Tạp chí Sông Hương -
Tác phẩm đầu tay và dư luận có thể làm người ta lạc đường
08:55 | 03/10/2011
“Những bài thơ đầu cộng với dư luận, có thể làm cho người ta chọn nghề đúng sở trường, nhưng cũng có thể làm người ta "lạc đường". Đến khi nhận ra sự "lạc lối" đó thì không còn thời gian để làm lại”, nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự.
Tác phẩm đầu tay và dư luận có thể làm người ta lạc đường
Nhà thơ Vũ Quần Phương

Bên khung cửa sổ lúc lỉu những trái bưởi non xanh, tác giả của bài thơ "Đợi" từng làm nức lòng người yêu thơ, làm rung động bao trái tim yêu đang thả lòng mình trôi theo dòng ký ức và hoài niệm từ những năm tháng tuổi trẻ thuở chập chững làm thơ. Ông bảo tôi rằng, hình như chưa có ai hỏi ông về bài thơ đầu tiên trong đời làm thơ của mình, thế nên hôm nay, khi hồi tưởng lại cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ông bỗng thấy lòng náo nức và có chút gì bồn chồn, xao xuyến.

Nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự:

- Người viết văn làm thơ ai cũng phải bắt đầu từ những trang viết đầu tay. Có người thành danh ngay từ những trang viết đó, nhưng cũng có người phải chắt chiu câu chữ một đời mới đến ngày "hái quả". Tôi quan niệm, tác phẩm đầu tay như một việc làm thử, như một cuộc thi tay nghề và là bước sát hạch, là một "hàn thử biểu" để xem mình có thể dấn thân được vào công việc này hay không? Văn chương lựa chọn nghiệt ngã lắm. Bởi vậy, có người sau khi viết tác phẩm đầu tay họ tự động rút như bước ra khỏi cuộc chơi, nhưng cũng có người lại "chuyên nghiệp hóa" nghề viết của mình từ chính tác phẩm khởi đầu đó. Chị Xuân Quỳnh, khởi nghiệp là nghề văn công đấy chứ, chị cũng có thơ in rải rác. Xuân Quỳnh có lần kể rằng, khi chị đi lĩnh nhuận bút bài thơ đầu tiên ở Báo Văn nghệ, chị run lắm, cảm thấy như cả toà soạn đang nhìn mình, chị không dám đếm tiền. Ra khỏi tòa soạn một quãng, đến chỗ rẽ, mới dừng lại đếm, lúc đó mới bớt hồi hộp mà. Tác phẩm đầu tay thiêng liêng như vậy đấy, có khi nó còn làm thay đổi, xoay chuyển tương lai của cả một đời người.

- Giờ nhớ lại những dòng thơ đầu tiên đó, ông có còn giữ được những cảm xúc tươi nguyên ban đầu?

- Bài thơ đầu tiên của tôi đăng trên Báo Văn nghệ là bài "Gửi em". Hồi học phổ thông, tôi may mắn học giỏi cả toán, lý, hoá và văn, lúc đó tôi đã thích thơ, yêu văn. Song tôi lại chọn Trường ĐH Y Hà Nội để thi đại học vì tôi chưa thực sự tin vào khả năng văn chương của mình. Đọc báo thấy nhà thơ Phùng Quán thi vào tổng hợp văn mà còn trượt. Nghe nói, thi môn Sử, người ta ra đề về Cách mạng Tháng 10 Nga, ông chép cả bài trường ca của Maiacôpxki, chắc là Bài ca Tháng Mười. Trượt là phải nhưng cũng đủ để tôi không tơ tưởng đến đại học văn.

Tôi thi vào ngành Y cũng vì một lí do nữa, lúc đó có câu ca "Nhất y, nhì dược, tạm được Bách khoa, sư phạm đi ra, nông lâm không xét". Trường sư phạm thời kỳ đó lớp học còn lợp tranh nứa, trong khi cổng Trường ĐH Y Hà Nội ở phố Lê Thánh Tông thì cao vời vợi, đẹp như một thánh đường, thang gác lên giảng đường chính còn trải thảm đỏ. Lại có các thầy nổi tiếng như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung... giảng dạy. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tôi chỉ biết nuôi con ăn học, nên học gì, tôi tự quyết định. Những năm học y, tôi vẫn mê văn chương. Ngày đó ĐH Y và ĐH Tổng hợp chung trụ sở ở Lê Thánh Tông. Tôi thường lên thư viện Trường Tổng hợp, chỗ mái vòm ấy, ngồi học rồi mượn giáo trình văn học để đọc. Tốt nghiệp trường Y cũng là lúc tôi đọc gần hết các cuốn giáo trình văn học Việt Nam. Tốt nghiệp y khoa, tôi về làm ở Bộ Y tế.

