Năm nay vừa tròn 134 năm Ngày sinh và 50 năm Ngày mất của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, hiệu Thúc Giạ Thị, sinh ngày 9-3-1877 và mất ngày 4-4-1961, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh, con vua Minh Mạng. Thân sinh của Ưng Bình là Tiểu Thảo Hường Thiết với hàn Hiệp tá Ðại Học sĩ, có nhiều sáng tác giá trị như: Tứ Tự Ca (viết về lịch sử Việt Nam); Liên Hiệp Nghiêm Thị Tập; Về một bản đồ nước Việt... Thân mẫu của Ưng Bình là Nguyễn Thị Huệ từng có nhiều bài thơ Nôm được truyền tụng trong dân gian như: Nhớ quê, Thượng Cầm Hạ Thú, v.v.
Cuộc đời và sự nghiệp của Ưng Bình Thúc Giạ Thị gần giống như Ðào Tấn, tuy cụ Ðào Tấn sinh trước 32 năm. Cụ Ưng Bình gần giống Ðào Tấn ở chỗ làm "quan nhà nước" thì ít mà làm "quan tuồng" thì nhiều. Cụ thể là hai người dành cả cuộc đời cho văn thơ và nghệ thuật sân khấu. Ưng Bình đã sáng tác gần 1.000 bài thơ và nhiều vở tuồng như Lộ Ðịch (bi hùng kịch), Tào Lao (hài kịch). Ðặc biệt vở tuồng Lộ Ðịch được Ưng Bình phóng tác từ tiểu thuyết Le Cid của Coóc-nen (Pháp). Ðây là vở tuồng đầu tiên soạn theo chuyện phương Tây và là một trong những vở tuồng có tuổi thọ biểu diễn rất cao. Nếu tính từ đêm công diễn đầu tiên (1936) đến nay Lộ Ðịch cũng đã có tới nghìn buổi diễn đạt kỷ lục trên sân khấu tuồng Việt Nam. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật tuồng. Phần lớn các kịch bản tuồng (hát Bội) được khai thác đề tài từ các điển tích cổ của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng nhà soạn tuồng Ưng Bình Thúc Giạ Thị không hướng vào kho điển tích này như những nhà soạn tuồng tiền bối, mà ông chọn tác phẩm văn học cổ điển phương Tây để chuyển sang tuồng Việt Nam. Không phải ông sùng bái văn học phương Tây, mà ông muốn thử nghiệm nghệ thuật, trước nhất là ông đã tìm thấy được những nét tương đồng giữa kịch bản tuồng truyền thống và kịch bản "Le Cid" của Coóc-nen về mặt nội dung và cấu trúc có chất bi hùng. Ðây là một kịch bản tuồng chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật tuồng Ðào Tấn (1845-1907). Và cũng như Ðào Tấn, Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết tuồng không chỉ để diễn, để mua vui cho công chúng, mà quan trọng hơn là đem đến cho người xem một thông điệp lớn hơn về tư tưởng, đẹp hơn về mặt thẩm mỹ và sâu hơn về tính nhân văn.
Tuy làm quan triều Nguyễn, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn mang trong mình tâm trạng buồn vì đất nước đang bị thực dân Pháp thống trị. Tâm hồn đó, tư tưởng đó được bộc lộ trong câu hò: "Chiều chiều trước bến Vân Lâu/Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm/Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/Thuyền ai thấp thoáng bên sông/Ðưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non...". Theo một số nhà nghiên cứu, thì đây là tâm sự của ông đối với nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong cuộc hành trình Ðông Du tìm đường cứu nước nhưng không thành. Riêng bản thân ông, yêu nước nhưng chưa tìm ra đường cứu nước, nên phải gửi gắm tâm sự của mình vào thơ ca và nghệ thuật sân khấu. Ðiều đó giải thích vì sao câu hò trên đã trở nên quen thộc với nhân dân xứ Huế và vở tuồng Lộ Ðịch cũng trở thành một trong những vở tuồng hay nhất, ăn khách nhất ở miền trung suốt từ khi ra đời (1936) cho đến hôm nay. Tôi nhớ, lúc còn thiếu niên đã được xem vở tuồng Lộ Ðịch do các nghệ sĩ tuồng Bình Ðịnh biểu diễn. Ấn tượng trong tôi về hai nhân vật Chi Manh và Lộ Ðịch thật sâu sắc, nhất là lớp "Lộ Ðịch dâng gươm". Ở đây tính bạo liệt được đan lồng trong tính trữ tình và nhân văn. Trong sân khấu tuồng rất cần những cảnh bạo liệt về nội tâm nhân vật để người nghệ sĩ bộc lộ được tính cách qua động tác, bằng ca hát và diễn xuất. Cho đến hôm nay, nhiều nơi vẫn mời các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Ðào Tấn đến biểu diễn vở Lộ Ðịch với diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ: Hòa Bình (vai Chi Manh), Xuân Hợi (vai Lộ Ðịch), Văn Vĩ (vai Lộ Yết)... Qua vở tuồng cho thấy, nghệ sĩ phải nắm vững nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống và biết tiếp thu những tinh hoa, những thủ pháp đẹp trong tuồng Xuân Nữ giữa đầu thế kỷ 20, để làm cho vở diễn trong sáng hơn, đẹp hơn và hấp dẫn hơn. Việc phục hồi thành công vở tuồng Lộ Ðịch từ các bản diễn cũ trong dân gian để trở thành vở tuồng hay có sức chinh phục khán giả hôm nay là một chứng minh vốn tuồng truyền thống vẫn là những di sản quý của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy đúng mức để công chúng hôm nay được thưởng thức tinh hoa của dân tộc.
Lòng yêu thích hát bội của Ưng Bình không chỉ qua sáng tác kịch bản tuồng mà còn thể hiện qua thi ca với nhiều bài thơ hay, thể hiện niềm say mê của ông với sân khấu tuồng.
Ưng Bình tự thuật: Vỹ dạ thôn có lão Vương Tôn là Thúc Giạ/Ưng ca, Ưng hát/Ưng giã gạo, hò khoan/Ham vui điệu cổ thì đàn/Nghe câu tuyệt xướng, muôn vàng cũng mua. Rõ ràng không có sự đam mê nào hơn đam mê hát bội trong vị Vương tôn Thúc Giạ này. Là một ông quan văn có tấm lòng yêu dân, yêu nước, cả đời chỉ làm việc tốt, việc nghĩa, Ưng Bình luôn ví mình là một kép hát chân chính trên sân khấu: Thủa ra sân khấu không làm rộn/Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi... Ðây là hai câu tuyên ngôn của Ưng Bình Thúc Giạ Thị thể hiện nhân cách của một nhà văn hóa.
Trong lịch sử sân khấu dân tộc, thật hiếm có những ông "quan tuồng" như Ðào Tấn, như Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Chính nhờ có những ông "quan nghệ sĩ" có lòng yêu dân, yêu nước mà nghệ thuật của cha ông ta mới được bảo tồn và phát huy. Việc tổ chức hội thảo, kỷ niệm 50 năm Ngày mất của danh nhân văn hóa Ưng Bình Thúc Giạ Thị là nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và đánh giá về những cống hiến của ông cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà.
Theo GS Hoàng Chương - NDĐT
|