Đây là triển lãm lần thứ hai chỉ trong vòng ba năm của một người Thái có gần 20 năm (1987-2006) làm việc ở Việt Nam. “Ngoài công sở thì tôi có thú vui chơi đồ cổ. Cách đây ba năm, một người bán đồ cổ bỗng dưng hỏi tôi mua tranh không. Tôi xem qua tranh, ngẫu hứng mua về, không ngờ là trúng được tranh quý” - ông Tira vừa kể vừa liên tục tủm tỉm cười vẻ thích thú.
Loạt tranh quý mà ông Tira kể, chính là khoảng hơn 200 tác phẩm của các họa sĩ xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được giới thiệu trong cuốn Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại (NXB Mỹ Thuật 2010). Những tác phẩm ký họa và tranh vẽ giai đoạn 1947-1967 (từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ) của một lớp nghệ sĩ tên tuổi trong nền hội họa Việt Nam, được hai nhà nghiên cứu mỹ thuật là Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Anh Tuấn viết lời tổng quan và chú giải chi tiết. Song song với việc ra mắt sách là một triển lãm nhân Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được giới chuyên môn lẫn công chúng quan tâm, tán thưởng.
2 “Nhờ biết tiếng Việt nên sau khi mua tranh tôi lại đi mua sách về đọc. Thú thật là tôi chỉ đọc sách hội họa sau khi mua số tranh đó. Sau đó, thông qua giới chơi đồ cổ, tôi làm quen với các họa sĩ, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam để học hỏi thêm. Tôi thích mua tranh cũ, vì qua tranh tôi có thể đọc được câu chuyện Việt Nam trong quá khứ, cũng như hiểu được cuộc đời của từng người nghệ sĩ. ” - ông Tira chân thành tâm sự.
Tiếp tục sưu tập tranh của các danh họa Việt Nam, năm 2011 ông Tira sở hữu thêm tranh của Bùi Xuân Phái, Công Văn Trung, Nguyễn Văn Bình... Gần đây nhất, ông Tira lại mua được tranh từ bộ sưu tập của ông Petro Paris (nguyên là tham tán thương mại Đại sứ quán Ý làm việc tại Hà Nội). Ông Petro Paris mất, vợ ông (là người Thái Lan) đã bán khoảng 50 bức tranh từ bộ sưu tập của chồng cho ông Tira. Có thể nói đây là lần thứ hai ông Tira gặp duyên may khi mua được tranh quý, bởi trong bộ sưu tập này có gần như đầy đủ tác phẩm của những nghệ sĩ đặt nền móng cho hội họa hiện đại Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung...
3 Xem tranh của các họa sĩ Việt Nam từ bộ sưu tập của ông Tira thấy vừa thích thú vừa chạnh buồn. Theo thông tin từ giới sưu tập và cũng qua xác nhận của chính ông Tira, những tác phẩm giá trị được giới thiệu trong cuốn Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại sau triển lãm năm 2010 tại Hà Nội đã được Bảo tàng Singapore đàm phán và mua lại. Vậy là rất nhiều tranh vẽ hiện thực rất đẹp, có giá trị về mặt tư liệu của nhiều họa sĩ tài năng đã đi ra nước ngoài.
Chạnh lòng khi nghĩ lại bộ tranh được xem là quan trọng và vô giá đối với hội họa Việt Nam hiện đại lại từng được bán như một mớ đồng nát giấy lộn. Nếu như ông Tira không tình cờ mua rồi chịu khó tìm tòi sách vở, tra cứu, rồi nhờ người viết giới thiệu thì sao? Thì rất có thể những tác phẩm ấy đã cùng chung số phận với đồng nát.
Ông Tira không giấu mình là người kinh doanh “thuận mua vừa bán”, nhưng ông cũng không giấu mình là người yêu mến Việt Nam. Việc ông tự bỏ tiền túi in sách mỹ thuật tiếng Việt, tổ chức triển lãm tại Việt Nam với ý nghĩ “sẽ là điều đáng tiếc nếu những tác phẩm hội họa quan trọng cứ dần biến mất một cách vô ích mà không được giới thiệu tại quê hương”. Bình luận về chuyện bán tranh của ông Tira, một nhà sưu tập tranh có tiếng tại TP.HCM cho rằng: “Bảo tàng Singapore may mắn, ông Tira may mắn, mà các họa sĩ Việt Nam cũng may mắn. Vì sao? Vì bảo tàng họ mua được tranh quý, ông Tira bán được tranh, còn họa sĩ Việt Nam thì ít ra có được nơi tử tế để lưu giữ tranh mình”.
Theo Việt Quê - TT
|