Tạp chí Sông Hương -
Đêm Hát xoan tại Bảo tàng Dân tộc học: Hoạt động quảng bá quan trọng với UNESCO
15:13 | 13/10/2011
Hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ” sẽ được UNESCO xem xét các tiêu chí có được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào tháng 11 tới tại Bali, Indonesia hay không?. Nhằm mục đích quảng bá tập trung cho các vị khách của UNESCO và khách quốc tế, vào tối 15-10, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) sẽ tổ chức "Đêm hát Xoan Phú Thọ” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Đêm Hát xoan tại Bảo tàng Dân tộc học: Hoạt động quảng bá quan trọng với UNESCO
Một tiết mục hát Xoan
UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho "Đêm hát Xoan Phú Thọ” đã cơ bản hoàn tất, đã có 25 vị Đại sứ và 25 Tham tán văn hóa của các nước nhận lời mời dự đêm hát Xoan. Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện tại trên vùng đất Tổ Phú Thọ chỉ còn 69 nghệ nhân hát Xoan, đều vào ở độ tuổi cao. Chính điều này đã đặt hát Xoan trước nguy cơ phải bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ” được xây dựng công phu, bài bản, kế thừa kinh nghiệm từ việc xây dựng hồ sơ Hội Gióng và Quan họ, Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế. Trải qua thẩm định vòng sơ loại, hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ” sẽ được đưa ra quyết định cuối cùng tại Kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Bali, Indonesia vào tháng 11-2011.

Hát Xoan là tiếng hát đặc sắc riêng có của vùng đất Tổ với 4.000 năm phát triển và cũng là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Nguồn gốc của nó gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

Qua thời gian, để phù hợp và tồn tại, hát Xoan đã có những biến tấu. Những dịp hội hè, lễ lạt, người dân đã đem lối hát "linh thiêng” này ra biểu diễn. Những câu hát thờ trang nghiêm chỉ còn ở phần lễ, phần hát chúc ở phần cuối còn trong các lời hát là hát trữ tình, tình cảm trai gái, các phần hát: Bợm gái, Đúm, Bỏ bộ, Xin huê – Đố chữ, Cài huê – Mó cá... hay tả về ngư, tiều, canh, mục; về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang thong thả, vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh lại có những giọng duyên dáng trữ tình...

Theo Nguyễn Long – ĐĐK




Các bài mới
Các bài đã đăng