Tạp chí Sông Hương -
Chèo Khuốc
10:50 | 28/09/2011
Điều khiến người Cổ Khúc, Đông Hưng, Thái Bình tự hào nhất, khiến Kẻ Khuốc nổi tiếng thiên hạ, là Khuốc là một làng chèo. Đến mức, người tứ xứ hễ nói đến nghệ thuật diễn xướng là nhắc ngay đến chèo Khuốc!
Chèo Khuốc
Đào, kép thời xưa
Cổ Khúc là tên chữ, còn tên nôm là Kẻ Khuốc, ngày nay người ta gọi bình dị là làng Khuốc. Thời xưa xa, Cổ Khúc thuộc huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, ngày nay thuộc xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Người Cổ Khúc rất tự hào vì làng mình có một truyền thống văn hiến sâu dày, từng được vua sắc phong danh hiệuMỹ tục khả phong và Thuần phong mỹ tục. Nhưng điều tự hào nhất, khiến Kẻ Khuốc nổi tiếng thiên hạ, là Khuốc là một làng chèo. Đến mức, người tứ xứ hễ nói đến nghệ thuật diễn xướng là nhắc ngay đến chèo Khuốc!

Từ xưa, người Cổ Khúc đã coi hát chèo và diễn chèo là một nghề sinh nhai. Năm nào Cổ Khúc cũng mở hội làng. Hội làng có nhiều trò chơi như các làng khác ở châu thổ sông Hồng, điều khác biệt, Cổ Khúc có nhiều gánh chèo. Vậy nên hội làng chính là dịp để các gánh chèo thể hiện tài năng, đồng thời cũng thể nghiệm vở diễn của mình, để rồi ngay sau hội làng đi lưu diễn các nơi. Các gánh chèo Cổ Khúc đi diễn kiếm ăn ở các hội làng gần xa, diễn tại các gia đình có tiệc khao vọng, hiếu lễ, khánh hỷ... Các gia đình đã đến hội làng, đặt mời trước những gánh chèo làng Cổ Khúc. Hết mùa hội, mùa diễn, những gánh chèo làng Cổ Khúc trở về nhà, làm nghề nông, và tối tối, diễn viên từng gánh chèo lại tập hát, tập vở diễn cho thật hay. Có thể nói, hát và diễn chèo là cuộc sống của những nghệ nhân dân gian làng Cổ Khúc; và xem chèo, hát chèo, diễn chèo như là cơm tẻ, món ăn thường tình nhưng không thể thiếu đối với người Kẻ Khuốc: Chẳng thèm ăn chả ăn nem/ Thèm mo cơm tẻ, thèm xem hát chèo…

Đời sau nối đời trước hát chèo, diễn chèo, nhiều thế hệ nghệ nhân làng chèo Cổ Khúc đã để lại cho kho tàng nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam hai vở diễn có giá trị kinh điển là: Từ Thức gặp tiên và Phan Trần, cùng trích đoạn Tuần Ty - Đào Huế (trong vở chèo Chu Mãi Thần). Như các lão nghệ nhân chèo Cổ Khúc vẫn truyền kể cho thế hệ sau, vở Từ Thức gặp tiên đã được người làng Khuốc đem đi diễn nhiều nơi từ 5 - 6 đời về trước. Sau đó một thời gian, các vở diễn Phan Trần và Chu Mãi Thần cũng được các gánh chèo Cổ Khúc trình diễn ở hội làng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Tỉnh Thái Bình là đất chèo, từ xưa đã có rất nhiều gánh hát chèo, và các nghệ nhân chèo Thái Bình đã đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật chèo Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu sân khấu chèo cho biết, những mảng trò của nghệ nhân chèo Thái Bình “đều hao hao giống những mảng trò trong vở diễn Từ Thức gặp tiên của chèo làng Khuốc”. Những làn và điệu hát chèo như Hề đơm đó, Vãn non mai, Tuyết dạt sông Thương… là “những điệu hát độc đáo, chỉ có nghệ nhân chèo Khuốc biết hát”. Theo sách Chèo truyền thống Thái Bình (Sở VHTT Thái Bình, 1977), nghệ thuật chèo có chừng 151 làn điệu và ca khúc, riêng hai vở diễn và một trích đoạn của làng chèo Cổ Khúc mà chúng tôi vừa nêu ở trên đã có 30 ca khúc và 4 kiểu hát nói độc đáo!

Làng Cổ Khúc thờ Tổ sư nghề chèo, hành lễ vào ngày 12.8 hàng năm. Trong lễ tế Tổ sư, có nghi thức quan trọng là đọc bài văn tế bằng chữ Nôm. Bài văn tế Tổ không chỉ được đọc trong ngày lễ tế Tổ, mà còn được đọc trong dịp hội xuân, trước khi các gánh chèo của làng Cổ Khúc đi biểu diễn. Năm 1956, Ban nghiên cứu sân khấu Trung ương đã ghi lại được nguyên văn bài văn tế Tổ của làng chèo Cổ Khúc. Năm 1960, Viện Âm nhạc và Múa đã tổ chức ghi âm những làn điệu cổ của chèo Khuốc. Năm 1994, Viện tổ chức ghi lại điệu múa tiên, điệu múa trái của làng chèo Cổ Khúc... Đó là những di sản văn hóa dân tộc cần được giữ gìn.

Những năm kháng chiến chống Pháp, chèo Khuốc ngừng hoạt động. Ngay sau năm 1955, dẫu các gánh chèo Cổ Khúc không còn, nhưng đội chèo của làng được thành lập với hơn 50 thành viên. Hát và diễn chèo luôn là một phần sự sống của người dân làng Cổ Khúc. Đến nay, mọi người dân Cổ Khúc, già trẻ, gái trai đều biết hát chèo, có những em bé 6 tuổi đã biết hát và múa theo các làn điệu chèo. Nhiều gia đình 2 - 3 thế hệ biết hát và diễn chèo. Không chỉ người dân làng Cổ Khúc ham mê gìn giữ nghệ thuật chèo cổ truyền, mà cả xã, huyện và tỉnh cũng khuyến khích, cổ vũ, tạo điều kiện cho người Cổ Khúc lưu giữ và sáng tạo thêm những nét mới cho nghệ thuật chèo.

Trong một lần trò chuyện với NSND Đình Quang, ông đã nhận xét, chèo Thái Bình, mà chèo Khuốc là hạt nhân, đã đóng góp nhiều tuồng tích và làn điệu mới cho sân khấu chèo Việt Nam. Cả nước có đến gần 160 nghệ sỹ chèo là người Thái Bình, trong đó hơn 50 nghệ sỹ chèo là người làng Cổ Khúc. Họ không chỉ là diễn viên, mà còn là nghệ sỹ chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, tác gia, nhà nghiên cứu và người thầy trong nghề chèo. Để khép lại bài viết này, tôi xin mượn lời nhạc sỹ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam) đã viết trong sách Chèo truyền thống Thái Bình: “Nói đến chèo Thái Bình phải nói ngay đến chèo Khuốc. Cái mạnh hơn cả ở chèo Khuốc là phong cách và làn điệu trong hát chèo. Nếu ai đó được nghe các nghệ nhân chèo Khuốc hát các điệu Tòng nhất nhi trung và Bóng ngả thì đó có lẽ là diễm phúc!”

Theo Anh Chi – ĐBND









Các bài mới
Các bài đã đăng