Tạp chí Sông Hương -
Bìa sách thời nay: Choáng chất… dâm thư!
10:48 | 29/09/2011
Phụ huynh học sinh gọi cho nhà báo, than thở: Cô xem, không chỉ ngoài hiệu sách đầy dẫy loại văn chương và hình ảnh khiêu dâm gợi dục, mà ngay trên bìa tác phẩm văn học dùng trong nhà trường bây giờ cũng vẽ gái ở truồng phía trên tên truyện là “Làm đĩ”. Tôi biết dạy con cách sao đây?
Bìa sách thời nay: Choáng chất… dâm thư!
Những cuốn sách mượn vỏ "dâm thư".

Dâm hay không dâm?

Tha thẩn giữa các phố sách, hiệu sách, tôi nhận ra thế giới sách ngày nay thật giàu có, phong phú muôn màu. Trong đó, nhan nhản những tựa sách được đặt tên lấp lửng hoặc thẳng toẹt về quan hệ gối chăn giữa hai giới tính mang tên những nhà xuất bản khác nhau. Công nghệ làm bìa thời nay muôn hình vạn trạng, giấy cán láng, trình bày rực rỡ, nổi bật những trang bìa hấp dẫn cái nhìn người mua sách bằng những hình chụp hoặc tranh vẽ nóng bỏng đủ mọi tư thế thân thể cọ xát.

Cuốn sách khiến vị phụ huynh kia than thở là 1 trong 5 tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, từng làm bùng nổ những cuộc tranh cãi dữ dội cách đây tới… hơn 70 năm trước, về đề tài "dâm hay không dâm", được xếp ngay ngắn trên kệ sách tham khảo dành cho học sinh các trường phổ thông. Thuộc lớp thanh niên Việt Nam đầu tiên thần tượng nền văn hóa Pháp, tích cực truyền bá văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, Vũ Trọng Phụng cực lực lên án thói đạo đức giả trong quan hệ nam nữ và ra sức đấu tranh bảo vệ quan điểm cần "giáo hóa cho thiếu niên biết rõ tình dục là những gì" để "biết cách điều hòa cái dâm mà tô điểm cuộc đời".

Nếu chỉ nhìn bìa sách có hình vẽ một phụ nữ nửa cổ nửa tân thời mặc áo dài nhưng không… mặc quần, ngồi chống chân tay cầm dọc tẩu bên bàn đèn thuốc phiện, lại thêm mấy trang thay lời tựa với ngôn ngữ hùng hồn rằng phải đem vấn đề giao hợp ra giảng cho tuổi trẻ, không ít phụ huynh xứ ta tới nay vẫn hốt hoảng. Tuy nhiên, chịu khó đọc hết từ đầu đến cuối cuốn sách mới vỡ lẽ… tưởng dzậy mà hổng phải dzậy! Cuốn sách chả có trang nào mang tính khiêu dâm hay tả cảnh giao hợp, mà chỉ cố gửi thông điệp "giáo hóa về cái dâm" qua việc kể lại chuyện đời éo le của một cô gái nhà lành, vì đâu đến nỗi phải bán thân, sa vào nhà chứa!

Cái kiểu vờn nhứ ra vẻ ta đây là dâm thư, tức sách khiêu dâm để… tăng phát hành, có vẻ đang được một số nhà xuất bản tận dụng triệt để.

Mượn sex để gửi… thông điệp?

Cách đây hơn 1 năm, cuốn tiểu thuyết đầu tay "Sợi xích" của cô ca sĩ, diễn viên Lê Kiều Như mới tổ chức lễ ra mắt, đã bị một số nhà báo "uýnh" tơi bời. Trong số đó có người "tát nước theo mưa" chả cần đọc truyện, chỉ cần xem bìa sách in ảnh cô ca sĩ ăn mặc quá thiếu vải nằm ườn, tư thế gợi dục lộ liễu bèn phán luôn văn chương thô vụng chưa sạch nước cản, ý tứ nông nổi khiêu dâm. Bị trên phê xuống, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn đành làm văn bản đề nghị đơn vị liên kết thực hiện cuốn sách là Công ty Youbooks niêm phong toàn bộ số sách đã in ấn chuẩn bị phát hành.

Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ "Sợi xích", nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn vẫn cho rằng báo chí đã quá lời khi phê phán. ông nhận xét: "Theo tôi, cuốn sách này là cách để tác giả Lê Kiều Như tạo xì-căng-đan đánh bóng tên tuổi. NXB cũng gặp tai nạn khi để lọt một cuốn sách như thế qua khâu biên tập. Tôi thừa nhận nó không có giá trị văn chương, giọng văn tự nhiên chủ nghĩa, có đôi chỗ thô thiển, đơn giản của một người viết nghiệp dư nhưng cũng không đến nỗi là dâm thư, khiêu dâm như nhiều báo chí đã nêu".

