Mặc dù không nổi tiếng và được công nhận nhanh chóng như chị gái Charlotte Bronte (tác giả tiểu thuyết "Jane Eyre"), song Emily Bronte lại được các nhà nghiên cứu sành sỏi ghi nhận là sâu sắc, tầm vóc hơn cả. Như rượu ủ càng lâu càng ngấm, thời gian đã ngày càng chứng minh sức sống dẻo dai, mãnh liệt của "Đỉnh gió hú" (có bản dịch là "Đồi gió hú"), đúng như học giả Wuthering Heights nhận xét: "Đó là tác phẩm mà mỗi lần đọc người ta đều có thể tìm thấy điều kỳ bí thu hút mới"...
Mảnh mai mà rắn rỏi
Theo các thành viên trong gia đình kể lại thì Emily là một phụ nữ có vóc dáng mảnh khảnh, miệng rộng, nước da mai mái và đôi mắt thì hoang hoải cô đơn. Khác với những thiếu nữ cùng thời, nàng dường như không mấy chú ý tới phục trang. Cách ăn vận của nàng luôn bị chê là "lỗi thời". Thậm chí, cách đi đứng có vẻ giống với con trai hơn là con gái. Nói chung, Emily có lối sống khép kín, không lưu tâm đến cái nhìn của người khác giới đối với mình. Ý thích lớn nhất một thời của nàng là được lang thang trên những vùng đồng cỏ hoang vắng xứ Yorkshire với chú chó tên gọi Keper mà nàng chăm nom và cưng chiều như một đứa em.
Nhưng, đúng như nhận xét của Giáo sư Heger, trong cái đầu nhỏ bé của Emily "chứa đựng cả một nghị lực mạnh mẽ". Nàng "không bao giờ chịu đầu hàng cuộc sống". Chuyện kể rằng, ông Patrick Bronte - cha nàng từng dạy cho nàng (duy nhất trong mấy chị em) cách bắn súng phòng khi gặp trộm cướp. Cả nhà đều trông mong vào khả năng bắn súng của nàng. Một lần, Emily không may bị chó cắn. Đề phòng con chó này bị điên, nàng đã chạy thẳng vào bếp, tự tay nung một thanh sắt đỏ rồi dũng cảm gí thanh sắt vào vết thương (như thể một cách khử trùng).
Emily có một người em trai nghiện bạch phiến. Có thời kỳ, do bệnh tật cùng với chuyện thất tình, Banwell - tên cậu em này - đã rơi vào cơn khủng hoảng tồi tệ. Cậu trở nên đãng trí và có lúc, gần như điên loạn, luôn thủ dao trong người với "tuyên bố" đi tìm quỷ Satan để giết. Ngôi nhà mấy chị em Emily sinh sống như thể một bệnh viện tâm thần. Người cha phải ngủ bên giường con trai để trông nom. Có lần thức dậy, trông thấy ông Patrick, câu đầu tiên thốt lên từ miệng cậu con bệnh hoạn là: "Tôi rất ngạc nhiên là tại sao không giết ông chết?".
Sống bên người tâm thần nguy hiểm là thế, vậy mà Emily không hề ngần ngại. Nàng thậm chí còn thay cha chăm sóc em hết sức tận tình. Không ít đêm, nàng thức đợi Branwell say xỉn cất bước trở về, đưa em vào giường nằm, xong xuôi đâu đấy mới chịu đi ngủ.
Người thích ẩn danh
Emily là mẫu phụ nữ thích ẩn mình trong những đam mê riêng, không muốn ai can thiệp vào những cái thuộc về đời tư. Có thời gian, nàng bí mật làm thơ và một ngày nọ, trong khi dưỡng bệnh, người chị gái Charlotte đã bất ngờ phát hiện ra bản thảo viết tay của cô em gái. Vì việc làm thơ là trò chơi bí mật chỉ riêng Emily và cô em gái Anne của nàng biết với nhau nên Emily rất giận dữ khi thấy Charlotte "xía vô". Sau vụ này, Charlotte đã phải rất cố gắng mới "bình thường hóa" quan hệ được với Emily. Dần dà, Charlotte cũng thuyết phục được Emily phối hợp cùng Anne và mình in chung một tập thơ. Emily đồng ý với điều kiện tất cả ba chị em phải ký bút danh đàn ông (thời bấy giờ, việc phụ nữ viết văn, làm thơ luôn bị công luận định kiến, xem thường). Vậy là, năm 1846, khi Emily ở tuổi 28, tập thơ mang tên "Tuyển thơ của Currer, Ellis và Acton Bell" được ấn hành. Charlotte Bronte lấy tên Currer Bell, Emily Bronte lấy tên Ellis Bell và Anne Bronte lấy tên Acton Bell (những chữ đầu của bút danh cũng chính là chữ đầu trong tên thật của họ). Kinh phí xuất bản do ba chị em bỏ tiền túi ra lo. Tập thơ hầu như không gây được sự chú ý nào trong công luận và việc phát hành thì vô cùng khó khăn. Ngoài một cuốn được người đảm nhiệm khâu xuất bản mua giúp, còn thì sách chỉ bán được thêm một cuốn nữa.
Không nản chí trước thất bại của tập thơ đầu tay, cả ba chị em nhà Bronte thầm giao ước với nhau: Mỗi người phải gắng viết xong những cuốn tiểu thuyết riêng của mình mà họ đã thai nghén từ những năm trước.
