi phim sử Tàu, sử Hàn mặc sức tung hoành trên màn ảnh. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tưởng sẽ là dịp khơi nguồn dòng phim lịch sử Việt Nam với hàng loạt dự án phim điện ảnh và truyền hình được triển khai, nhưng cuối cùng quá trình đầu tư, sản xuất và phát hành những bộ phim này lại bộc lộ vô vàn vấn đề khiến những người có tâm huyết phải chùn tay.
Gian nan làm phim sử Việt: Dân ta đói sử ta
Cảnh phim Huyền sử thiên đô, đang phát sóng phần2 trênVTV3 sau thời gian chờ sóng-Ảnh:W.S

Muốn xem không có mà xem!

Trong 10 năm, từ 2000 đến trước đại lễ, chỉ có 5 phim lịch sử, cổ trang được phát sóng: Trùng Quang tâm sử (2002), Lục Vân Tiên, Ngọn nến hoàng cung (2004), Dưới cờ đại nghĩa (2006), Vó ngựa trời Nam (2010) (đều do TFS - Hãng phim Truyền hình TP.HCM thực hiện). Phim điện ảnh càng ít ỏi hơn, chỉ có Dòng máu anh hùng là còn đọng lại trong tâm trí khán giả. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, chỉ tính trên 4 kênh của 2 đài truyền hình lớn VTV (VTV1, VTV3), HTV (HTV7, HTV9), đã có cả chục phim lịch sử, dã sử Trung Quốc được phát sóng (Mẫu nghi thiên hạ, Bình minh Đại Đường, Đại phong ca, Nam Bắc đại trạng sư, Cung tâm kế, Thần thám Địch Nhân Kiệt, Đại chiến cổ kim, Tiểu thư Bắc Bình...).


"Đừng trách khán giả sao biết về các triều đại Trung Quốc hơn các triều đại Việt Nam. Nhà đài cho gì, họ xem nấy"

 Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc



Còn nhớ những năm trước, khi phim Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ, với hàng chục phim lịch sử, cổ trang/năm, khán giả trong nước theo dõi rất hào hứng (đến mức… ứng dụng vào thực tế: ca sĩ thì dựng lại hình ảnh các nhân vật trong phim để biểu diễn, còn học sinh thì khoái chí với tập vở có hình của những nhân vật này). Có thể họ thích xem vì độ hoành tráng của bối cảnh hay câu chuyện, diễn xuất của diễn viên, hay chính bởi sự đa dạng trong đề tài, các nhân vật lịch sử, các triều đại được khai thác ở những bộ phim này. Cũng có không ít khán giả không ưa phim Tàu, nhưng vì không có phim lịch sử VN nào ở thời điểm đó, hoặc quá ít phim trong giai đoạn trên, nên họ đành nhìn sang, rồi quen dần và (có lẽ) hiểu biết lịch sử nước kia hơn cả lịch sử dân tộc mình!

Còn ta, tuy không thể so sánh với một nước có ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình phát triển như thế, nhưng nếu hàng chục năm trước chúng ta từng có những phim như Biệt động Sài Gòn..., rồi giai đoạn sau cũng có Đêm hội Long Trì, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La... với những thành công nhất định thì đến hôm nay, xem ra số lượng phim lịch sử càng về sau càng giảm sút, thưa dần, phải chờ đến 2, 3 năm khán giả mới có một phim để xem. Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc nói: “Đừng trách khán giả sao biết về các triều đại Trung Quốc hơn các vương triều VN. Nhà đài cho gì, họ xem nấy. Mà nếu xem nhiều thì sẽ thành thói quen”. Với phim lịch sử VN cũng vậy, muốn tạo thói quen cho khán giả, muốn dân ta khi hỏi đến “đàn Nam Giao là gì” thì không phải trả lời là “một loại đàn cổ”, muốn khán giả phải “biết sử ta” chứ không phải rành về Dương Quý Phi hơn Dương Vân Nga... thì “phải cho họ xem nhiều”, ông nói.