Bị chất vấn gay gắt, tác giả của "Sợi xích" cố thanh minh: Tôi có thể hỏi ngược lại: Sex là gì? Có phải đó là cái nôi sinh ra mỗi người chúng ta hay không và nó có quan trọng với cuộc sống của chúng ta hay không? Tôi khẳng định truyện không phải chỉ viết về sex, mà qua đó để nói về tâm lý con người. Từ sự trải nghiệm rất đàn bà của chính mình, tôi chỉ muốn gửi thông điệp hãy dành tình yêu thương của mình cho người khác nhiều hơn.

Thông qua sex để mổ xẻ tâm lý con người là cách nhiều văn sĩ từ Đông sang Tây xưa nay vẫn đã và đang theo đuổi. Thành công hay không còn tùy bút lực, tài năng. Chẳng có gì lạ khi Murakami chả cần giải thích, độc giả khắp thế giới vẫn cảm nhận được ông hướng tới điều gì qua cách viết về sex tự nhiên đến khác thường trong "Rừng Nauy". Còn tác giả “Sợi xích” ra sức giãi bày bao nhiêu cũng không đánh bạt nổi dư luận về ý đồ "tự đốt đền để được nổi tiếng"!

Gây sốc để …dễ bán sách?

Mới đây, tôi nhận được tập truyện ngắn "Nude tình yêu" của nữ đồng nghiệp Võ Hồng Thu. Bìa trước trình bày đầy khiêu khích với mờ ảo đôi chân trần bắt chéo. Bìa sau trích đoạn mô tả một khúc "dạo đầu" trần trụi: "Anh thường ôm mình từ đằng sau. Trong lúc hai bàn tay vờn vò…". Nhưng bình thản mà đọc từ đầu đến cuối cuốn sách, hóa ra toàn những chuyện tình tay ba, tay tư được mổ xẻ, phân tích tâm lý sâu sắc, tế nhị, nhẹ nhàng, mà kiểu tả nóng được "gẩy" ra bìa như đoạn trích kia chỉ xuất hiện một lần duy nhất. Võ Hồng Thu là một phụ nữ thông minh hiện đại với nhiều năm kinh nghiệm làm báo, hiện giữ chức phó tổng biên tập một tạp chí ngành. Chị cùng NXB biết cách làm thế nào để sách bán chạy hơn, nên "cái vỏ dâm thư" của “Nude tình yêu” chỉ khiến tôi bất ngờ, nhưng không đến nỗi ngạc nhiên như khi cầm trên tay tập thơ "Người tình ngoài sổ sách" của Văn Thanh.

Là một "ông đồ xứ Nghệ" chính hiệu nguyên chất đạo mạo gàn bướng, Văn Thanh khiến giới văn nghệ lé mắt với tập thơ in ấn dày cộp sang trọng, bìa in hẳn hình phụ nữ khỏa thân, tóc rũ, vú chìa. Hình đó, tít đó, cứ tưởng… hóa ra ruột thơ toàn những vần cay đắng. Tôi trêu: Sao lại dâm vỏ tái lòng thế này? ông khoe: ảnh nuy nghệ thuật xuất sắc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định từng đoạt giải thưởng chi đó, tự tay Nguyễn Trọng Tạo chọn cho mình. Bìa sách thời nay phải hấp dẫn, người ta mới chú ý!

Mua cuốn "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình" của Dương Thụy, tôi tò mò muốn biết nữ cử nhân văn chương Pháp sinh năm 1975 mô tả mưu chước gì. Quả thật mạch truyện cũng phóng nhanh vào chốn tù mù với "gái vũ trường", "tình dục học", "dụng cụ cao su mềm có gai", nhưng rồi những cái kết cũng bất ngờ chốt lại với tình người nhẹ nhàng hồn hậu. Nếu tên tập truyện không khơi gợi đến vậy, liệu chỉ trong thời gian ngắn nó có tái bản đến lần thứ năm không?

Trung thành với lối chọn ảnh bìa "cọ xát ngất ngây" còn có hàng loạt tiểu thuyết thuộc tủ sách "Lời trái tim" của Công ty Xuất bản & truyền thông IPM, với tiêu chí in rõ đậm "đam mê, quyến rũ, ngọt ngào, nóng bỏng, nghẹt thở…".

Một giám đốc NXB kể: Nhiều người cũng bảo tôi sao lại chủ trương lối làm sách chạy theo thị hiếu rẻ tiền, dễ dãi như vậy? “Cánh đồng bất tận”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” có cần câu khách kiểu đó đâu vẫn tái bản ào ào cả mấy vạn quyển! Nhưng thị trường cung cầu phải chiều đủ loại khách, NXB nào cũng phải tự nuôi thân, mấy khi có được loại của hiếm thuyết phục được hàng triệu độc giả mà không cần PR, quảng cáo đâu?

Rõ ràng mượn vỏ "dâm thư" chỉ là một trong những chiêu câu khách của các NXB hiện nay. Sách đã "lỡ" ra lò như thế, thôi đành bình tĩnh mà giải thích cho con em chứ hốt hoảng chả ích gì! Tôi an ủi vị phụ huynh chưa hết choáng vì cuốn "Làm đĩ"

                                                                        Theo Hoàng Thiên Nga - CAND.com.vn
















Các bài mới
Các bài đã đăng