- Nhưng rồi ông lại đi theo nghề văn, làm thơ. Vậy bước ngoặt cuộc đời đó có phải từ bài thơ Gửi em không.

- Không. Bài thơ ấy tôi cũng không lấy vào tập thơ nào của mình. Nó chỉ có nghĩa là bài đầu của tôi ở tờ báo văn chương và qua nó tôi bắt đầu quen các bạn viết cùng lứa. À, có lần tôi theo một bạn tới dự cuộc họp thơ do nhà thơ Chế Lan Viên, trưởng tiểu ban thơ của Hội Nhà văn chủ trì. Có thư mời nhưng nhiều bạn trẻ không có. Hồi đó và cả nhiều năm sau trong chiến tranh, anh Chế Lan Viên thường dặn: gặp anh em nào thì rủ đi, không câu nệ giấy mời, hội viên hay chưa hội viên. Cuộc họp ấy, với tôi là lần đầu. Khi mọi người tự giới thiệu về mình, tôi nói tên và cảm giác chả ai biết mình. Ngượng lắm. May sao anh Tế Hanh, cũng là lần đầu tôi gặp, lại đứng dậy hỏi: Có phải Phương đăng bài thơ tình ở Báo Văn nghệ... Anh bảo thơ có ý mới và đọc hai câu đầu của bài thơ đó. Lại còn bước đến bắt tay động viên tôi. Còn chuyện chuyển nghề của tôi thì phải sau khi in tập thơ đầu tay (1969) tức 7 năm sau nữa, mới đặt ra.

- Cụ thể chuyện ấy diễn ra thế nào, ông có thể cho biết.

- Hồi ấy việc in tác phẩm đều trong kế hoạch của nhà xuất bản. Bao cấp mà. Ai được in thì có nhuận bút. Không phải lo đi bán thơ như bây giờ. Mỗi năm Nhà xuất bản Văn học, hồi ấy là nhà xuất bản duy nhất in văn chương, chỉ in dưới 20 tập thơ. Hầu hết là dành để in các nhà thơ viết từ trước cách mạng, từ kháng chiến chống Pháp. Lớp trẻ ít lắm. Trường hợp Xuân Quỳnh được in Tơ tằm Chồi biếc (chung với chị Cẩm Lai, người viết từ kháng chiến chống Pháp) là đặc biệt lắm. Sau tập thơ đó thì Xuân Quỳnh bỏ văn công về Báo Văn nghệ.

...và tập thơ đầu tay của mình với Văn Thảo Nguyên.


Năm 1968 có một tập cho người viết trẻ là tập Hương cây Bếp lửa cũng là tập in chung Bằng Việt - Lưu Quang Vũ. Tôi thì vào năm sau, in chung với anh Văn Thảo Nguyên, tập Cỏ mùa xuân. Sau đó, nhà thơ Chế Lan Viên, người có trách nhiệm chính trong việc phát hiện, bồi dưỡng lớp nhà thơ trẻ khuyên anh Bằng Việt và tôi nên chuyển nghề về làm ở Hội, để đọc, viết, đi thâm nhập đời sống. Anh Bằng Việt chuyển nghề được ngay. Tôi thì lấn bấn mãi. Bản thân cũng lưu luyến nghề y, Bộ Y tế, nơi tôi làm việc và mẹ tôi thì cho là tôi nông nổi, đua bạn bè. Đầu năm 1972, tôi rời Bộ Y tế về làm ở Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Chấp nhận dứt bỏ nghề y khi công việc tương đối ổn định, sức mạnh của thơ thực sự đã đưa ông đến với một con đường mới, nhiều thăng hoa trải nghiệm nhưng cũng nhọc nhằn. Vậy có khi nào ông cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn này không?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc nhưng vẫn nhớ nghề y. Tôi vẫn có giao tiếp với các bạn bác sỹ đồng khóa, họp lớp hàng năm và thỉnh thoảng có đọc sách y học. Nhiều nhà văn vẫn làm hai nghề. Tôi không có năng lực ấy, nên đành vậy. Cho đến nay tôi vẫn thấy quyết định của mình là hợp lý. Các bác sỹ đàn anh ở Bộ Y tế hay các thầy ở trường y, từ 20 năm nay cũng cho rằng tôi chuyển nghề là phải, đi đúng con đường của mình.

