Tạp chí Sông Hương -
Tín hiệu của một xã hội tiến bộ
08:30 | 04/10/2011
Trong bài trước, người viết đặt vấn đề tìm hiểu về nghệ thuật cộng đồng nhìn từ góc độ lịch sử và văn hoá hiện tại của Việt Nam. Bài kỳ này trình bày quan điểm của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng về các hình thái nghệ thuật cộng đồng trên nhiều bình diện xã hội, đồng thời đưa ra cái nhìn riêng của ông về loại hình nghệ thuật phổ quát này.
Tín hiệu của một xã hội tiến bộ
Điêu khắc ngoài trời phỏng từ tranh của Keith Haring tại Berlin, Đức.

Nghệ thuật cộng đồng là một khái niệm mới mà cũ ở Việt Nam, vì phần nào đó chúng từng tồn tại trong lịch sử, trong thời cận đại và hiện đại, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau và cũng có hình thức khác nhau. Nghệ thuật cộng đồng trong xã hội phong kiến cổ thường được định hướng bởi tôn giáo (Phật giáo hoặc Nho giáo) hoặc từ Nhà nước. Từ những công trình kỳ vĩ như các kim tự tháp ở Ai Cập, đền Angkor Wat ở Campuchia, Borobudur ở Indonesia, hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng (Trung Quốc), hang Ajanta ở Ấn Độ, nhà thờ Đức Bà ở Paris đến những công trình nhỏ lẻ ở Việt Nam như chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Thầy, đền Đinh – Lê ở Ninh Bình, đều là những ví dụ của trí tuệ và công sức xã hội gây dựng dưới một ý thức hệ thống nhất từ Nhà nước và thần quyền. Từ đó dẫn đến một kết quả chung cho nhiều thời đại trong lịch sử là toàn xã hội đóng góp xây cất những công trình chung, thống nhất cả về tư tưởng tới hình thức, không thay đổi, kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Một điểm quan trọng khi nhìn nhận về nghệ thuật cộng đồng là chúng ta cần phân biệt các hình thái nghệ thuật nói trên với nghệ thuật cộng đồng trong xã hội dân chủ, và trong xã hội đang đòi hỏi phát triển dân chủ, bởi những xã hội này có nghệ thuật cộng đồng khác hẳn nhau, rất đa dạng về hình thức, và thay đổi linh hoạt theo sự chuyển biến nhanh chóng của xã hội.

Ví dụ trong xã hội dân chủ chủ nô thời Hy Lạp, cũng có nghệ thuật cộng đồng, đó là mọi người từ tầng lớp trên tới tầng lớp dưới đều có quyền được xem sân khấu, đấu võ, thể thao, bầu cử. Ngay cả ở xã hội dân chủ tư sản hiện đại, có thời nghệ thuật cộng đồng không phát triển, mà do các cá nhân quyết định. Một bộ phim, một bức tranh, một cuốn sách hoàn toàn do cá nhân, không ai làm tập thể cho điều đó. Nhưng như thế nghệ thuật lại dần quý tộc hoá theo kiểu khác và quá khó cho bình dân. Từ đó mới sinh ra một thứ nghệ thuật cộng đồng khác, mới, làm sao cho dễ hiểu, dễ thực hiện và nhiều người đều có thể tham gia vào: đó là pop art của Andy Warhol và Roy Lichtenstein; graffiti của Keith Haring và Banksky; nghệ thuật thông tục ở Trung Quốc đầu những năm 80 thế kỷ trước với Từ Băng (Xu Binh), Trương Hiểu Cương (Zhang Xiaogang) hay Lương Thạc (Liang Shuo); installation, performance, video art, land art ở Mỹ và phương Tây... đều là những thứ có tính cộng đồng. Một đặc điểm nổi bật của các loại hình nghệ thuật này là tính mở rộng hết cỡ ở quy mô, vật liệu và kỹ thuật, mọi tầng lớp xã hội, trong đó ai tham gia cũng được, không đúng nghề cũng được, không được đào tạo cũng được, làm đến đâu, thế nào cũng được.

Một tác phẩm installation kết hợp land art của Christo – Claude có tên Cánh cổng ở công viên trung tâm New York , Mỹ năm 2005.


Khi chúng ta bắt đầu đặt vấn đề phát triển dân chủ, sự xuất hiện nghệ thuật cộng đồng là cần thiết, vì trước đây nghệ thuật luôn bị chính trị định hướng, nguời ta được đọc xem những thứ đã quy chuẩn, và không có điều kiện hoạt động nghệ thuật. Quá trình tham gia nghệ thuật cộng đồng cũng là học hỏi thêm văn hoá và dân chủ. Đây là điểm quan trọng nhất, vì ở mỗi nước, tuỳ theo chính trị và văn hoá, phong kiến hay dân chủ, nguời ta luôn có nhiều chương trình cho họ về hoạt động cộng đồng. Như y tế cộng đồng, giáo dục cộng đồng, môi trường cộng đồng, hướng đạo sinh, nghệ thuật cộng đồng với mục đích là khuyến khích, hướng dẫn sống sao cho tốt hơn, chứ không nhằm mục đích giá trị nghệ thuật. Cho đến khi xuất hiện nhu cầu về nghệ thuật cộng đồng, chắc chắn đó là tín hiệu của một xã hội thực sự tiến bộ và dân chủ.

                                                                Theo Phan Cẩm Thượng - SGTT.VN













Các bài mới
Các bài đã đăng