Khán giả không quay lưng



“Nếu chịu đầu tư và làm nghiêm túc thì phim lịch sử VN chắc chắn sẽ nhận được sự cổ vũ, ủng hộ của công chúng, vì nó khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt”.

(Trương Mai Ka, 164 Nguyễn Đình Chính, P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

“Bề dày và độ hấp dẫn, kỳ bí của lịch sử VN đâu thua các nước. Nhưng trên phim ảnh, tôi thấy chỉ tập trung lịch sử cận - hiện đại. Trong khi cứ tưởng tượng nếu mình làm được phim về Hưng Đạo Vương 3 lần đánh tan quân Nguyên thì sự hoành tráng, ép phê hẳn còn hơn nhiều trận đánh trong phim Trung Quốc”.

(Huỳnh T.N.Duy, 288/3 Huỳnh Văn Bánh, P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)


Khi Huyền sử thiên đô phát sóng trên VTV3, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (tác giả kịch bản) cùng vợ là nhà báo Hà Phương hồi hộp theo dõi phản ứng của khán giả. Hai anh chị từng xúc động chia sẻ với chúng tôi những trang diễn đàn, trang web cá nhân có sự bàn luận sôi nổi về bộ phim lịch sử này. Trên những trang web ấy, khán giả rất vô tư và công tâm, khen có, góp ý có, đặc biệt, họ có những nhận xét, kiến giải riêng về những vấn đề bộ phim đặt ra một cách sâu sắc, bằng những cứ liệu lịch sử và cách lập luận chặt chẽ khiến chính tác giả kịch bản cũng bất ngờ. Điều khiến Nguyễn Mạnh Tuấn thấm thía nhất là, những bàn luận ấy thể hiện rằng, hóa ra khán giả không hề quay lưng với phim lịch sử Việt Nam dù phim trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Thế nhưng vì sao đến bây giờ chúng ta vẫn có quá ít phim sử Việt phục vụ khán giả vẫn là câu hỏi đau đáu.

Đã có nhiều hội thảo, diễn đàn... về phim lịch sử được tổ chức không ngoài mục đích làm thế nào để xây dựng, phát triển dòng phim này. Và cũng có không ít lời kêu gọi được “nói hoài, nói mãi” ở những cuộc trao đổi này, nhưng số người dám đối diện với thực tế phũ phàng để dấn thân làm phim lịch sử thì như “lá mùa thu”.

Tiền đầu tư cho phim lịch sử bao giờ cũng gấp đôi, thậm chí 5, 10 lần phim hiện đại, nhưng phim lại không được hỗ trợ để sản xuất và phát hành là lý do chính làm tê liệt “hào khí” của các nhà sản xuất trong việc hâm nóng, vực dậy dòng phim này.

Khi làm phim đã cầm chắc lỗ và cũng cầm chắc sẽ hứng chịu bao búa rìu dư luận. Khán giả đã chờ đợi quá lâu để xem một phim lịch sử, nên nếu đã xem rồi thì họ soi rất kỹ, và đối chiếu, so sánh... Chẳng thế mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn phim lịch sử Khát vọng Thăng Long về nhân vật Lý Công Uẩn, từng phát biểu trên báo một cách đầy hình ảnh: “Khi bước vào làm phim, coi như đã bước lên đoạn đầu đài. Khi làm xong thì cũng có nghĩa hàng ngàn mũi tên bắn vào mình”.

Điện ảnh nói chung và truyền hình nói riêng là sản phẩm mang giá trị văn hóa, nhân văn. Nhân những sự kiện lớn mang tính tuyên truyền, nhiều dự án phim lịch sử được Nhà nước đầu tư, tài trợ kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, để có nhiều bộ phim lịch sử hơn nữa, các hãng phim, đặc biệt là tư nhân rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thường xuyên và liên tục hơn.

                                                                                                 Theo Nguyên Vân - TNO












Các bài mới
Các bài đã đăng