Bạn biết không, hồi đó chiếc đài quan trọng vô cùng, nó là đời sống tinh thần phổ biến của người dân. Cứ tối thứ bảy, mọi người lại chụm nhau lại ở Bờ Hồ để nghe Sân khấu và Câu chuyện truyền thanh bên loa công cộng. Hay như khi đi tàu, nếu thấy vang lên giọng thơ ngâm của chị Trần Thị Tuyết hay Xuân Diệu bình thơ là cả toa tàu im phăng phắc. Điều đó càng làm tôi hăng say với công việc biên tập thơ của mình.

- Như nhà thơ đã nói, có người đã thành công ngay từ bài thơ đầu tiên, nhưng cũng có người chật vật cả một đời vì thơ là cái gì đó rất tự nhiên, là cái duyên trời cho nên quan trọng là phải biết đâu là điểm dừng của cuộc chơi…

- Thì đúng như vậy đấy! Có những nhà thơ, tác phẩm đầu tay của họ chững chạc ghê lắm, như các anh Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm. Anh Nguyễn Khoa Điềm hồi đó còn là cái tên mới, tôi chưa hề nghe nói, có những bài thơ viết từ miền Nam gửi ra, nó hay đến mức làm chúng tôi kinh ngạc, như bài: "Con gà đất, cây kèn và khẩu súng" rồi trường ca "Mặt đường khát vọng". Tôi đưa các bài đó lên radio, mong anh Điềm ở chiến trường nghe được. Anh Bằng Việt có bài "Qua Trường Sa" rồi "Bếp lửa", lời thơ đĩnh đạc lắm, giọng thơ thì gần với "tiền chiến" hơn đương thời. Đúng là có những người thơ "chín" từ đầu, có người chín dần và ngày càng lấp lánh, gừng càng già càng cay. Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh... là ở dạng ấy.

Thơ đầu tay của tôi có cái dạt dào của tuổi trẻ, có cái duyên, nhưng là cái duyên vụng về. Sau, dần ý tứ mới nặng chắc, chữ nghĩa mới phân miếng. Nhân bạn hỏi về tác phẩm đầu tay, tôi xin chia sẻ một suy nghĩ nhỏ như thế này: Những bài thơ đầu cộng với dư luận, có thể làm cho người ta chọn nghề đúng sở trường, nhưng cũng có thể làm người ta "lạc đường". Đến khi nhận ra sự "lạc lối" đó thì không còn thời gian để làm lại. Tôi biết một anh bạn, khi anh làm những bài thơ đầu, được một nhà thơ lớn, trong lúc thương thằng em quá, đánh giá: "Cậu làm thơ thiên nhiên rất hay! Cậu phải sống với thiên nhiên mà viết, đừng phí tài năng!". Nghe vậy, anh bạn cắt hộ khẩu Hà Nội chuyển lên Tây Bắc ở. Sau 20 năm cơm độn nước bương Tây Bắc vùng vẫy với thiên nhiên, thơ anh vẫn ít báo đăng, vợ chưa kịp lấy, cuộc sống rất khó khăn. Lòng yêu thơ của anh làm chúng tôi cảm phục, nhưng cứ ngậm ngùi thương, tiếc nuối cho anh…

- Xin tò mò hỏi nhà thơ một chút, tập thơ đầu tay "Cỏ mùa xuân" được nhiều nhuận bút không?

- Tập thơ mỏng nhưng nhuận bút được vì lượng in cao hơn bây giờ nhiều. Nhuận bút ấy đủ để cho tôi cưới vợ đấy. Cưới hồi đó "rẻ", chỉ bánh kẹo thôi. Nhưng vui lắm!

- Ngày đó, các nhà thơ thế hệ cùng thời với ông tâm thế bước vào con đường văn chương có khác lớp trẻ ngày nay không? Vì sao ông lại cho rằng, có cái thế hệ mình được, có cái thế hệ mình thua thiệt?

- Chúng tôi lợi thế hơn người làm thơ trẻ bây giờ ở chỗ, ngày đó ít người viết, chúng tôi không phải bỏ tiền ra để in thơ. Thêm nữa, chúng tôi được các nhà thơ đàn anh và bạn đọc ưu ái, trân trọng lắm. Không có sự cạnh tranh nào quyết liệt. Không phải mưu mẹo quảng cáo tiếp thị. Nó thuần. Và cũng hơi... "đần". Những hạn chế của tôi và các bạn thơ cùng lứa cũng xoay quanh cái sự "đần" ấy: hiểu biết thiên hạ, mở ra với thế giới không được sâu rộng. Nếu chúng tôi chỉ bơi lặn trong ao hồ, thì bây giờ các bạn đã ra biển lâu rồi. Còn một cái khác nữa là đời sống văn chương hồi đó trong trẻo hơn nhưng lại phiến diện và kém phong phú hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương!

                                                                                    Theo Thu Phương - CAND Online

















Các bài mới
Các bài đã đăng