Tạp chí Sông Hương -
Đừng bê tông và sân khấu hóa di sản
09:02 | 16/09/2011
Là một nước có nhiều di sản văn hóa nên du lịch di sản được coi là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc “ăn mòn di sản” thì lâu nay không ít di sản văn hóa bị hoạt động du lịch làm biến dạng, phai nhạt bản sắc…
Đừng bê tông và sân khấu hóa di sản
Ảnh: Internet
Có một thực tế đáng quan tâm hiện nay là nhiều di sản vật thể của nước ta đang bị bê tông hóa, còn di sản phi vật thể đang bị sân khấu hóa…dẫn đến di sản không còn là di sản nữa. Nguyên nhân được đưa ra là để đáp ứng nhu cầu của hoạt động du lịch và khách du lịch.

Với di sản văn hóa vật thể có thể đơn cử như di tích làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Sau khi cải tạo đã trở nên “văn minh” hơn, với đèn cao áp giăng khắp nơi, đường bê tông chạy khắp làng, nhiều công trình cũng được tôn tạo khang trang với số tiền không nhỏ… Hoặc mới đây, hệ thống địa đạo Kỳ Anh - di tích lịch sử cấp quốc gia lớn thứ 3 trên cả nước tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam sau khi tôn tạo đã bị biến dạng. Từ con đường hầm được đào sâu theo kiểu dích dắc nhiều ngõ ngách đã biến thành đường thẳng phẳng lỳ bằng bê tông, cốt thép... Và thực tế còn không ít di tích, di sản văn hóa vật thể khác cũng rơi vào tình trạng tương tự và hệ lụy là các di sản đã không còn đảm bảo tính nguyên trạng, mất đi tính độc đáo, giá trị lịch sử.

Không chỉ di sản văn hóa vật thể mà một số di sản văn hóa phi vật thể cũng bị sân khấu hóa, nguy cơ biến dạng, đánh mất “hồn cốt” khi tham gia làm du lịch. Theo Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, người trực tiếp nghiên cứu lập hồ sơ Đờn ca tài tử đệ trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì một trong những vấn đề nóng của loại hình nghệ thuật này là đang bị đánh mất bản sắc do chạy theo du lịch. Những sô diễn đờn ca tài tử phục vụ trong các tụ điểm du lịch thường là những người đàn, hát không giỏi, hơn nữa họ đã “gọt dũa” nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch. Điều này khiến cho cái hay, cái chuẩn của đờn ca tài tử mất dần mà thay vào đó là thứ nghệ thuật tạp nham... Nhìn rộng ra thì một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khác khi tham gia với tư cách là một sản phẩm du lịch cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

Hơn thế, các di sản văn hóa vẫn chưa được khai thác triệt để nhằm thu hút du khách. Đơn cử như việc đưa du khách đến tham quan đình, chùa... mới chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng phần kiến trúc, phần mỹ thuật. Trong khi đây chính là không gian diễn xướng của chèo, ca trù, hát xoan... nếu du khách được thưởng thức các nghệ thuật này ở chính nơi đây chắc chắn sẽ hấp dẫn họ hơn là thưởng thức qua việc sân khấu hóa. Và việc tách rời không gian diễn xướng của các loại hình nghệ thuật truyền thống còn ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của nó. Việc bảo tồn nó cũng sẽ khó hơn khi nội dung của các tiết mục nghệ thuật truyền thống luôn bị cắt gọn cho phù hợp với yêu cầu của du lịch.

Qua đây cho thấy, để phục vụ du lịch thì các sản phẩm du lịch phải phù hợp với gu thưởng thức của từng đối tượng, cung cấp cái du khách cần chứ không “bê nguyên xi”. Tuy nhiên, với đặc thù của di sản văn hóa thì việc “chạy theo” nhu cầu của du khách vô hình trung sẽ làm biến dạng, mất tính nguyên trạng, mất cái “hồn cốt” của di sản văn hóa. Và theo đó, du khách một đi không trở lại cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản trong xây dựng sản phẩm du lịch rất cần sự một cách làm mới. Cụ thể, trong phát triển các sản phẩm du lịch di sản cần sự vào cuộc các nhà quản lý của du lịch, văn hóa, đặc biệt là các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu sẽ là những người tư vấn nhằm đảm bảo các tiết mục đem đi biểu diễn phục vụ du lịch được lựa chọn kỹ lưỡng từ nội dung cho đến người thể hiện. Bởi khi du khách được thưởng thức một tiết mục nghệ thuật chất lượng cũng có nghĩa là di sản văn hóa sẽ càng có nhiều cơ hội được quảng bá và tôn vinh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Ts Nguyễn Văn Siêu cho rằng, để bảo tồn di sản trong phát triển du lịch, trước hết di sản văn hóa phải được Nhà nước quan tâm, có chính sách và biện pháp bảo tồn, tôn tạo một cách quy củ để bảo đảm di sản được tôn vinh giá trị. Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết đối với các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với không gian di sản để không làm phương hại tới di sản. Và lợi nhuận thu được từ các công ty du lịch khai thác di sản cần trích một phần bù đắp lại cho công tác bảo tồn, gìn giữ di sản. Song song với đó, các công trình dịch vụ, thiết kế phát triển sản phẩm du lịch phải hài hòa với không gian di sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, không thể “ăn mòn di sản” mà du lịch cần trích một phần nguồn lợi thu được từ khai thác di sản để đóng góp vào Quỹ bảo tồn di sản. Đồng thời, những người làm du lịch cần có trách nhiệm tôn vinh giá trị di sản; phải hướng hoạt động kinh doanh du lịch và du khách đảm bảo sự tôn trọng di sản và cùng chung tay bảo vệ di sản.

Theo Đinh Loan - ĐBND














Các bài mới
Các bài đã đăng