Nhân kỷ niệm 50 năm Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, Cục điện ảnh đã tổ chức một tuần phim lớn, với những bộ phim truyện, tài liệu đặc sắc, công phu. Nhiều phim đặc sắc về biển đảo được trình chiếu. Tuần phim diễn ra từ ngày 18-10-2011 đến ngày 24-10-2011 trong phạm vi cả nước. 50 năm là mốc kỷ niệm lớn đối với sự kiện mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011), vì vậy Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 3031/QĐ-BVHTTDL ngày 26 -9-2011 chỉ đạo Cục Điện ảnh phối hợp với Công ty FAFIM Việt Nam, Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Công ty điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng cả nước triển khai kế hoạch tổ chức tuần phim chào mừng. Những phim tiêu biểu được chọn chiếu như: Phim truyện Video "Đảo chìm”, phim tài liệu "Sóng nhà giàn”, "Đường mòn trên biển Đông” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, phim tài liệu "Đảo Lý Sơn”, "Lớp học trên biển” (Chữ trên sóng), "Con đường huyền thoại” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất. Lễ khai mạc tuần phim sẽ được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 87 Láng Hạ, Hà Nội lúc 19h30, thứ 3 ngày 18-10-2011. Trong Tuần phim này, Cục Điện ảnh sẵn sàng cung cấp phim cho một số Công ty, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng ở các địa phương có nhu cầu trình chiếu thêm một số bộ phim khác như: Phim truyện nhựa: "Những bức thư từ Sơn Mỹ”, Tây Sơn hào kiệt, Cánh đồng hoang... Những phim tài liệu như: Thành phố lúc rạng đông, Văn miếu Quốc Tử giám... Cũng dịp này, Cục Điện ảnh tiếp tục chỉ đạo FAFIM Việt Nam phát hành các bộ phim truyện nhựa từng gây nhiều tiếng vang như: "Đừng đốt, Nhìn ra biển cả, Được sống, Sinh mệnh, Đường thư...”, những phim tài liệu như: "Bước ngoặt, Thời cơ thần tốc, Cao nguyên đá, Bức tượng đài vĩnh cửu...”, đã từng chiếu trong các Tuần phim, Đợt phim trước đây. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh, thành phố sẽ liên hệ với Công ty FAFIM Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra Cục Điện ảnh sẽ in phim tài liệu "Đường mòn trên biển Đông”, "Đảo chìm” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, phim "Lớp học trên biển”, "Con đường huyền thoại” cho các địa phương nhằm tuyên truyền cho miền núi theo chuyên đề "Biển và hải đảo Việt Nam”. Trong số những phim được chiếu nhân dịp kỷ niệm, đáng chú ý ở mảng phim truyện là phim truyện video "Đảo chìm”. Phim do Hãng Phim Tài liệu và khoa học trung ương sản xuất năm 2004, có thời lượng 86 phút, kịch bản Nguyễn Thu Dung, đạo diễn Trần Phi. Phim được chuyển thể theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Đăng Khoa. Nếu đảo Trường Sa lớn được ví như thủ phủ của quần đảo Trường Sa thì "đảo chìm” được xem như những vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó trên biển Đông sóng gió. Chuyện phim kể về cuộc sống khó khăn gian khổ của những chàng trai tuổi đời mười tám, đôi mươi làm nhiệm vụ canh giữ đảo. Trong họ ai cũng có khát khao, hoài bão và một khoảng trời riêng để nhớ về. 5 người lính canh giữ đảo chìm là 5 số phận, 5 mảnh đời mang trong mình nỗi nhớ về đất liền khác nhau: có người nhớ về quê hương là nhớ về tiếng gọi gà của mẹ buổi tối, hay cũng có người nhớ về khung cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, cũng có người nhớ về ánh mắt của người yêu nhìn xa xăm mỗi lần ra ngắm biển... Nhưng ở họ có cùng một điểm chung đó là khát vọng sống, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Giữa bốn bề mênh mông sóng nước họ luôn khát khao tình cảm, và sẽ rất xúc động mỗi khi nhận được thư gửi ra từ đất liền. Ở nơi đầu sóng này, nỗi nhớ nhà luôn thường trực, sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc, những thiếu thốn về vật chất càng làm cháy lên trong trái tim những người lính đảo tình yêu thương gắn bó giữa tình đồng chí đồng đội, tình cảm ấy đã giúp họ vượt qua những nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ. Ở mảng phim tài liệu là phim tài liệu nhựa "Đường mòn trên biển Đông”. Phim do Hãng phim Quân đội phối hợp với Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam (nay là Viện Phim Việt Nam) sản xuất năm 1995. Phim có thời lượng 80 phút. Nội dung: Ghi lại những dấu tích, con người và con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ca ngợi các chiến sĩ đoàn tàu không số đã tạo nên một huyền thoại về con đường vận tải biển, có những đóng góp không nhỏ cho chiến thắng trong cuộc kháng chiến cách mạng của dân tộc. Một bộ phim tài liệu nhựa mới hoàn thành năm 2011 của điện ảnh quân đội là "Sóng nhà giàn” với thời lượng 22 phút. Phim có nội dung kể về cuộc sống hàng ngày vật lộn cùng sóng gió, vững tay súng canh gác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại các hòn đảo chìm của quần đảo Trường Sa... Theo Từ Khôi – ĐĐK |