Thực trạng báo động
Ngày 13.10, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Đánh giá kiểm kê di sản văn hóa ca trù 2009 - 2010. Theo Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, PGs, Ts Lê Văn Toàn, hiện toàn quốc có 51 câu lạc bộ ca trù, với trên 500 thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện. Tuy nhiên, số nghệ nhân thực hành ca trù từ năm 1945 trở về trước, vào thời gian xây dựng hồ sơ gửi UNESCO còn 21 người, đến giờ một số cụ đã mất, số nghệ nhân còn lại do tuổi cao nên sức khỏe cũng đáng báo động. PGs, Ts Lê Văn Toàn băn khoăn: nghệ nhân ca trù - những báu vật sống - đang giữ kho tàng nghệ thuật cổ truyền cần được hưởng chế độ như thế nào để họ yên tâm truyền nghề? Và, việc truyền dạy ở các câu lạc bộ, các địa phương cần thống nhất phương thức sao cho đảm bảo chất lượng? Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh Lê Văn Lộc chia sẻ: TP Hồ Chí Minh có 14 đào nương, hầu hết trên dưới 60 tuổi, nếu không có bước đột phá trong bảo tồn và phát huy thì khoảng chục năm nữa TP Hồ Chí Minh sẽ tự xóa tên trên bản đồ các địa phương có di sản ca trù. “Dự định mở lớp truyền dạy thì không đào đâu ra học viên. Dự định gắn ca trù với du lịch thì các cơ sở du lịch từ chối. Nghệ nhân nhiệt tình, tự nguyện mở lớp truyền dạy tại gia, muốn được hỗ trợ kinh phí cũng rất khó khăn, nhiêu khê. Cho đến nay chưa có nghệ nhân truyền nghề nào được hỗ trợ kinh phí. Đau yếu, bệnh tật, khó khăn trong đời sống cũng chỉ được động viên tinh thần. Những thực tế ấy khiến cho các báu vật sống có cảm giác chúng ta đang đủng đỉnh với yêu cầu bảo vệ khẩn cấp ca trù”. Với 13 câu lạc bộ hoạt động biểu diễn, Hà Nội là địa phương có phong trào hát ca trù và số câu lạc bộ ca trù nhiều nhất. Tuy nhiên, đại diện Sở VH, TT và DL Hà Nội cho rằng, số đào nương, kép đàn, trống chầu đông về số lượng, trẻ về tuổi tác nhưng lại kém về chất lượng. Nguyên nhân do thầy giỏi và có tâm với nghề rất ít, việc đào tạo không cơ bản, thời gian dạy và học quá ngắn. Mặt khác, các câu lạc bộ được thành lập thiếu sự quan tâm của chính quyền và ngành văn hóa dẫn đến mạnh ai người ấy làm… Tìm cách bảo tồn, phát huy ca trù Theo Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, ca nương Phạm Thị Huệ, dù chưa được các cấp ngành hữu quan của thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động nhưng các CLB ca trù ở Hà Nội hiện nay vẫn duy trì sinh hoạt, biểu diễn đều đặn. Xu hướng chung là thường tổ chức biểu diễn ở các điểm diễn trong khu vực phố cổ để thu hút khách du lịch, từ đó tạo nguồn thu hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ. Từ khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, người ta biết đến ca trù nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này cũng tăng lên, nhất là với khách quốc tế. Nên chăng có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các câu lạc bộ với các công ty lữ hành, đồng thời Nhà nước vừa hỗ trợ kinh phí, vừa tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm cho các câu lạc bộ biểu diễn. Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Ngưu, CLB Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội cho hay: Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn được thành lập đến này đã gần 4 năm, thu hút gần 30 hội viên tham gia, thành viên lớn tuổi nhất là 85 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi. Xưa nay không có cấp nào hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của câu lạc bộ nhưng chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần, bằng tình yêu, trách nhiệm với nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ kinh phí để động viên các nghệ nhân, phục vụ việc đào tạo, truyền nghề cho các cháu thiếu nhi là rất cần thiết. Điều đó thể hiện sự quan tâm, trân trọng các nghệ nhân của nhà nước. Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH, TT và DL Hưng Yên Bùi Thị Phấn nhận định: muốn bảo tồn ca trù phải làm sao để các câu lạc bộ ở địa phương, mà nòng cốt là các nghệ nhân cao tuổi, duy trì được hoạt động đều đặn. Việc này phải do Viện Âm nhạc tổ chức, chứ các địa phương khó có thể làm được vì người dạy môn nghệ thuật này ít ỏi và thiếu kinh phí. Viện trưởng Viện Âm nhạc Lê Văn Toàn cho biết, hiện đơn vị đã hoàn thành việc lập dự án Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê ca trù năm 2012, thuộc chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản, trình Bộ VH, TT và DL phê duyệt. Dự án gồm 4 nội dung chính: nghiên cứu khoa học, truyền dạy ca trù trong cộng đồng, phát huy ca trù trong đời sống và kiểm kê ca trù. Theo đó, năm 2012, Viện sẽ thực hiện 2 đề tài nghiên cứu, biên soạn sách: Những điệu hát ca trù phổ thông, Tổng tập ca trù xưa và nay. Đây sẽ là tài liệu giúp các nghệ nhân ở các vùng ca trù khác nhau sử dụng khi truyền dạy và giúp cho những người muốn tìm hiểu, học hỏi nghệ thuật này. Để phát huy khả năng, vai trò của các nghệ nhân, cũng trong năm 2012 Viện sẽ mở 4 lớp học ca trù ở các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh. Viện cũng đang đề xuất tổ chức 2 cuộc liên hoan ca trù tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ trong năm 2012. Theo Nhữ Sơn - ĐBND |