Đầu năm 1847, cả ba cuốn tiểu thuyết: "Jane Eyre" của Charlotte Bronte, "Đỉnh gió hú" của Emily Bronte và "Agnes Grey" của Anne Bronte đều được hoàn tất. Tuy nhiên, khi bản thảo được gửi tới nhà xuất bản, chỉ cuốn tiểu thuyết của bà chị Charlotte là thuận buồm xuôi gió. Tháng 10 năm ấy, tức là chỉ hơn một tháng gửi tới nhà xuất bản, "Jane Eyre" được phát hành và ngay lập tức, gây được tiếng vang trong công luận. Cuốn "Đỉnh gió hú" của Emily, mặc dù không được chủ nhà xuất bản "mặn mà", song cuối cùng, vào tháng 12 năm đó cũng đã được in ra (đồng thời với cuốn "Agnes Grey" của Anne). Điều đáng tiếc là cả hai cuốn này, vì lý do nào đó đã được in ra một cách hết sức cẩu thả (chủ nhà xuất bản không cho soát xét, sửa theo những lỗi các tác giả ghi trên bản thảo), khiến người đọc kêu giời vì những lỗi chính tả.
Tất nhiên, với cuốn "Đỉnh gió hú", người đọc còn "kêu" vì một lẽ khác: Nó bị cho là có cách nhìn "man dại", có những điểm trái với khuynh hướng lãng mạn của phần đông các tác phẩm văn học thời ấy.
Cũng giống như ở tập thơ in chung trước, với cuốn tiểu thuyết này, Emily vẫn ký tên là Ellis Bell. Để xoa dịu sự công kích của dư luận với tác giả cuốn sách, Charlotte đã cho công bố tên thật của Ellis Bell. Một lần nữa, việc làm này đã khiến Emily phẫn nộ. Nàng không muốn người chị tài năng can thiệp vào sở thích riêng của mình. Năm 1850, hai năm sau khi Emily qua đời, Charlotte mới thực hiện được việc cho xuất bản "Đỉnh gió hú" với tên thật của cô em gái: Emily Bronte.
Gia đình bất hạnh
Ta có thể nói như vậy về gia đình Emily Bronte. Một gia đình gồm cha mẹ và 6 người con, vậy mà ngoại trừ người cha (ông Patrick Bronte) còn thì tất cả đều không vượt qua cái ngưỡng tuổi 40. Mẹ của Emily mất vì căn bệnh ung thư khi mới 38 tuổi. Hai người chị đầu của nàng là Maria và Elizabeth cũng mất vì bệnh lao khi mới hơn mười tuổi. Người em trai Branwell - như ở phần trên đã đề cập - cũng chết khi còn rất trẻ, mới 31 tuổi. Bản thân Emily cũng chỉ sống trên dương thế được có 30 năm. Và Anne - cô nàng này cũng đã "đi theo" Emily sau khi nàng qua đời được 5 tháng. "Trụ" được lâu hơn cả trong mấy chị em là Charlotte thì rồi cũng mất năm 1855, khi mới 39 tuổi. Tội nghiệp ông Patrick Bronte, ông sống để rồi chứng kiến hết thảy những người thân trong gia đình lần lượt nối nhau ra đi về miền xa vắng. Thật là một gia đình bất hạnh!
Xung quanh cái chết của Emily cũng có nhiều chuyện lạ. Theo một số tài liệu thì Emily bị cảm lạnh trong buổi lễ chôn cất cậu em trai Branwell. Thay vì chữa chạy, nàng kiên quyết không cho mời bác sĩ, không chịu dùng thuốc và thậm chí cũng không chịu nghỉ ngơi dưỡng sức. Nàng câm lặng trước mọi lời thăm nom của Charlotte và Anne. Nàng sống như một cái bóng. Kể từ sau cái chết của Branwell, nàng không một lần bước chân ra khỏi nhà. Trong ngày cuối cùng của đời mình, như linh cảm được cái chết đã tới rất gần, Emily trở dậy thay đổi trang phục. Từ họng nàng phát ra tiếng thở nặng nhọc. Sau một cơn ho rũ ruột, nàng quay sang nói với người vú em: "Nếu vú cho mời bác sĩ tới, con sẽ vui lòng khám bệnh ngay". Nàng nói vậy là muốn chiều lòng người thân bởi đã mấy tháng nay, nàng nằng nặc khước từ mọi sự săn sóc của họ. Nàng muốn cải thiện tình hình trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Nhưng dường như tất cả đã muộn. Bởi chỉ một giờ sau đó, Emily đã tắt thở.
Ở phần đầu bài viết, chúng tôi có nhắc tới con chó Kepeer - từng được Emily yêu quý như một đứa em. Đúng vào phút Emily trút hơi thở cuối cùng, ở ngoài cửa phòng của nàng, Kepeer đã bất thần cất lên một tiếng hú dài. Và suốt nhiều tuần sau đó, nó liên tục cất lên tiếng hú thể hiện nỗi nhớ thương chủ da diết.
Trong "Đỉnh gió hú" cũng có nhiều nhân vật chết sớm vì bệnh tật. Những thực tế đau buồn xảy đến với gia đình Emily đã ít nhiều được nàng đưa vào trang sách. Duy chỉ có cái chết của chính mình là Emily không phản ảnh được mà thôi…
Theo Trần Trọng Nghĩa - CADN.com.vn
|