Tạp chí Sông Hương -
Tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phong độ nhất thời nhưng đẳng cấp là mãi mãi
09:08 | 04/10/2011
Trong làng văn vốn nhiều hương sắc, Đỗ Chu là tác giả thuộc diện “của hiếm” có giọng văn riêng. Cõng chữ mà lập nghiệp, bước đường văn học của ông luôn đi trên triền cao. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, phong độ nhất thời, còn đẳng cấp là mãi mãi thì thật không thiên vị nhìn nhận Đỗ Chu là một nhà văn đẳng cấp.
Tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phong độ nhất thời nhưng đẳng cấp là mãi mãi
Nhà văn Đỗ Chu

Văn nghiệp của Đỗ Chu không quá đồ sộ, đầu sách của ông có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng nhà văn có tên thật là Chu Bá Bình này đã viết là ra tấm ra món. Trình làng văn thủa mười tám đôi mươi, những truyện ngắn của cây viết Đỗ Chu đã gây được tiếng vang, đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1963. Nhà văn Nguyễn Khải đến cuối đời vẫn tấm tắc khen mãi những tác phẩm đầu tay của nhà văn xứ Kinh Bắc sinh năm 1944 này. Cho đến nay, tập truyện Hương cỏ mật – xuất bản 1963 và Phù sa – 1967 vẫn để lại những áng văn chương đẹp, làm mê hoặc người đọc nhiều thế hệ. Phát lộ sớm, vậy mà trên đường văn Đỗ Chu cứ túc tắc đi. Phải đôi ba năm nhà văn của Hương cỏ mật mới rót cho đời một tập sách. Kể cũng phải, văn chương Đỗ Chu hướng tới cái đẹp câu chữ. Lớp lang tư tưởng, chi tiết… trong những tác phẩm của ông dày đặc, nhưng đan xen nhuần nhị, dung dị, văn lại đẹp như vậy ắt phải viết lâu và trau chuốt như đất dưới sông phải tích tụ lâu lắm mới thành phù sa.

Thể tài sở trường của Đỗ Chu là truyện ngắn. Ngoài một tập bút ký và hai tập tùy bút, tản mạn, văn nghiệp của ông chủ yếu là truyện ngắn: Hương cỏ mật, Phù sa, Gió qua thung lũng, Tháng hai, Trung du, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Một loài chim trên sóng… Với đoản thiên văn xuôi, ông gặt h á i nhiều giải thưởng văn học. Năm 2003, Một loài chim trên sóng đã đoạt giải thưởng cao của Hội Nhà văn VN và một năm sau đó, với tác phẩm này Đỗ Chu nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Nói như nhà văn Nguyên An, dường như cả đời “Đỗ Chu chỉ làm mỗi việc, là viết”. Để lại cho đời những áng văn chương đã quý, Đỗ Chu còn tạc vào làng văn một con người, một nhân vật khó quên, không thể lẫn vào ai.

Cứ tạm xem Đỗ Chu là một cây đa cây đề trong làng “phu chữ” hiện nay. Thế nhưng, hội họp hay sự kiện văn chương nào ông cũng lẳng lặng ngồi hàng ghế sau. Để ý thấy chẳng mấy khi ông ngồi một chỗ. Càng những cuộc đông người thì ông càng la cà, chuyện người này tí, trò người kia lát. Khiêm nhường và quần chúng ra thế, nhưng hễ cứ đăng đàn là Đỗ Chu khí khách ra phết. Còn nhớ trong buổi tọa đàm Văn học VN và Văn học Trung Quốc, Đỗ Chu nói khiến nhiều người sởn da gà: Trung Quốc là nước lớn nhưng không dễ bắt nạt VN. Tính lão Chu vốn ham chuyện và hay la cà. Một dạo ông hay qua quán nước chè trước cổng Đại sứ quán Ấn Độ trên đường Trần Hưng Đạo – HN hàn huyên với họa sĩ Toàn ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ VN. Lại có đợt tôi thường thấy ông ra quán trà đá gốc cây gần NXB Hội Nhà văn VN. Lần nào cũng vậy, “món” yêu thích của lão nhà văn là thuốc lào. Bắn đôi ba điếu, hàn huyên chuyện trên trời dưới bể, ông lại hỏi như chưa bao giờ hỏi: “Mày có viết lách văn chương gì không?”. Nhận cái lắc đầu, lão nhà văn lại gật gù: “Ừ, văn chương vinh quang nhưng khổ lắm”.

