Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo “Quảng Điền – Lịch Sử và Văn hóa: Những giá trị đặc trưng”
09:44 | 03/10/2011
SHO - Sáng ngày 30/9, tại Hội trường UBND huyện Quảng Điền đã diễn ra Hội thảo khoa học “Quảng Điền – Lịch Sử và Văn hóa: Những giá trị đặc trưng” do UBND huyện Quảng Điền tổ chức.
Hội thảo “Quảng Điền – Lịch Sử và Văn hóa: Những giá trị đặc trưng”
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của 30 nhà nghiên cứu, nhà giáo, các tác giả đến từ ĐH Khoa Học Huế, ĐH Sư Phạm Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Phân viện Văn hóa và Nghệ Thuật Việt Nam tại Huế, Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch,… với 25 tham luận đã được đóng góp. Các báo cáo khoa học đã đề cập đến nhiều vấn đề lịch sử và văn hóa quan trọng, đặc sắc của vùng đất Quảng Điền trên nhiều phương diện: sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, bào tàng học, phát triển du lịch…

 Các nhà nghiên cứu trình bày tại Hội thảo


Nội dung Hội thảo đặc biệt chú ý tới vấn đề trọng tâm như: Vùng đất Quảng Điền: một số vấn đề địa lý – chính trị, địa lí – văn hóa; quá trình mở đất lập làng và văn hóa làng xã Quảng Điền; những dấu ấn lịch sử và văn hóa đặc trưng trên đất Quảng Điền, danh nhân qua các thời kì lịch sử; những vấn đề về đầm phá Tam Giang và việc phát huy di sản văn hóa Quảng Điền trong bối cảnh hiện nay.

Di tích phủ Bác Vọng - Ảnh: TL


Các bài báo cáo trong Hội thảo đáng chú ý xoay quanh vấn đề dấu ấn Việt dần dần được khẳng định qua quá trình chinh phục tự nhiên khắc nghiệt, từng bước chiếm lĩnh miền sông nước. Lịch sử lập làng được trình bày rõ nét qua các bài viết được trình bày như “Tổng quan về việc khai canh lập ấp ở Quảng Điền” của tác giả Trần Đại Vinh; “Quá trình di dân lập làng trên đất Quảng Điền thời quân chủ” của TS.Nguyễn Văn Đăng và “phá Tam Giang ngày rày đã cạn: Người Việt tiếp cận miền sông nước Tam Giang và sự hình thành vùng đất Quảng Điền” của tác giả Trần Đình Hằng.

Về dấu ấn văn hóa Champa trên đất Quảng Điền được khẳng định qua sự nghiên cứu công phu của tác giả Nguyễn Văn Quảng với bài viết “Các di tích văn hóa Champa trên địa bàn huyện Quảng Điền” và bài viết “Nhận xét về thành Hóa Châu qua điều tra khảo cổ học” của nhóm tác giả trường ĐH Khoa Học Huế.

Khai quật di tích thành cổ Hóa Châu - Ảnh: Netcodo


Đặc biệt, Hội thảo cũng đã đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Quảng Điền trong bối cảnh mới. Bài viết “Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở Quảng Điền – thực tiễn và những vấn đề đặt ra” của tác giả Cao Huy Hùng; “Quảng Điền nhìn từ di sản văn hóa lịch sử” của tác giả Phan Thanh Hải và “Mô hình L.A.T ý tưởng cho sự đa dạng hóa và tập trung hóa sản phẩm du lịch vùng đầm phá Thừa Thiên Huế” của tác giả Nguyễn Hữu Thông.

Hội thảo đã góp phần phác họa ngày càng rõ nét hơn diện mạo lịch sử và văn hóa Quảng Điền, phát hiện và định hướng phát triển các di sản đặc trưng của vùng đất có truyền thống văn hóa. Trên cơ sở nội dung trao đổi các bài viết tại Hội thảo, Ban Tổ chức có ý định tập hợp để xuất bản sách, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của nhân dân huyện Quảng Điền.
 
PV














 
Các bài mới
Các bài đã đăng