Chẳng biết người một đời theo nghiệp văn như Đỗ Chu có khổ thực không? Nhưng đến nhà ông kiểu gì cũng có thuốc ngon, trà thơm. Dạo ông ở Khu tập thể Nam Đồng, phòng ông luôn bày đủ thứ cọ vẽ cứ như thể ngoài viết lách, “tiếu ngạo giang hồ” với bạn bè chu du khắp chốn, ông chẳng bận tâm đến mấy cái lo của cuộc sống thường ngày vặt vãnh. Tính ông ham vui mà xởi lởi là vậy, nhưng bức tranh sơn dầu khổ lớn treo chính giữa nhà ông thật buồn với ngôi nhà hiu quạnh bên cây um xùm, lặng lẽ trong ráng chiều bão bùng. Văn Đỗ Chu cũng vậy, hóm hỉnh và pha trò duyên ra phết nhưng đầy triết lý, thâm trầm sâu sắc. Người đó, văn ấy nên chẳng lạ khi những năm gần đây ông lại lên đỉnh văn chương khi tạm gác truyện ngắn chuyển sang viết tản mạn, tùy bút.


Ngay “phát đầu” với thể loại tùy bút, cuốn Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu đã nổ tiếng vang. Sách dài gần 400 trang nhưng chỉ vẻn vẹn 15 bài viết. Lối tùy bút đó phải nói là dài trong “Thời của Chân dài/ Của Phím Enter… Thời của những cuộc tình chóng vánh” nhưng Tản mạn trước đèn vẫn cuốn người đọc đi từ trang này sang trang khác. Lọ chuyện nọ, xọ chuyện kia, tùy bút của Đỗ Chu đề cập thân phận của nhiều lớp người từ bác nông dân, “Ông già ngồi dịch Đăm Săn”, vị tướng tài thao lược đến cả bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Washington ngày nhậm chức… Đả động đến nhiều vấn đề to tát, nào là sự kiện VN chính thức bước vào AFTA, kinh tế tri thức và cả những nỗi buồn vẩn vơ của người đời rất dung dị, lối viết Đỗ Chu lúc đặm buồn, suy tư triết lý, lúc hóm hỉnh, mơn man… Lắng lòng đọc đoạn tự trào trong bài viết Trời Điện Biên mây trắng rất hóm của Đỗ Chu không thể không bật cười khi có người tưởng ông là nhà văn Chu Văn, lúc khác lại cô hiệu trưởng trường huyện mời lên nói chuyện văn chương vì nhầm ông là Chu Lai…

Tủm tỉm mà cười ngay cả khi đọc những trang văn của Đỗ Chu về những vấn đề nghiêm túc mà ông đầy tâm huyết. Cái tài của ông là “đá” từ chuyện này sang chuyện kia rất tự nhiên, tạt ngang tạt ngửa chuyện Đông chuyện Tây đủ cả… nhưng lắng lại vẫn là những chiêm nghiệm sâu lắng. Nhiều câu văn Đỗ Chu đầy triết lý đáng để người đời ghi lại như một bài học, châm ngôn, giả như: “Yêu nước là rất quý nhưng lại còn phải biết yêu nước” hay “Đồng tiền mà ở vị trí đầy tớ thì nó sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng để nó làm ông chủ còn mình chuyển xuống làm đầy tớ cho nó thì nó sẽ là một ông chủ tồi”… Với Tản mạn trước đèn, nhà văn Đỗ Chu lại đi trên triền cao văn chương khi cuốn sách tùy bút này đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn VN 2005. Cùng với tập truyện Một loài chim trên sóng và Tản mạn trước đèn, Đỗ Chu xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Thừa thắng xông lên, mới đây nhà văn Đỗ Chu lại trình làng tập tùy bút thứ hai mang tên Thăm thẳm bóng người. Ngay đợt đầu phát hành, sách đã được in 2.500 cuốn, một con số mơ ước trong thời “người người làm sách, nhà nhà làm sách” như hiện nay. Ban đầu ông định đặt tên cho tác phẩm là Miên man tùy bút rồi lại đổi tên sách theo lý luận là trong miên man có thăm thẳm, trong thăm thẳm có miên man. Lại thêm một cột mốc của Đỗ Chu, ghi nhận sự lao động miệt mài và nghiêm túc của ông trong nghiệp văn. Cùng với Tản mạn trước đèn và Thăm thẳm bóng người, ở tuổi lục tuần Đỗ Chu lại phát lộ một đẳng cấp mới trong văn chương với thể loại tản mạn, tùy bút. Nhưng với nhà văn luôn đi trên triền cao văn chương này, ông lại hóm hỉnh: “Không thì gọi tản mạn hay miên man tùy bút là mơn man, tức sờ soạng cũng được”.

                                                                                                 Theo Phúc Anh - VH
















Các bài mới
Các bài đã đăng